Nỗ lực tạo sức bật cùng thành phố phát triển bứt phá
Hải Châu: Bừng sáng với kinh tế đêm
Hải Châu, trái tim của Đà Nẵng đang vươn mình mạnh mẽ, là điểm sáng trong bản đồ du lịch của thành phố. Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho hay, Phố đi bộ Bạch Đằng khai trương vào tháng 6-2024 nhanh chóng trở thành điểm hẹn các sự kiện văn hóa giải trí phục vụ người dân và du khách hàng đêm của quận Hải Châu, tạo điểm nhấn cho bờ tây sông Hàn. Tuyến phố này không chỉ mang lại không gian đi bộ thư giãn mà còn là một đại lộ các dịch vụ ăn uống, nghệ thuật và giải trí với hơn 40 hoạt động từ ngày khai trương. Các hoạt động văn hóa như biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc đường phố, lễ hội áo dài và những sự kiện độc đáo khác đã đem lại một sức sống mới cho khu vực. Số liệu trung bình từ 800 đến gần 2.000 lượt khách mỗi ngày và con số tăng gấp chục lần vào mỗi dịp cuối tuần đã minh chứng cho sức hút mạnh mẽ.
Thành công của Phố đi bộ Bạch Đằng là không lạm dụng bố trí quá nhiều ki-ốt, hàng quán mà nhường không gian thoáng đãng cho người đi bộ. Bên cạnh đó, quận Hải Châu chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm, PCCC đến xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 100% cơ sở kinh doanh. Những nỗ lực này đã biến Phố đi bộ Bạch Đằng trở thành tuyến phố văn minh, an toàn. Công tác truyền thông cũng được thực hiện trên phương tiện truyền thông và nền tảng số, thu hút hơn 47.600 lượt thích trên TikTok, hàng chục ngàn lượt “like” trên facebook...
Chiến lược phát triển kinh tế đêm giai đoạn 2020-2025 đã đặt nền tảng để quận trở thành trung tâm kinh tế đêm sôi động nhất khu vực. Các tuyến phố chuyên doanh như Lê Duẩn, Huỳnh Thúc Kháng hay kiệt 42 Trần Kế Xương, Phạm Hồng Thái... tiếp tục được cải tiến và mở rộng. Cùng với đó là Công viên APEC với 70-85 hoạt động/1 năm, trong đó 30-40 hoạt động về đêm/1 năm, đón 15.000 đến 20.000 lượt người đến tham dự; Bến đón trả khách du lịch tàu biển hứa hẹn sẽ tăng tính kết nối và đồng bộ trong quy hoạch du lịch.
Những định hướng cho năm 2025 hứa hẹn tiếp tục đặc sắc, ông Lê Tự Gia Thạnh cho biết, giai đoạn 2 của Phố đi bộ Bạch Đằng sẽ được triển khai, kết hợp với bến du thuyền và các dịch vụ cao cấp như nhà hàng, bar, cà-phê, tạo nên sản phẩm du lịch đường thủy độc đáo. Ngoài ra, những hoạt động như lễ hội Lân - Sư - Rồng cũng sẽ được nâng tầm quy mô tổ chức nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch đến với phố đi bộ.
Sơn Trà: Vùng du lịch trọng điểm chuyển mình
Sơn Trà được định hướng phát triển trở thành trọng điểm về du lịch, dịch vụ, thương mại, tài chính và kinh tế biển của Đà Nẵng. Sơn Trà đang từng bước hoàn thiện quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có các nội dung tích hợp về tổng thể kinh tế - xã hội trên địa bàn quận, triển khai các nội dung về quy hoạch đô thị, tăng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, tái thiết đô thị trên địa bàn quận, nhất là các khu vực chưa đồng bộ, chưa hiện đại. Quận đã có giải pháp thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế về đêm, kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, hình thành thêm các trung tâm thương mại lớn, xây dựng mới, nâng cấp các chợ của quận theo định hướng kêu gọi đầu tư, xã hội hóa để phát triển thành chợ văn minh, hiện đại.
