Chính trường Mỹ chấn động khi ông Trump bị ám sát hụt

Thứ hai, 15/07/2024 19:26

Giới chức Mỹ đang khẩn trương điều tra vụ ám sát hụt nhắm vào cựu Tổng thống Donald Trump trong sự kiện vận động tranh cử tại thành phố Butler, bang Pennsylvania. Việc ông Trump thoát chết trong gang tấc tiếp tục gây chấn động cho mùa bầu cử vốn nhiều diễn biến kịch tính.

Ông Donald Trump được mật vụ Mỹ hộ tống khỏi hiện trường sau vụ nổ súng ở bang Pennsylvania ngày 13-7. Ảnh: AP
Ông Donald Trump được mật vụ Mỹ hộ tống khỏi hiện trường sau vụ nổ súng ở bang Pennsylvania ngày 13-7. Ảnh: AP

Điều tra động cơ

Theo CNN, trong cuộc họp báo vào đêm muộn 13-7 ở thành phố Butler về vụ nổ súng, đại diện Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác nhận, vụ nổ súng nhằm vào ông Trump là một âm mưu ám sát. Vụ việc khiến ông Trump bị đạn sượt qua phần trên tai phải trong khi nghi phạm và ít nhất một người ủng hộ thiệt mạng, hai người tham dự khác bị thương nặng.

Theo New York Post, nghi phạm dùng súng trường ngắm bắn ông Trump từ nóc một nhà máy, cách sân khấu nơi ông phát biểu hơn 118m. Nghi phạm này bắn vài phát súng, trong đó có một viên sượt qua tai của ông, và sau đó bị các nhân viên mật vụ bắn hạ. FBI xác nhận nghi phạm trong vụ nổ súng là Thomas Matthew Crooks (20 tuổi), sinh sống ở Bethel Park, bang Pennsylvania và là cử tri đã đăng ký của đảng Cộng hòa tại bang này. Nghi phạm không có tiền án, từng có thành tích học tập tốt. Hiện vẫn chưa rõ động cơ của Crooks khi tiến hành vụ tấn công.

CNN dẫn lời ông Kevin Rojek, đặc vụ phụ trách văn phòng FBI tại Pittsburgh, phát biểu tại cuộc họp báo về vụ việc tại thành phố Butler, bang Pennsylvania, cho biết nhà chức trách đang làm việc khẩn trương để cố gắng xác định kẻ đã làm điều này và bất kỳ động cơ nào phía sau việc đó; đồng thời kêu gọi công chúng cung cấp thông tin hữu ích. FBI đã triển khai các nhân viên điều tra, nhóm phản ứng bằng chứng và nhân viên khác từ khắp nước Mỹ để triển khai biện pháp ứng phó với một số hoạt động khả nghi. Phát biểu trên mạng xã hội X, Tổng thống Biden bày tỏ vui mừng vì ông Trump vẫn bình an vô sự sau vụ nổ súng; đồng thời kêu gọi đoàn kết và lên án bạo lực chính trị.

Hiện dư luận Mỹ đặt câu hỏi: Liệu mật vụ mắc sai sót nghiêm trọng trong quy trình bảo đảm an toàn cho ông Trump? Theo Politico, các chuyên gia tự hỏi tại sao nghi phạm với bộ súng trường hiện đại có thể dễ dàng vượt mặt các mật vụ dày dạn kinh nghiệm để lẻn trèo lên mái nhà gần nhất và nổ nhiều phát súng trước khi bị phát hiện và bắn hạ. Theo họ, mức độ nghiêm trọng của tình hình đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng để không lặp lại những sơ suất như vậy trong tương lai và bảo đảm trách nhiệm giải trình ở mọi cấp độ. Chủ tịch Ủy ban giám sát Hạ viện Mỹ James Comer kêu gọi Giám đốc Sở Mật vụ Kimberly Cheatle ra điều trần về sự việc. Tỷ phú Elon Musk cũng kêu gọi lãnh đạo cơ quan này từ chức.

