Báo Công An Đà Nẵng

Thênh thang phố mới Hòa Xuân

Thứ tư, 31/01/2024 16:35
Một góc khu phố mới Hòa Xuân.

1: Tôi vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm đến với Hòa Xuân vào mùa mưa năm 2007. Thời điểm đó Đà Nẵng lụt lớn, Hòa Xuân ngập sâu trong biển nước. Chúng tôi theo chân Đại tá Trần Mưu - nguyên là Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng lên canô chở theo lương thực gồm mì tôm, nước uống cứu trợ cho những nhà bị cô lập do mưa lũ.

Ca nô được thả tại bến sông dưới chân cầu Cẩm Lệ, trực tiếp cầm lái là Trung tá Hồ Quốc Hải, bây giờ là Phó trưởng Công an quận Cẩm Lệ. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những ngôi nhà của người dân ở Tùng Lâm, Lỗ Giáng, Liêm Lạc, Cổ Mân, Trung Lương, Cồn Dầu ngập sâu trong biển nước. Tiếc của, nhiều hộ dân cố trụ bám tại gia, di chuyển tài sản từ xe máy, lương thực, gia súc, gia cầm... lên cao để tránh lũ.

Là người con quê hương Cẩm Lệ nên Trung tá Hồ Quốc Hải rất kinh nghiệm trong việc di chuyển canô qua nghĩa địa Cồn Dầu chìm sâu dưới mênh mông biển nước để đến trụ sở UBND P. Hòa Xuân. Tại đây, lương thực được chuyển sang ghe nhỏ, được ông Đặng Phước Đề - một lão ngư rất giỏi về sông nước ở khu vực Cẩm Chánh trực tiếp chèo, mang tới tận nhà, cấp phát cho bà con. Hình ảnh những bà, những mẹ ngồi trên gác lửng, vừa đói vừa rét vui mừng phát khóc khi đón nhận những gói mì tôm từ đoàn cứu trợ khiến tôi chẳng thể nào quên.

Khu phố mới Hòa Xuân nhìn từ trên cao.

2: Những ngày cuối năm 2023, về Hòa Xuân tìm gặp lại ông Đặng Phước Đề, ôn lại chuyện xưa, mới thấy hết được giá trị của những đổi thay của vùng đất này. Bước sang tuổi 71, ông Đề vẫn còn khá minh mẫn, nhớ rõ từng chi tiết về sự kiện ở quê hương mình, nhất là giai đoạn giải tỏa để triển khai Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Ông bảo, không chỉ gia đình mình mà hơn 99% bà con ở Hòa Xuân đổi đời nhờ giải tỏa. Điều ông vui nhất là những hộ trước đây chưa hiểu hết chủ trương, có thái độ chống đối, bây giờ có được cuộc sống sung sướng, thầm cảm ơn chủ trương của chính quyền Đà Nẵng.

Ông Đề là dân gốc Hòa Xuân, gia đình đông anh em. Sau giải phóng năm 1975, ông lấy vợ sinh con và được Nhà nước cấp cho diện tích hơn 200m2 đất ở khu vực Cẩm Chánh để mưu sinh. Cuộc sống của ông chủ yếu là nghề sông nước, từ khai thác thủy sản trên sông Cẩm Lệ đến đóng thuyền rồi làm thợ hồ... nuôi con ăn học. Ông bảo, thời trai trẻ, bươn chải kiếm ăn nuôi con, quanh năm đầu tắt mặt tối cũng chỉ đủ ăn, nhà cửa tạm bợ. Đáng lo nhất là mỗi khi vào mùa mưa, nước dâng cao ngập trắng một vùng, nhà ông gần sông Cẩm Lệ kiểu gì nước cũng ngập tới nóc.

Năm 2018, khi Đà Nẵng có chủ trương giải tỏa, ông Đề rất mừng. Ông là người tiên phong ở thôn Cẩm Chánh ký tên ủng hộ chủ trương, được bố trí 2 lô đất tái định cư cùng 1 căn hộ chung cư để ổn định cuộc sống cho cả đại gia đình gần 10 khẩu. Được bố trí đất ở đường Lê Thiết Hùng, ông Đề bán 1 lô lấy tiền xây nhà 2 tầng hiện đại, ở cùng cậu con trai út làm nghề xây dựng. Cô gái thứ 2 được ông cho chung cư, lấy chồng ra ở riêng. Còn cậu con trai đầu thì được ông cho tiền mua đất xây nhà ra ở riêng, đã có công ăn việc làm ổn định.

