Những bất cập đến khó hiểu trong khảo sát thiết kế khu tái định cư Cà Đăng ở huyện Nam Giang!?
Từ thôn Cà Đăng, xã Tà Bhing (nằm ven QL14D – P.V) hỏi đường đến dự án khu tái định cư (TĐC) mới đang xây dựng, người dân ai cũng biết. A Lăng Hùng, một thanh niên có nhà bán quán ngay ven đường chỉ cho chúng tôi: “Mấy anh cứ ngược theo đường lên núi Cà Đăng này hơn 1km sẽ tới, nhưng đường khó đi lắm đấy, chỉ có xe tải chở vật liệu mới lên được thôi. Trời đang mưa phải hết sức cẩn thận đấy!”. Đúng như lời A Lăng Hùng nói, con đường lên khu TĐC vốn là đường làm công trình điện cũ nằm chênh vênh bên mép suối, được thảm bê tông nhưng đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Bươn qua những khúc bùn lầy, ngược dốc, chúng tôi mới lên được khu TĐC đang xây dựng nhưng buộc phải tạm dừng này.
Vào thời điểm chúng tôi có mặt, khu đất được chọn làm dự án TĐC này chỉ mới trong giai đoạn cày xới, san ủi lởm chởm đất đá, vài đoạn đường nội bộ, vài đoạn cống rãnh mới xây dựng nhưng do trời mưa lớn, đất đá đã vùi lấp gần hết…Vài chiếc máy đào, máy xúc nằm im lìm, bất động…Những người dân đi làm rẫy than phiền với chúng tôi: “Người ta làm khu TĐC ở đây thì người dân nào lên ở nổi, đất đai lổn nhổn toàn đá cục, đá hòn nằm sát chân núi. Khu vực lại có độ dốc, mỗi khi mưa xuống nước dồn về khu vực, vấn đề sạt lở chắc chắn sẽ xảy ra, rất nguy hiểm. Thêm nữa, khu TĐC lại xây dựng ngay dưới dòng lưới điện cao thế Bắc-Nam, lại càng nguy hiểm, vấn đề an toàn về điện không đảm bảo…Xã Tà Bhing thiếu chi địa điểm khác thuận lợi hơn để xây dựng khu TĐC, sao lại chọn địa điểm này. Thật không hiểu nổi…!?”.
Đem những thắc mắc của người dân hỏi chính quyền địa phương thì được bà A Rất Thị Bông - Bí thư Đảng ủy xã và ông Tơ Ngôn Kía - Chủ tịch UBND xã cho biết: Dự án Khu TĐC Cà Đăng nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia, là nơi TĐC cho hơn 50 hộ dân thôn Cà Đăng và một số thôn khác của xã Tà Bhing nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở khu vực sông Thanh và suối Kgui. Dự án do Ban Quản lý quỹ đất đô thị Nam Giang thuộc UBND huyện Nam Giang làm chủ đầu tư. Ông Tơ Ngôn Kía không nắm rõ kinh phí của dự án là bao nhiêu, chỉ nghe nói là khoảng trên dưới 30 tỷ đồng.
Theo ông Tơ Ngôn Kía, hơn 10 năm nay, các hộ dân nằm trong vùng sạt lở, lũ lụt đã nhiều lần kiến nghị được di dời đến nơi ở mới nhằm đảm bảo an toàn trong cuộc sống, nhưng phải đến năm 2023, huyện Nam Giang mới thành lập được dự án TĐC cho người dân ở thôn Cà Đăng như hiện nay. Khu TĐC được chọn xây dựng sát chân núi Cà Đăng, bên cạnh Trạm biến áp đường dây 500KV Bắc-Nam, trên diện tích 2ha. Khi dự án này triển khai san ủi, làm đường nội bộ, rãnh thoát nước, ngành quản lý điện khu vực Nam Giang đã có ý kiến, khu TĐC này đã vi phạm hành lang an toàn đường điện 220KV tuyến Cà Đăng- Duy Xuyên. Việc khu TĐC nằm sát đường điện 500KV Bắc-Nam là không đảm bảo an toàn theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, trên diện tích 2ha của khu TĐC này, 1 ha đã san ủi, làm đường, cống rãnh như đã nói trên, còn 1 ha khi thi công san ủi trúng khu vực toàn đá lớn, không thể thi công mặt bằng. Từ những nguyên nhân nêu trên, cách đây 2 tháng, dự án đã phải dừng việc thi công lại.
Theo kế hoạch, dự án đến quý 3 - 2024 phải hoàn thành, tức là trước mùa mưa lũ năm 2024 để kịp thời di dời các hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở, bão lụt. Đến nay, huyện Nam giang đã có ý kiến cho thăm dò, khảo sát lại địa điểm xây dựng khu TĐC, nhưng cũng ngay gần vị trí đã triển khai hiện nay. Cán bộ, nhân dân xã Tà Bhing bức xúc có ý kiến, một dự án nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia, tại sao lại cẩu thả trong việc khảo sát, thăm dò, xác định địa điểm như thế…?
Bà A Rất Thị Bông và ông Tơ Ngôn Kía trăn trở bày tỏ: “Chúng tôi không biết cấp trên, chủ đầu tư sẽ thay đổi, thiết kế, khảo sát dự án thế nào, nhưng cán bộ và nhân dân thôn Cà Đăng, xã Tà Bhing rất mong mỏi sớm có khu TĐC mới để di dời hơn 50 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở, lũ lụt, nhằm ổn định đời sống nhân dân. Chúng tôi đã liên hệ, tìm gặp các cán bộ lãnh đạo chính quyền huyện Nam Giang để tìm hiểu sự việc, nhưng đều không thể liên lạc, gặp gỡ được với vị nào”…
Hồng Thanh