Thực tế, trước các cuộc vận động tranh cử của ông Trump có hàng nghìn khán giả, diễn ra ngoài trời và kéo dài hàng giờ, các đặc vụ sẽ rà soát địa điểm để dò tìm bom hoặc những mối đe dọa khác. Ông Trump luôn đến trong một đoàn xe hộ tống kiên cố. Lực lượng chức năng thường dựng rào chắn làm vành đai và yêu cầu tất cả người tham dự phải đi qua máy dò kim loại để vào địa điểm. Các nhân viên bảo vệ có vũ trang lục soát túi xách và thậm chí cả ví của tất cả người tham dự. Tuy nhiên, theo cựu nhân viên mật vụ Paul Eckloff, các mật vụ lẽ ra phải khảo sát trước tất cả mái nhà bằng đường ngắm. Bộ An ninh nội địa Mỹ đang thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo đảm an toàn cho ông Trump và Tổng thống Joe Biden.

Ông Trump càng có cơ hội đắc cử?

Các chuyên gia phát hiện rằng, dù tuổi cao (78 tuổi), ông Trump đã phản xạ đúng nguyên tắc huấn luyện “Run, Hide, Fight” (chạy, trốn và chiến đấu) của FBI trong ứng phó trong tình huống khẩn cấp dạng này. Thực tế, hình ảnh từ video cũng cho thấy, sau khi tiếng súng nổ lên, ông Trump lập tức cúi người xuống sàn, núp phía dưới bục phát biểu, trong khi đám đông nhốn nháo và la hét. Bức ảnh của nhà báo Evan Vucci của AP chụp ông Trump vẫn hiên ngang quay lại người dân và ống kính báo giới, giơ cao nắm đấm và miệng thét lớn: “Fight” (chiến đấu) dù mặt còn dính máu và vừa thoát khỏi cái chết trong gang tấc đang “chiếm sóng” hàng loạt trang truyền thông lớn của Mỹ, qua đó cho thấy một chính trị gia điềm tĩnh, gan dạ và bản lĩnh.

Những hình ảnh này sẽ đi vào lịch sử và làm phong phú thêm về ông Trump cũng như bức ảnh để lưu hồ sơ trại giam Atlanta và đoạn phim quay cảnh ông trở lại Nhà Trắng vào năm 2020 sau khi bị nhiễm Covid-19 nghiêm trọng. Thực tế, ngay khi nhanh chóng tới Bedminster (bang New Jersey) sau vụ nổ súng, ông Trump vẫn bình tĩnh gửi email tới người ủng hộ với tuyên bố: “Đây là thông điệp từ Donald Trump. Tôi không bao giờ bỏ cuộc”; đồng thời cho biết vẫn tham dự đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa vào ngày 15-7, sự kiện gần như chắc chắn xác nhận ông là ứng viên đại diện đảng trong ngày bầu cử vào tháng 11-2024.

Reuters nhận định, dù suýt chết nhưng vụ nổ súng ở Pennsylvania nhiều khả năng sẽ càng có lợi cho ông Trump, đặc biệt giữa lúc ông có phần thắng thế trước ông Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng dự báo khó đoán định này. Theo Politico, các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội tin rằng vụ ám sát hụt càng tiếp thêm sinh lực cho con đường trở lại Nhà Trắng hơn bất cứ điều gì. Elon Musk là người nổi tiếng đầu tiên bình luận trước vụ nổ súng. Ông đăng hai thông điệp trên tài khoản X. Đầu tiên là tuyên bố hoàn toàn ủng hộ ông Trump; đồng thời hy vọng ông sẽ sớm hồi phục. Sau đó, người sáng lập Tesla so sánh chính trị gia này với Theodore Roosevelt, người sống sót thần kỳ sau một vụ ám sát trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1912. Tương tự, trong bài đăng mới trên mạng xã hội X, tỷ phú Jeff Bezos, chủ sở hữu Amazon, cũng khen ngợi tinh thần dũng cảm của ông Trump. Nhiều người dự đoán, với sự ủng hộ của các tỷ phú, cỗ máy gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của ông Trump sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn.