Ông Huỳnh Văn Hùng- Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, ngoài việc triển khai thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, giải quyết các vướng mắc tồn tại, quận Sơn Trà đang tập trung phương án thí điểm tổ chức dịch vụ phục vụ du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ Đông chân cầu. Hiện tại quận đã triển khai thực hiện các hạng mục chỉnh trang cơ bản như vệ sinh, trồng mới và thay thế một số cây đã chết, gẫy đổ trong khuôn viên bờ Đông, bổ sung điện chiếu sáng và điện trang trí tại khu vực... Đặc biệt, quận đã hoàn thành lắp đặt sân khấu phục vụ các hoạt động tại khu vực bờ Đông công viên cầu Nguyễn Văn Trỗi, hoàn thành điểm check-in “con đường sắc màu” tại đường dẫn lên cầu với tổng chiều dài là 170m. “Sau khi triển khai một số chương trình tại cầu Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hoạt động cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân và du khách được biết, tham gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án vệ sinh, đảm bảo ANTT, an toàn tại khu vực để người dân, du khách được trải nghiệm các dịch vụ du lịch xứng tầm”, ông Hùng thông tin.
Liên Chiểu: Phát triển đảng viên là nòng cốt
Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc cho biết, công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng, tạo nguồn thừa kế cho các tổ chức cơ sở Đảng. Thời gian qua, Đảng bộ quận Liên Chiểu đã nêu cao quyết tâm, tập trung gỡ khó trong tạo nguồn kết nạp Đảng. Qua theo dõi, rà soát, nguồn kết nạp ở các chi bộ khu dân cư và các chi bộ trường học, y tế, lực lượng vũ trang còn rất lớn. Vấn đề quan trọng đặt ra là phải quan tâm đúng mức, với quyết tâm cao và cách làm phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể.
Thực hiện chỉ tiêu phát triển đảng viên mới theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025 có tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm đạt 3-4%/tổng số đảng viên, tại hội nghị tổng kết công tác Tổ chức xây dựng Đảng năm 2023 diễn ra đầu tháng 1-2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã nêu rõ rằng: Mục tiêu năm 2024, toàn Đảng bộ phải phấn đấu kết nạp Đảng đạt 4% nhằm đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ đề ra. Cùng với toàn thành phố, Đảng bộ quận Liên Chiểu đã chú trọng công tác này với nhiều cách làm sáng tạo, giải pháp hay, nhất là các tổ chức cơ sở Đảng của ngành giáo dục, y tế; liên tục tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác phát triển Đảng trong lực lượng vũ trang, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, bảo vệ dân phố, dân phòng...
Trên cơ sở chỉ tiêu Quận ủy giao, các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc phân tích số liệu, xác định các nhiệm vụ, giải pháp và giao chỉ tiêu cho từng chi bộ. Ban Thường vụ Quận ủy phân công các đồng chí Thường vụ phụ trách từng cơ sở để cùng cấp ủy lãnh đạo thực hiện công tác phát triển Đảng, báo cáo tiến độ thực hiện theo định kỳ hàng tháng.
Nhờ sự quyết liệt với những cách làm hay, hiệu quả, trong năm 2024, toàn Đảng bộ quận có 269 đảng viên được kết nạp Đảng, đạt tỷ lệ 4,83%/ tổng số đảng viên đầu năm, trong đó đáng chú ý có 86 đảng viên được kết nạp là viên chức giáo dục; Y tế có 25 đảng viên; học sinh, sinh viên 12 đảng viên...
Thanh Khê: Khơi dậy khát vọng cống hiến trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên
Năm 2024, Quận ủy, Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên các mặt công tác, nhờ vậy, đạt nhiều kết quả nổi bật. Địa phương đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu (7 chỉ tiêu) theo Nghị quyết năm 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ quận trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Kinh tế quận duy trì tăng trưởng ổn định, các chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt so với kế hoạch được giao. Thu ngân sách đạt 117,1%. Tập trung họp bàn, rà soát, đề xuất xử lý, tháo gỡ những vướng mắc trên một số lĩnh vực, nhất là giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; an sinh xã hội được chăm lo chu đáo, hoàn thành vượt chỉ tiêu thoát nghèo năm 2024...
Bước sang năm 2025, quận Thanh Khê tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tiếp tục rà soát, củng cố tổ chức, hoạt động bộ máy chính quyền các cấp sau khi sắp xếp đơn vị hành chính phường; triển khai hiệu quả mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 136/2004/ NQ-QH15 của Quốc hội. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, cụ thể, đa dạng hóa, phong phú Chỉ thị 34-CT/TU của Thành ủy, phòng ngừa hiệu quả các biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đồng thời khơi dậy động lực, khát vọng cống hiến trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Nghiên cứu, xây dựng phương án, giải pháp nhằm tiếp tục mở rộng quy mô kinh tế quận, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng.
