Những câu hỏi đặt ra sau vụ ông Trump bị ám sát hụt
Vì sao kẻ xả súng lại nhắm vào ông Trump?
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã xác định Thomas Matthew Crooks (20 tuổi), là nghi phạm trong vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Pennsylvania hôm 13-7. Crooks sống ở Bethel Park, Pennsylvania, cách nơi diễn ra cuộc vận động tranh cử của ông Trump khoảng 1 giờ lái xe. New York Times đưa tin, Crooks làm trợ lý dinh dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Bethel Park và không có tiền sử phạm tội. Crooks tốt nghiệp trường trung học Bethel Park năm 2022. Crooks còn được nhận "giải thưởng ngôi sao" trị giá 500 USD từ Sáng kiến Khoa học và Toán học Quốc gia.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vẫn đang điều tra hồ sơ của Crooks và động cơ thúc đẩy hắn thực hiện vụ tấn công. Họ sẽ phỏng vấn gia đình, bạn bè và xem xét lịch sử trực tuyến của Crooks cũng như bất kỳ bài viết nào còn sót lại. Theo hồ sơ công khai, Crooks đã đăng ký với tư cách là thành viên Đảng Cộng hòa, nhưng đối tượng này lại quyên góp 15 USD cho một tổ chức ủng hộ Đảng Dân chủ.
Cảnh sát đã thu được một khẩu súng trường gần thi thể Crooks nhưng vẫn chưa cho biết làm thế nào đối tượng trên có được vũ khí này. Hãng tin AP dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết khẩu súng này thuộc về cha của Crooks. Các nhà chức trách báo cáo đã tìm thấy chất nổ bên trong một chiếc ô-tô do Crooks lái tới đậu gần sự kiện vận động tranh cử của ông Trump. Ngoài ra, hãng tin AP đưa tin vật liệu chế tạo bom cũng được tìm thấy bên trong nhà của Crooks. Một câu hỏi đặt ra là kẻ xả súng còn có kế hoạch gì khác ngoài việc bắn ông Trump hay không?
Lỗ hổng nghiệp vụ an ninh của Mật vụ Mỹ?
Sau vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều người đã tỏ ra lo ngại và đặt ra nghi vấn về việc làm thế nào một tay súng bắn tỉa có thể hành động trên một sân thượng chỉ cách bục diễn thuyết ngoài trời nơi ông Trump đứng khoảng 150 m.
Chỉ vài giây sau khi loạt tiếng súng vang lên, các nhân viên của Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) đã tiêu diệt được nghi phạm. Thi thể của hắn gục ngay trên nóc một mái nhà. Tuy nhiên, vị trí của kẻ nổ súng được cho là nằm ngoài phạm vi an ninh đã đặt ra câu hỏi về quy mô và nỗ lực bảo vệ khu vực ông Trump gặp mặt người ủng hộ.
Theo Đài Truyền hình CNN, ngày 14-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã chỉ đạo Giám đốc USSS Kimberly Cheatle xem xét và đánh giá lại tất cả các biện pháp an ninh cho Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa sắp tới. Các nhà lập pháp lưỡng đảng đã yêu cầu USSS có câu trả lời về tình hình an ninh và tổ chức các phiên điều trần về vụ việc. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson tuyên bố sẽ điều tra đầy đủ về vụ nổ súng, với những lời khai từ USSS, DHS và FBI, đồng thời hai thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện cũng đã kêu gọi điều tra.
Trong khi đó, FBI cũng đang dẫn đầu một cuộc điều tra về âm mưu ám sát bất thành. Ngoài ra, Bộ An ninh Nội địa, USSS và Quốc hội cũng sẽ tiến hành điều tra thêm. Cho đến nay vẫn chưa rõ làm thế nào mà nghi phạm bắn tỉa có thể trèo lên nóc nhà ở khoảng cách tương đối gần so với điểm đứng của ông Trump cũng như lý do tại sao tòa nhà đó lại không nằm trong phạm vi an ninh nghiêm ngặt.