Rõ ràng, những diễn biến gây sốc ngày 13-7 bổ sung thêm một yếu tố chính trị đầy biến động khác vào một năm bầu cử nhiều sóng gió và khó đoán. Ở góc nhìn khác, CNN bình luận, vụ nổ súng này cũng tiếp nối hàng loạt sự kiện đáng buồn trong lịch sử bạo lực dai dẳng ở Mỹ, đánh dấu một trong những thời điểm căng thẳng nhất của chính trị hiện đại. Ông Biden là tổng thống thứ 46 của Mỹ và 4 người tiền nhiệm của ông đã qua đời trong các vụ ám sát khi còn đương chức mà gần đây nhất là vụ việc của John F. Kennedy vào năm 1963. Việc Trump bị tấn công chấm dứt khoảng thời gian 40 năm mà nhiều người cho rằng năng lực tốt của lực lượng mật vụ Mỹ đã làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra những vụ ám sát, và sẽ vẫn là nỗi ám ảnh kéo dài trong nhiều năm tới. Với tình trạng chính trị phân cực nghiêm trọng tại Mỹ hiện nay, vụ ám sát chắc chắn sẽ gây ra những chia rẽ chính trị nghiêm trọng hơn nữa.

Cộng đồng quốc tế lên án vụ nổ súng
Ngày sau vụ nổ súng, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cùng hàng loạt nhà lãnh đạo trên thế giới như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ, Úc, Philippines, Vương quốc Anh, Hungary…đều lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực nhằm vào nhân vật chính trị như ông Trump; đồng thời gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới ông và cầu mong ông nhanh chóng bình phục. Đơn cử, theo AP, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, ông bàng hoàng trước những cảnh tượng gây sốc tại cuộc vận động tranh cử của ông Trump và khẳng định rằng, bạo lực chính trị ở bất cứ hình thức nào cũng không có chỗ tồn tại trong xã hội. Tương tự, trên mạng xã hội X, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định: “Tôi xin bày tỏ sự sẻ chia với cựu Tổng thống Trump, những người tham dự sự kiện và tất cả người Mỹ”. Tại châu Á, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự cảm thông đối với ông Trump, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ vụ việc.

Danh sách các tổng thống Mỹ từng bị ám sát
Trước vụ ám sát bất thành ông Trump, đã có nhiều vụ ám sát và bạo lực chính trị nhắm vào các tổng thống Mỹ, cựu tổng thống và các ứng cử viên tổng thống của các đảng lớn. AP đã điểm lại một số vụ ám sát và âm mưu ám sát xảy ra kể từ khi nước Mỹ được thành lập vào năm 1776. Abraham Lincoln là tổng thống đầu tiên bị ám sát bởi John Wilkes Booth vào năm 1865. Tiếp đến, James Garfield bị bắn khi đang đi bộ vào năm 1881. Ông bị trọng thương nằm ở Nhà Trắng trong vài tuần, và cuối cùng qua đời 2 tháng sau đó. Tổng thống William McKinley bị bắn hai phát vào ngực ở cự ly gần ở New York năm 1901. Ông mất hai tuần sau đó do vết thương nặng. Tổng thống John F. Kennedy bị một sát thủ giấu mặt trang bị súng trường cỡ lớn bắn chết khi thăm thành phố Dallas vào năm 1963.
Trong khi đó, các tổng thống Franklin D. Roosevelt, Harry S. Truman, Gerald Ford, George W. Bush may mắn bình an vô sự trong các vụ ám sát bất thành.

Thông tin mới về nghi phạm vụ ám sát hụt ông Trump

Không lâu sau vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Pennsylvania hôm 13-7, truyền thông thế giới đã thu thập được một số thông tin ban đầu về nghi phạm.

Sau vụ ám sát hụt, cục diện bầu cử Mỹ thay đổi như thế nào?

Những phát súng hôm 13/7 vừa qua tại sự kiện vận động cử tri của ông Donald Trump có thể làm thay đổi cục diện của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, khiến một cuộc chạy đua vốn có nhiều điểm hiếm gặp lại trở nên bất ổn hơn nữa, theo giới chuyên gia.

Bức ảnh hiếm về khoảnh khắc viên đạn sượt qua đầu ông Trump

Tờ New York Times đã đăng tải bức ảnh chụp một viên đạn bay sượt qua đầu cựu Tổng thống Donald Trump vào thời điểm ông bị một tay súng nhắm bắn trong lúc vận động tranh cử ở Pennsylvania.