Tập trung các giải pháp chống cháy nổ và ngập úng
UBND TP cho biết, hiện trên địa bàn TP có 65 chung cư, 218 công trình nhà cao tầng tập trung chủ yếu các loại hình nhà ở căn hộ, văn phòng, khách sạn… Đây là loại hình cơ sở thường xuyên tập trung đông người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng; công tác PCCC và CHCN gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay qua kiểm tra, Công an TP đã phát hiện, xử lý, yêu cầu khắc phục 36 cơ sở tồn tại vi phạm PCCC và CHCN. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Trần Phước Sơn đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất (kiến trúc, PCCC, hệ thống điện…) nhằm tăng cường đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại các khu chung cư, nhà tập thể, ký túc xá đã xây dựng lâu năm, xuống cấp. Bên cạnh đó, UBND TP cần tiếp tục đầu tư, mua sắm, trang bị các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, CNCH, nhất là với các chung cư, nhà cao tầng.
Hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng một số cơ sở y tế lớn như BV Đà Nẵng, BV Ung bướu, BV Tâm thần, BV Răng Hàm Mặt, TTYT Sơn Trà, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố ghi nhận tình trạng thiếu một số loại thuốc điều trị bệnh. Các gói thầu mua thuốc tập trung tại Sở Y tế cung cấp thuốc năm 2021-2023 cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã hết hiệu lực. Trong khi, từ 1-1-2024, việc đấu thầu mua sắm thuốc chữa bệnh được thực hiện theo qui định mới. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện các qui định mới về đấu thầu thuốc chữa bệnh nên nhiều gói thầu mua sắm thuốc chưa thể thực hiện dẫn tới nguy cơ thiếu thuốc chữa bệnh tại các cơ sở y tế Đà Nẵng. Phó chủ tịch Thường trực HĐND TP Trần Phước Sơn đề nghị UBND TP chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai các giải pháp chủ động việc mua sắm thuốc chữa bệnh đúng qui định, đảm bảo duy trì hoạt động khám chữa bệnh, không để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Về việc triển khai thực hiện các dự án, công trình và các giải pháp thoát nước, chống ngập trên địa bàn, UBND TP cho biết trên địa bàn TP hiện có 9 điểm ngập úng thường xuyên, kéo dài, trong đó 6 điểm đã và đang thi công các công trình chống ngập. Cụ thể gồm tuyến cống hạ lưu Khe Cạn (vướng mặt bằng nhiều năm nên phải điều chỉnh quy hoạch tuyến); khu vực xung quanh đồi Trung Sơn (đã hoàn thành tuyến kênh thoát nước chính ra sông Cu Đê); khu vực trước cổng KCN Hòa Khánh (vướng mặt bằng nhiều năm dự án Trục I Tây Bắc nên không hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tuyến cống thoát nước tại khu vực). Với 3 khu vực ngập úng tại kiệt 96 Điện Bên Phủ, xung quanh trường Huỳnh Ngọc Huệ đường Hà Huy Tập và kiệt 818 Trần Cao Vân, hiện TP đã thi công hoàn thành tuyến cống thoát nước liên phường Xuân Hà và trạm bơm chống ngập cuối tuyến cống.
Với 3 điểm ngập úng còn lại, hiện TP đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư. Cụ thể, khu vực đường Trần Xuân Lê là khu vực thấp trũng, tập trung nước và bị ảnh hưởng bởi sân bay Đà Nẵng nên khi có mưa lớn nước thoát không kịp, gây ngập úng. Hiện nay Ban QLDA đã trình chủ trương đầu tư dự án xử lý thoát nước khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng gồm cải tạo hố ga, cửa thu nước đường Trần Xuân Lê và vùng lân cận; bổ sung tuyến cống thoát nước nối từ hồ Thạc Gián qua hồ Công viên 29/3; cải tạo các tuyến cống đường Hoàng Hoa Thám, Lê Duẩn; xử lý ngập úng khu vực dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh giao với Nguyễn Hoàng.