Theo Đài Phát thanh KDKA, một nhân chứng đã mô tả lại cho cảnh sát rằng anh nhìn thấy một tay súng di chuyển từ mái nhà này sang mái nhà khác trước khi tiến hành nổ súng. Các nhân chứng khác cho hay họ nhìn thấy một đối tượng trùng khớp với mô tả về kẻ nổ súng được cho là mang theo một khẩu súng trường bên ngoài hàng rào an ninh trước khi sự kiện diễn ra.
Người phát ngôn USSS Anthony Guglielmi tuyên bố: Thông tin một thành viên trong nhóm chiến dịch của cựu Tổng thống Trump yêu cầu bổ sung nguồn lực an ninh nhưng yêu cầu đó đã bị từ chối là sai sự thật. Thực tế, chúng tôi đã bổ sung các tài nguyên, công nghệ và khả năng bảo vệ khi chiến dịch tăng tốc". FBI cũng đã bác bỏ thông tin này vào tối 12-7. Kevin Rojek, đặc vụ FBI phụ trách văn phòng Pittsburgh cho biết trong một cuộc họp báo: "FBI chưa từng từ chối bất kỳ yêu cầu bổ sung an ninh nào".
AN BÌNH
Những lời đe dọa ông Trump trước vụ ám sát hụt Theo kênh RT ngày 14-7, từ khi trở thành tổng thống Mỹ năm 2016 tới khi bị bắn tại cuộc vận động tranh cử mới đây, ông Trump từng đối mặt với hàng loạt lời đe dọa. Những người nổi tiếng Hollywood đã phản ứng phẫn nộ sau chiến thắng gây sốc của ông Trump trước cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào năm 2016. Biểu tượng nhạc pop thập niên 1980 Madonna nói về việc muốn "cho nổ tung Nhà Trắng"; nam diễn viên kiêm nhà hoạt động Peter Fonda kêu gọi nhốt con trai út của Tổng thống Trump là Barron "vào lồng chung với những kẻ ấu dâm"; diễn viên hài Kathy Griffin đã gây chú ý khi cô chụp ảnh với mô hình đầu của ông Trump. Phát biểu trước khán giả tại Lễ hội Glastonbury của Anh năm 2018, nam diễn viên Johnny Depp đặt câu hỏi: "Lần gần đây nhất mà một diễn viên ám sát một tổng thống là khi nào?". Nam diễn viên này nói thêm: "Có lẽ đã đến lúc rồi". Vài tháng sau đó, ngôi sao Broadway Carole Cook đã đề cập đến vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln khi cô hỏi một nhiếp ảnh gia: "Khi cần thì John Wilkes Booth ở đâu?". John Wilkes Booth là thủ phạm ám sát ông Lincoln năm 1865. |
Ông Trump tuyên bố không sợ hãi, tiếp tục tranh cử Trong tuyên bố thứ hai trên mạng xã hội Truth sau vụ xả súng ở Pennsylvania ngày 13-7, ông Trump bày tỏ ông mong muốn được phát biểu tại Wisconsin, nơi sẽ tổ chức Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa (RNC) vào tuần này. "Chúng ta sẽ không sợ hãi, thay vào đó vẫn kiên cường trong đức tin của mình bất chấp sự gian ác. Tình yêu của chúng ta hướng tới những nạn nhân khác và gia đình họ. Chúng ta cầu nguyện cho sự hồi phục của những người bị thương và ghi nhớ trong lòng ký ức về người đã bị thiệt mạng một cách khủng khiếp", ông Trump bình luận thêm. Ông Trump khẳng định: "Trong thời điểm này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải đoàn kết và thể hiện bản chất thật của người Mỹ, luôn mạnh mẽ và quyết tâm, không để cái ác chiến thắng". "Tôi thực sự yêu đất nước của chúng ta và yêu tất cả các bạn, đồng thời mong được đại diện cho đất nước vĩ đại của chúng ta trong tuần này từ Wisconsin", ông Trump cho biết thêm. |