Cùng với đó, địa phương sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nội dung thực hiện Đề án “Cải tạo, nâng cấp kiệt hẻm trên địa bàn quận Thanh Khê giai đoạn 2021 - 2025”; phối hợp đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp Công viên 29-3, hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung; xây dựng đập ngăn trên sông Phú Lộc; cải tạo cảnh quan kênh Phần Lăng; tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành; đề xuất phương án tổng thể chỉnh trang khu vực dân cư tuyến cống thoát nước Khe Cạn...
Cẩm Lệ: Bước chuyển biến, phát triển vượt bậc về quy hoạch đô thị
Trong quá trình hình thành và phát triển, quận Cẩm Lệ được TP Đà Nẵng quan tâm đầu tư phát triển, mở rộng không gian đô thị. Nhiều dự án mở rộng, chỉnh trang đô thị được quy hoạch, đầu tư góp phần chuyển đổi bộ mặt đô thị từ nông thôn thành các khu đô thị tương đối hoàn chỉnh.
Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Nguyễn Quang Vinh cho biết, phần lớn diện tích đất trên địa bàn đã có quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết. Việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng mở rộng đô thị giai đoạn từ năm 2005 đến nay đã góp phần lớn vào việc hình thành bộ mặt đô thị của quận văn minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách. Qua thống kê, toàn quận hiện đã có tổng cộng gần 100 dự án quy hoạch lớn nhỏ được đầu tư tương đối bài bản; 25.436 căn nhà với diện tích gần 3 triệu m2 sàn, trung bình hằng năm có hơn 3.000 giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ được cấp mới.
Cùng với quy hoạch đô thị, việc phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất cũng được quận Cẩm Lệ đặc biệt chú trọng. Khu công nghiệp Hòa Cầm là một trong 5 khu công nghiệp lớn của thành phố với tổng diện tích 160,7ha. Hiện nay, UBND quận đang khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng dự án Cụm công nghiệp Cẩm Lệ, tập trung thu hút các doanh nghiệp sản xuất để giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thời gian tới, UBND quận Cẩm Lệ chú trọng việc quy hoạch kiến trúc cảnh quan hoàn chỉnh hai bờ sông Cẩm Lệ để đầu tư hạ tầng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông nhằm kết nối với các địa phương lân cận, ưu tiên phát triển không gian đô thị của quận về phía Tây và tạo động lực quan trọng phát triển phường Hòa Thọ Tây và phường Hòa Phát; tiếp tục đề xuất TP quy hoạch, bố trí quỹ đất chưa sử dụng, hợp thửa các lô đất, quỹ đất tái định cư còn trống tạo thành lô đất lớn để kêu gọi đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi, thu hút đầu tư hình thành các tuyến phố chuyên doanh, trong đó nghiên cứu xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực, giải trí trên đường Nguyễn Phước Lan.
Ngũ Hành Sơn: Đủ tư cách tham gia câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng
Quận Ngũ Hành Sơn đã đang và sẽ đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn di sản, phát triển kinh tế nhằm đảm bảo việc phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương ngày một tăng theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, địa phương còn chú trọng, thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, tài nguyên - môi trường...
Đặc biệt, các tiềm năng thế mạnh về du lịch được quận đầu tư khai thác, phát triển. Đến nay, Làng Nghề đá mỹ nghệ Non Nước được nâng tầm phát triển cả về quy mô sản xuất cũng như chủng loại và chất lượng sản phẩm, đóng góp vào giá trị tăng trưởng kinh tế của quận và đã được Bộ VH-TT& DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2014. Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn được công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào ngày 24-12-2018. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021. Đặc biệt, năm 2022, Ma nhai tại Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong năm 2024, riêng Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón 1.719.316 lượt khách (1.098.650 lượt khách nước ngoài), tổng thu ngân sách 76 tỷ đồng. Chợ đêm tại Khu phố du lịch An Thượng hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan, sử dụng dịch vụ, tạo nên không khí sôi nổi, vui tươi, góp phần thúc đẩy ngành thương mại du lịch của địa phương. Với làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, các nghệ nhân đã không ngừng cải tiến về mẫu mã, phát triển thị trường, đáp ứng tốt các yêu cầu của người tiêu dùng. Kết quả trong năm 2024, doanh thu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ đạt 315 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương còn chú trọng đến công tác phát triển các ngành, như: nông nghiệp - thủy sản, xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế đô thị, hướng đến xây dựng Ngũ Hành Sơn trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch phía Đông Nam TP Đà Nẵng. Với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nêu cao tinh thần tự giác của người dân, tính đến ngày 26-11-2024, tổng thu ngân sách của quận Ngũ Hành Sơn đạt 1.206 tỷ đồng, vượt 166,5% chỉ tiêu đề ra.