Tại điểm ngập úng khu vực đường Tống Phước Phổ là khu vực thấp trũng, hệ thống thoát nước hư hỏng, xuống cấp, nhiều cửa thu nước đã bị lấp nên khi có mưa lớn nước thoát không kịp, gây ngập úng. UBND quận Hải Châu đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh đường Tống Phước Phổ. Tại điểm ngập khu vực đường Lê Tấn Trung, công trình xây dựng tuyến cống từ đường Lê Tấn Trung nối cống Thọ Quang ra biển Đông đã được triển khai thi công, tuy nhiên do vướng mặt bằng nên phải điều chỉnh phương án để đảm bảo khả thi.
Ngoài việc triển khai các dự án chống ngập, TP cũng tiến hành rà soát toàn bộ các điểm ngập úng trong các trận mưa lớn và nghiên cứu, đề xuất giải pháp thoát nước phù hợp, từng bước tiến đến giải quyết căn cơ ngập úng trên địa bàn. Đối với các khu vực dân cư hiện trạng có hạ tầng xuống cấp, chưa đồng bộ, TP sẽ có giải pháp thoát nước, chống úng ngập theo hướng tái thiết đô thị, đảm bảo đáp ứng nhu cầu hạ tầng kỹ thuật phục vụ đời sống sinh hoạt người dân. Ông Trần Phước Sơn đề nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình, dự án chống ngập nhằm từng bước cải tạo, hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị của TP, hạn chế thấp nhất tình trạng ngập, gây thiệt hại trong mùa mưa bão sắp đến.
Tại cuộc họp Thường trực HĐND TP cũng xem xét nội dung liên quan tới công tác đầu tư chợ đầu mối Hòa Phước, chợ Cồn cũng như hoàn thành nâng cấp chợ Hàn, các tuyến phố chuyên doanh, chợ đêm. Hiện nay dự án chợ đầu mối Hòa Phước đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến để có cơ sở triển khai các nội dung tiếp theo. Với dự án chợ Cồn hiện đã hoàn thành phương án đầu tư, quản lý khai thác, đang chờ Nghị định mới của Chính phủ. Với các phố chuyên doanh, chợ đêm, sau quá trình hoạt động thí điểm, một số mô hình chợ đêm không hiệu quả đã dừng hoạt động như chợ đêm An Thượng, tuyến phố ăn vặt Nam Ô, chợ đêm Thanh Khê…
Riêng chợ đêm Sơn Trà giai đoạn 1 sẽ hoạt động đến hết 30-6 rồi chấm dứt. Hiện các đơn vị đang khẩn trương triển khai giai đoạn 2 chợ đêm Sơn Trà để đảm bảo hoạt động liên tục, không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các tiểu thương cũng như nhu cầu người dân, du khách. Ông Trần Phước Sơn đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể tình hình hoạt động các tuyến chuyên doanh, chợ đêm trên địa bàn; xem xét xây dựng Đề án tổng thể nhằm đề ra các giải pháp phát triển đồng bộ, phù hợp trên địa bàn TP nhằm đáp ứng nhu cầu khách du lịch cũng như người dân.
Liên quan tới nội dung tinh giản biên chế, UBND TP cho biết, theo kế hoạch giai đoạn từ 2022-2026 TP cần giảm 1.734 chỉ tiêu, đến nay đã giảm được 739 chỉ tiêu số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách và 18 chỉ tiêu biên chế công chức. TP cũng sẽ đảm bảo yêu cầu sắp xếp 9 đơn vị sự nghiệp công lập vào năm 2026. Ông Trần Phước Sơn lưu ý UBND TP việc sắp xếp các Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng và Ban Giải phóng mặt bằng với mục tiêu đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản bộ máy, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách, phù hợp định hướng phát triển của TP.
HẢI QUỲNH