Tầm vóc mới của Bảo tàng Đà Nẵng
Sau gần 4 năm, tòa nhà cổ thời Pháp tại số 42 Bạch Đằng đã được TP Đà Nẵng chuyển đổi công năng thành bảo tàng quy mô và hiện đại, có kiến trúc độc đáo. Trong những ngày này, hầu hết hiện vật của Bảo tàng Đà Nẵng nằm trong vùng lõi Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải đang được vận chuyển, di dời về đây để trưng bày trong không gian mới.
Đây vốn là tòa thị chính Đà Nẵng thời Pháp thuộc, sau đó trở thành trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và trụ sở UBND TP Đà Nẵng sau khi chia tách địa giới năm 1997. Đến tháng 6 - 2014, tòa nhà được sử dụng làm trụ sở HĐND TP Đà Nẵng. Cuối năm 2019, UBND TP Đà Nẵng triển khai dự án cải tạo, nâng cấp tòa nhà này để chuyển toàn bộ Bảo tàng Đà Nẵng từ vùng lõi di tích lịch sử quốc gia Thành Điện Hải về. Trong khuôn viên có tổng diện tích hơn 8.600 m2, bên cạnh tòa nhà 42 Bạch Đằng còn có tòa nhà cổ số 44 Bạch Đằng (trước đây là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) và tòa nhà số 31 Trần Phú.
Nhìn từ bên ngoài, các tòa nhà được giữ nguyên kiến trúc mặt tiền, mái ngói và màu sơn đặc trưng. Tường rào xung quanh đã được dỡ bỏ, tạo không gian thông thoáng, mở ra một khuôn viên rộng rãi cho người dân, du khách dễ dàng tiếp cận, tham quan. Nhìn từ trên cao, các khối nhà có tính liên hoàn với 3 mảng màu chủ đạo. 2 tòa nhà cổ nổi bật với ngói đỏ sơn trắng, khối nhà chữ U được xây dựng bởi vật liệu công nghệ mới màu đồng được xem là "có một không hai" tại Việt Nam. Các lối đi trong khuôn viên được thiết kế theo hướng mở, có những mảng xanh hài hòa tạo cảm giác thư thái, nhẹ nhàng đúng không gian của bảo tàng.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, sau khi hoàn thành dự án, Bảo tàng Đà Nẵng mở rộng quy mô trưng bày, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất là nơi sưu tầm, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Không gian trưng bày hiện đại của Bảo tàng Đà Nẵng gồm 4 khu vực trưng bày chính bao gồm: Trưng bày thường xuyên; Lịch sử thiên nhiên và con người Đà Nẵng; Lịch sử phát triển đô thị Đà Nẵng và Văn hóa. Bảo tàng sẽ mang tầm vóc mới, toàn bộ hiện vật, hình ảnh đều được số hóa hiện đại, nhiều hiện vật gốc lần đầu tiên được đưa vào trưng bày, giới thiệu với người dân, du khách. Theo ông Thiện, ngày 15-1 Bảo tàng Đà Nẵng sẽ hoàn thiện không gian trưng bày, nội dung thuyết minh các chuyên đề lớn, sẵn sàng đón những vị khách đầu tiên là các đại biểu trong nước và quốc tế tham gia Diễn đàn các thành phố hữu nghị và hợp tác Đà Nẵng 2025 - Meet Danang 2025. Ngày 19-1, bảo tàng sẽ tổ chức phiên chợ ngày Tết. Ngay sau Tết Nguyên đán, các hạng mục, chủ đề còn lại sẽ được tiếp tục hoàn thiện để chính thức khánh thành, mở cửa cho người dân, du khách tham quan vào dịp 29-3, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng TP Đà Nẵng.
"Với gần 3.000 tài liệu hiện vật được lựa chọn kỹ càng từ hơn 27.000 hiện vật, kết hợp phong cách trưng bày truyền thống với công nghệ trình chiếu hiện đại, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ gợi mở và dẫn dắt công chúng tham quan trải nghiệm, tìm hiểu về tự nhiên và lịch sử xã hội của Đà Nẵng. Đây cũng là nơi kể câu chuyện về văn hóa và phong tục tập quán địa phương cũng như khát vọng đi lên của một trong những thành phố cảng lớn của Châu Á"- ông Thiện chia sẻ.
Đông A