Báo Công An Đà Nẵng

Sớm giải quyết hài hòa giá thuê mặt bằng chợ Siêu thị Đà Nẵng

Thứ hai, 30/10/2023 06:45
Chợ Siêu thị Đà Nẵng.

Hiện nay có khoảng 500 tiểu thương đang thuêmặt bằng kinh doanh tại chợ Siêu thị Đà Nẵng (chợ do doanh nghiệp đầu tư khai thác) với mức giá được phê duyệt là 360 ngàn đồng/m2/tháng. Trong khi mức giá thuê mặt bằng kinh doanh tại các chợ truyền thống (Nhà nước đầu tư) là 180 ngàn đồng/m2/tháng. Năm 2002 Đà Nẵng xây dựng siêu thị Bài Thơ thì các tiểu thương chợ kinh doanh tại khu B. Đến năm 2009 toàn bộ khu vực siêu thị Bài Thơ được giao cho doanh nghiệp xây dựng dự án trung tâm thương mại. Năm 2011 các tiểu thương ở chợ khu B được di dời sang chợ Siêu thị Đà Nẵng hiện nay (Khu D) do doanh nghiệp đầu tư, khai thác để thuê mặt bằng kinh doanh.

Vừa qua, chủ đầu tư đã đề xuất TP phê duyệt mức giá cho thuê mới là 681 ngàn đồng/m2/tháng. Sở Tài chính đã thẩm định ở mức 393 ngàn đồng/m2/tháng. Với mức giá này, phía chủ đầu tư cho rằng không đảm bảo, doanh nghiệp kinh doanh sẽ lỗ, khả năng phải đóng cửa chợ. Trong khi các tiểu thương lại cho rằng mức giá như vậy quá cao so với thuê mặt bằng ở chợ truyền thống, kiến nghị thành phố hỗ trợ phần chênh lệch này.

Theo bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, phía chủ đầu tư cho biết họ chỉ đồng ý mức giá 393 ngàn đồng/m2/tháng với điều kiện TP hỗ trợ cho công ty tiền thuê đất khoảng 1,1 tỷ đồng/năm. Nếu không thể hỗ trợ tiền thuê đất mà vẫn phê duyệt mức giá 393 ngàn đồng/m2/tháng thì sẽ cho dừng hoạt động của công ty và tuyên bố phá sản. Hiện TP có chủ trương mời chủ đầu tư làm việc, trao đổi thỏa thuận để có sự thống nhất, chia sẻ.

Tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ Siêu thị Đà Nẵng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phụng - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, mức giá qua thẩm định phải hài hòa giữa doanh nghiệp đầu tư chợ và tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh. Mức giá thẩm định 393 ngàn đồng/m2/tháng vẫn cao gấp đôi so với chợ truyền thống, phía doanh nghiệp lại cho rằng mức giá này không đảm bảo hoạt động (chủ yếu do chợ hiện mới khai thác được khoảng 60% công suất). Về phía tiểu thương, ông Phụng nói, trước đây khi di dời tiểu thương từ khu B ra chợ siêu thị mới hiện nay TP đã hỗ trợ. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, TP cũng có chính sách hỗ trợ tiền thuê mặt bằng kinh doanh cho tiểu thương. Hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để chi ngân sách hỗ trợ tiểu thương. Cũng theo ông Phụng, từ ngày 1-7-2024 luật giá có hiệu lực thì lúc đó tất cả các chợ đầu tư ngoài ngân sách thì việc quyết định giá thuê mặt bằng kinh doanh do doanh nghiệp quyết định, Nhà nước không can thiệp vấn đề giá dịch vụ thuê mặt bằng chợ nữa.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, cũng cùng tiểu thương ở đó, trước đây thuê mặt bằng từ chợ do Nhà nước đầu tư thì giá thấp, bây giờ thuê của doanh nghiệp thì giá cao. Nhưng nhìn phía doanh nghiệp, đầu tư mà không có lời thì ai đầu tư. Thực tế hiện nay gần như các chợ truyền thống chưa tính giá thuê đất vào trong giá thành cho thuê mặt bằng chợ để kinh doanh bởi nếu tính giá thuê đất thì giá thuê mặt bằng giữa chợ truyền thống và chợ do doanh nghiệp đầu tư sẽ tương đối giống nhau, sẽ có sự công bằng cho các tiểu thương. Nhưng nếu làm như vậy, giải quyết được cho 500 tiểu thương chợ Siêu thị thì sẽ có hàng trăm ngàn tiểu thương chợ truyền thống phản ứng. Do vậy, TP sẽ làm việc với chủ doanh nghiệp đầu tư chợ Siêu thị Đà Nẵng để tìm phương án khả dĩ nhất.

HẢI QUỲNH