Phải tập trung xử lý những kiến nghị bức thiết của nông dân
“Khát” mặt bằng sản xuất, kinh doanh
Cử tri Trần Thị Năm (P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu) cho biết, tất cả quỹ đất trên địa bàn Hải Châu được quy hoạch phát triển đô thị, đất dành cho sản xuất nông nghiệp không còn, tuy nhiên một số dự án hiện chưa triển khai, đất hoang hóa 5-10 năm nay không khai thác. Vì vậy, bà đề nghị TP cho nông dân thuê dài hạn với chế độ ưu đãi để yên tâm sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tạo môi trường xanh. Tương tự, cử tri Nguyễn Viết Tuấn (P.Hòa Phát) nêu vấn đề, hằng năm nông dân quận Cẩm Lệ trồng hơn 200.000 chậu hoa các loại, phục vụ thị trường hoa của TP, mang lại kinh tế lớn, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất này là đất mượn tạm, không ổn định. Cũng theo ông Tuấn, hiện nay Hòa Phát có diện tích 30 ha đất nông nghiệp quy hoạch trồng lúa, nhưng việc tưới phụ thuộc vào nước trời, một phần diện tích ảnh hưởng của các dự án (khu vực KDC số 3,4,5,6,8,9,12...) nên không trồng lúa và để hoang hóa mấy năm nay. Ông Tuấn đề nghị TP đầu tư, cải tạo khu vực này thành khu vực chuyên trồng hoa, cây cảnh cho nông dân sản xuất ổn định lâu dài.
Phó giám đốc Sở TN- MT TP Đà Nẵng Võ Nguyên Chương lại cho rằng, việc phường cho mượn, thuê đất tại một số tuyến đường từ Liên Chiểu, Sơn Trà để kinh doanh cây cảnh thời gian qua là không đúng quy định. Ông Chương nói, TP hiện có 14.286 lô tái định cư và 324 khu đất lớn, để trống. Thời gian tới, bên cạnh việc đấu giá đất thu ngân sách, TP sẽ dành 134 khu đất cho thuê tạm, tổng diện tích hơn 80 ha. Cũng theo ông Chương, TP mới ban hành Đề án khai thác, quản lý quỹ đất công, nên sắp tới việc cho thuê kinh doanh đều phải đấu giá.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết nói, thời gian qua việc quản lý, vệ sinh môi trường, khai thác các khu đất trống còn lỏng lẻo. Nông dân nhìn đất trống, để cỏ mọc, trong khi mình không có đất sản xuất, nên kiến nghị thuê, mượn là chính đáng. TP đang thí điểm cho thuê 3 khu đất lớn, sẽ hoàn thiện sớm để rút kinh nghiệm, từ đó có giải pháp giao cho cấp quản lý, khai thác hiệu quả, những lô đất 5-7 năm chưa sử dụng thì có thể quy hoạch sử dụng tạm thời.
Cũng liên quan tới đất sản xuất, ông Ngô Văn Hòa (P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn) cho biết, những năm qua phường đã bàn giao hơn 770 ha đất nông nghiệp để xây dựng phát triển đô thị, nay chỉ còn 215 ha đất nông nghiệp. Phường đã đề xuất TP xem xét quy hoạch khu đất 60 ha để xây dựng mô hình “Khu sản xuất nông nghiệp” trong lòng đô thị - kết hợp phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái nhằm giữ truyền thống, nguồn cội sản xuất nông nghiệp của địa phương và đa dạng hóa ngành du lịch và tạo vành đai xanh cho TP. Tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Hòa- Phó giám đốc Sở NN và PTNT TP Đà Nẵng cho biết, qua rà soát, khu đất 60 ha đó nằm trong quy hoạch khu đổi mới sáng tạo. Kiến nghị của cử tri Sở sẽ đề xuất TP, chọn khu vực phù hợp.
Cần tăng mức hỗ trợ
Vấn đề này được các cử tri Nguyễn Quang Hậu (P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê) và Nguyễn Phương Bình (P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà) nêu, bởi những thách thức trong khai thác, đánh bắt xa bờ của ngư dân trong điều kiện ngư trường tiềm ẩn rủi ro, giá dầu tăng cao. Vì vậy, để tàu thuyền và ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ ngư trường, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc, TP cần có chính sách hỗ trợ phần chênh lệch tăng thêm từ 40-70% tương đương với mức hỗ trợ từ 3.000- 5.000 đồng/lít dầu cũng như có chính sách đặc thù với những ngư dân bị nạn trong quá trình khai thác đánh bắt trên biển…
Về những kiến nghị này, ông Hoàng Thanh Hòa cho biết, TP hiện có 8 chính sách hỗ trợ ngư dân, trong đó có 5 chính sách hỗ trợ khai thác hải sản, 3 chính sách hỗ trợ rủi ro thiên tai. Riêng chính sách hỗ trợ về xăng dầu, ông Hòa nói mỗi năm TP hỗ trợ 4 chuyến biển cho ngư dân với mức 400 triệu đồng. Tính chung, mỗi năm TP hỗ trợ tiền xăng dầu cho ngư dân khoảng 180 tỷ đồng, mức hỗ trợ lớn, rất khó tăng thêm.
Cử tri huyện Hòa Vang cũng cho rằng chính sách hỗ trợ trồng rừng cây gỗ lớn ở mức 12 triệu đồng/ha/năm là thấp, cần tăng thêm. Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết cho biết sẽ nghiên cứu để tăng mức hỗ trợ phù hợp. Chính sách này đã ban hành từ năm 2019 nhưng đến nay chỉ có 4-5 hộ thực hiện, chứng tỏ còn bất cập, cần phải điều chỉnh.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, đây là diễn đàn để lãnh đạo TP lắng nghe tiếng nói từ nông dân, có các giải pháp, chính sách hiệu quả để phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Ông đề nghị các ngành chức năng giải quyết kịp thời, cụ thể từng kiến nghị của nông dân, đồng thời có giải pháp tháo gỡ để nông dân tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm nhằm từng bước chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
HẢI QUỲNH