Sau giải tỏa, ông Đề bán tất cả ngư cụ, chuyển nghề về làm bảo vệ và giữ xe tại chợ Hòa Xuân, công việc phù hợp, có mức thu nhập ổn định. Cũng theo ông Đề, không chỉ người dân khu Cẩm Chánh mà ở Cồn Dầu, hầu hết bà con giáo dân đều đã ổn định cuộc sống sau giải tỏa, nhiều hộ xây được nhà tầng mới khang trang, hiện đại. Ví như hộ ông Nguyễn Hoàng (64 tuổi, ở tổ 90), ông Nguyễn Thanh Sơn (58 tuổi, trú ở tổ 65)... đã xây được nhà 3 tầng rất đẹp, có giá trị xây dựng tiền tỷ.

Từ vùng đất trũng thấp, ngập lụt Hòa Xuân chuyển mình trở thành khu đô thị văn minh, hiện đại.

3: Không giấu được vẻ tự hào khi sinh ra và lớn lên tại Hòa Xuân, trực tiếp tham gia vào công cuộc tái thiết, xây dựng quê hương giàu đẹp sau giải tỏa, bà Hồ Thị Cẩm Nhung - Chủ tịch UBND P. Hòa Xuân cho biết, Hòa Xuân là một vùng từng là “rốn lũ” của Đà Nẵng. Hằng năm, khi chưa khắc phục được những tổn thất của mùa lũ năm trước, thì chính quyền và người dân nơi đây lại phải chuẩn bị để đón một mùa lũ khác tràn về. Những chắt chiu, dành dụm của người dân, những nỗ lực của chính quyền địa phương cứ thế trôi theo dòng nước.

Thế rồi, như một giấc mơ, thành phố đã tiến hành giải tỏa trắng hơn 1.000 ha đất ở Hòa Xuân để xây dựng nơi đây thành khu đô thị mới. Đây được xem là một trong những dự án giải tỏa, sắp xếp lại dân cư lớn trên địa bàn Đà Nẵng với 11 dự án được triển khai. Trên 5.000 hộ dân với hơn 20 ngàn nhân khẩu sẵn sàng đi đến nơi ở mới, nhường chỗ cho những dự án.

Hòa Xuân trở thành một đại công trường khi 100% diện tích của phường đã được quy hoạch và xây dựng lại. Nhiều công trình trường học, bệnh viện, các công trình thể thao, sân vận động 20 ngàn chỗ ngồi được đưa vào khai thác. Cầu Trung Lương, cầu Khuê Đông vượt sông Cái, cầu Hòa Xuân, cầu Nguyễn Tri Phương được xây mới nối đôi bờ sông Cẩm Lệ kết nối Hòa Xuân với trung tâm thành phố trên tuyến giao thông quan trọng. Hơn 320 con đường nhựa thênh thang, những khu đô thị mới hình thành đã làm cho cả vùng đất Hòa Xuân bừng sáng và đưa Hòa Xuân xích lại gần hơn với các địa phương nội thành, trở thành phường đầu tiên trong cả nước không có kiệt hẻm. Bên cạnh việc phát triển không gian đô thị, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư nguồn ngân sách để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân sau giải tỏa. Đến nay, toàn phường đã có trên 1.000 doanh nghiệp được thành lập và hoạt động.

Hơn 15 năm trôi qua, có biết bao đổi thay, Hòa Xuân cũng đang đổi thay từng ngày theo quá trình phát triển tất yếu của xã hội. Vẫn phẩm chất hiền hòa, chịu thương, chịu khó, trên bước đường phát triển, người dân Hòa Xuân cởi mở đón nhận những làn gió mới, với những đóng góp trí tuệ, công sức của người dân mọi miền Tổ quốc về định cư, sinh sống. Hòa Xuân ngày mới, vẫn tạc dạ, ghi lòng những ngày bão giông, nước lũ trong vòng tay yêu thương của bạn bè trên khắp mọi miền đất nước.

ĐINH NGA