Tin tức kinh tế ngày 4/10: Giá lương thực thế giới tăng mạnh nhất trong 18 tháng
Giá vàng thế giới tăng trở lại
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 4/10, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2662,48 USD/ounce, tăng 5,78 USD so với cùng thời điểm ngày 3/10.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 4/10, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 82-84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 3/10.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 82-84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 3/10.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 82-84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 3/10.
Giá lương thực thế giới tăng mạnh nhất trong 18 tháng
Theo số liệu do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 4/10, chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 9 tăng mạnh nhất trong 18 tháng qua do giá đường tăng vọt.
Cụ thể, chỉ số giá lương thực tăng từ 120,7 điểm trong tháng 8 lên 124,4 điểm trong tháng tháng 9, mức cao nhất kể từ tháng 7/2023 và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số giá đường tăng 10,4% so với tháng 8 do chịu tác động từ những lo ngại việc Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế sử dụng mía trong sản xuất ethanol sẽ ảnh hưởng đến lượng xuất khẩu, cũng như việc mất mùa ở Brazil (Bra-xin). Trong tháng 9, chỉ số giá ngũ cốc tăng 3%, do giá lúa mỳ và ngô xuất khẩu đi lên. Giá dầu thực vật tăng 4,6%, giá các sản phẩm từ sữa tăng 3,8% và giá thịt tăng 0,4%.
Doanh nghiệp bất động sản khó khăn về vốn
Theo dữ liệu từ Vietstock Finance, đến hết quý II năm nay, lượng tồn kho của 110 doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết là 490.400 tỷ đồng, phần lớn ở các dự án cũ, lượng hàng thành phẩm chưa bán hết.
Lượng hàng tồn kho lớn nhưng giá nhà, đất vẫn tăng cao phi lý bởi hầu hết hàng tồn thuộc phân khúc cao cấp như biệt thự liền kề trong khi nhà giá rẻ đáp ứng nhu cầu ở thực lại khan hiếm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết: “Hiện cả nước có trên 1.200 dự án tương đương với trên 30 tỷ USD nằm bất động chờ rà soát, thanh tra. Việc ách tắc pháp lý trong nhiều năm khiến tồn kho BĐS dở dang liên tục tăng, gây khó cho doanh nghiệp, khiến "sức khỏe" tài chính của nhiều doanh nghiệp BĐS suy yếu”. Bên cạnh khó khăn về tồn kho lớn thì việc siết cho vay BĐS từ các ngân hàng cũng khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh lao đao.
Việt Nam xuất siêu gần 21 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm
Thông tin xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9 và 9 tháng năm 2024, Tổng cục Hải quan cho biết, cán cân thương mại tháng 9/2024 xuất siêu 2,29 tỉ USD. Tính chung 9 tháng năm 2024, xuất siêu 20,79 tỉ USD.
Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 9 đạt 65,81 tỉ USD, giảm 8% (tương ứng giảm 5,72 tỉ USD) so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 34,05 tỉ USD, giảm 9,9% (tương ứng giảm 3,74 tỉ USD) so với tháng trước và trị giá nhập khẩu đạt 31,76 tỉ USD, giảm 5,9% (tương ứng giảm 1,98 tỉ USD) so với tháng trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tính đạt 578,47 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 299,63 tỉ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu đạt 278,84 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tiền vào chứng khoán giảm sâu
VN Index nới rộng đà giảm trong phiên chiều 4/10, lao dốc về vùng 1.270 điểm. Khép lại tuần giao dịch vừa qua, sau khi để hụt mốc đỉnh cũ 1.300 điểm, chỉ số chính đã bước sang phiên thứ 3 liên tiếp giảm điểm. Thanh khoản cũng ảm đạm, số tài khoản chứng khoán mở mới đột ngột giảm sâu.
Lực cầu nhen nhóm quay lại trong một số thời điểm của phiên hôm nay, đưa VN Index về trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng tiền thận trọng, thanh khoản tăng rất chậm, bên mua vẫn ở thế yếu. Sắc đỏ bao phủ thị trường, không nhóm ngành, cổ phiếu nào đủ mạnh dẫn dắt.
Theo PetroTimes