"Nóng" chủ đề Trung Đông tại Hội nghị EU, G7
Vấn đề lớn được bàn thảo nhiều nhất tại hội nghị thượng đỉnh EU lần này là tình hình bạo lực leo thang ở Trung Đông trong bối cảnh vừa xảy ra các cuộc tấn công mới nhất từ Iran nhằm vào Israel cuối tuần trước. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái của nước này nhằm vào Israel đêm 13-4 nhằm đáp trả vụ tấn công tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran tại Syria hôm 1-4 mà Tehran cho là Israel đã thực hiện. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nêu rõ lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào các công ty của Iran liên quan đến hoạt động sản xuất thiết bị bay không người lái và tên lửa. Lãnh đạo 27 quốc gia EU cũng thảo luận về việc phát đi thông điệp cần thiết để kêu gọi sự bình tĩnh và tránh bất kỳ hành động bạo lực nào có thể gây ra hậu quả khôn lường tại khu vực này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh điều quan trọng hơn cả là Israel không nên tiến hành một cuộc tấn công đáp trả quy mô lớn.
Trong khi đó, tại phiên khai mạc của hội nghị 3 ngày, các ngoại trưởng G7 tập trung thảo luận tình hình ở Trung Đông, bao gồm cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ở Dải Gaza và những diễn biến trong khu vực sau khi Iran tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái vào Israel đêm 13-4. Các ngoại trưởng G7 hiện đang cân nhắc áp đặt trừng phạt với Iran. Phát biểu tại phiên khai mạc, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nêu rõ: "Chúng tôi sẽ thảo luận những hình thức áp đặt trừng phạt đối với Iran". Theo một nguồn tin ngoại giao của Italy, các nước G7 có thể đưa ra lời kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân liên quan đến hoạt động cung cấp tên lửa cho Iran. Ngoại trưởng Anh David Cameron kêu gọi G7 thông qua những "biện pháp trừng phạt phối hợp" nhằm vào Tehran.
Cùng ngày, tại cuộc họp bên lề Hội nghị mùa Xuân năm 2024 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G7 cam kết đảm bảo hợp tác chặt chẽ trong các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Thông báo sau cuộc họp nêu rõ G7 sẽ "đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ thông qua mọi biện pháp nhằm giảm thiểu khả năng của Iran trong việc mua, sản xuất hoặc chuyển giao vũ khí hỗ trợ các hoạt động gây bất ổn trong khu vực".
Các ngoại trưởng nhóm G7 cũng dự kiến thảo luận về biện pháp chống lại Iran khi nhóm họp tại Capri, Italy từ ngày 17 đến 19-6. Nhóm dự kiến kêu gọi biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan tới chuỗi cung ứng tên lửa của Iran, theo nguồn tin ngoại giao Italy.
Mỹ và các chính phủ phương Tây hy vọng loạt lệnh biện pháp mới với Iran có thể thuyết phục Israel hạn chế phạm vi và quy mô đáp trả, nhằm ngăn nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột toàn diện ở khu vực. Tuy nhiên, Tel Aviv khẳng định họ phải đáp trả cuộc tấn công để tái lập khả năng răn đe, dù chưa rõ thời điểm và cách thức tiến hành.
AN BÌNH
Israel đã định đánh lại Iran nhưng hủy kế hoạch Truyền thông Israel và Mỹ đưa tin Israel đã cân nhắc thực hiện một cuộc tấn công trả đũa Iran nhưng sau đó đã hủy bỏ kế hoạch này. Đài truyền hình Kan của Israel đưa tin sau các cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã quyết định không tiến hành kế hoạch đã định để tấn công trả đũa Iran. "Sự nhạy cảm về ngoại giao đã phát huy tác dụng", một quan chức cấp cao Israel không nêu tên nói với đài Kan, cho rằng Tel Aviv sẽ phản ứng nhưng nó sẽ khác với những dự kiến ban đầu. Trích dẫn 3 nguồn tin không nêu tên của Israel, ABC News cũng tiết lộ "Israel đã chuẩn bị và sau đó hủy bỏ các cuộc tấn công trả đũa chống lại Iran trong ít nhất hai đêm trong tuần qua". Các nguồn tin nói với đài này rằng nội các chiến tranh của Israel đã cân nhắc các phản ứng có thể xảy ra nếu tấn công các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở những nơi khác trong khu vực hoặc tiến hành một cuộc tấn công mạng. Hai quan chức Israel không nêu tên nói với trang tin Axios của Mỹ rằng tại cuộc họp nội các đầu tuần này, các quan chức Israel đã tính đến việc cho phép Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tấn công Iran, nhưng "vì lý do hoạt động" đã quyết định không tiến hành. T.N |
Tổng thống Ukraine xác nhận vụ tấn công ở Crimea gây thương vong lớn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã xác nhận quân đội nước này ngày 17-4 đã tấn công sân bay Dzhankoi ở Bán đảo Crimea. Có tin vụ tấn công đã khiến khoảng 30 quân nhân Liên bang Nga thiệt mạng và khoảng 80 người khác bị thương. Trong bài phát biểu thường lệ vào tối 17-4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết cùng ngày Lực lượng Vũ trang Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công nhằm vào sân bay Dzhankoi thuộc Bán đảo Crimea. Ông Zelensky cám ơn Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi đã tổ chức cuộc tấn công cùng những người tham gia và cho biết thêm đó là một trong những chiến dịch đặc biệt vô vùng quan trọng nhằm phá huỷ trang thiết bị, hạ tầng chiến đấu của phía Nga. Phía Nga chưa đưa ra bình luận gì. Liên quan tới vụ việc nêu trên, hãng thông tấn nhà nước Ukraine (Ukrinform) dẫn thông tin trên kênh Telegram của phong trào du kích Atesh cho biết vào đêm 16, rạng sáng 17-4, lực lượng này đã tấn công sân bay Dzhankoi ở Crimea gây hư hại nghiêm trọng cho hệ thống tên lửa phòng không mới nhất S-400 cũng như sở chỉ huy trung đoàn tên lửa của Nga ở đây. Trong khi đó, tờ Newsweek dẫn thông tin trên kênh Telegram "Crimean Wind" ở Crimea nói rằng vụ tấn công sân bay Dzhankoi đã khiến khoảng 30 quân nhân Nga thiệt mạng và khoảng 80 người khác bị thương. Theo Rybar, một blogger quân sự nổi tiếng của Nga, phía Ukraine đã sử dụng khoảng 10 quả tên lửa chiến thuật tầm xa ATACMS cho hai đợt tấn công căn cứ không quân Nga tại Dzhankoi. Trong các đoạn video được các kênh thông tin Nga và Ukraine lan truyền trên mạng xã hội, người ta thấy thấy những tia sáng chói loà cùng tiếng nổ dữ dội và tiếp đó là tiếng còi báo động. T.N |