Nguy cơ từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ
Hạ nhiệt giá gạo
Hôm 20-7, Tổng cục Ngoại thương (thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ) thông báo dừng xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) để bình ổn giá trong nước. Thông báo này có hiệu lực ngay lập tức. Việc xuất khẩu sẽ chỉ được tiến hành nếu giới chức Ấn Độ cho phép, theo yêu cầu của chính phủ nước khác, nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại nước đó. Với các đơn hàng ký từ trước, giao dịch sẽ vẫn được phép hoàn thành. Chính phủ Ấn Độ cho biết quyết định của họ sẽ tác động đến 25% tổng gạo xuất khẩu của nước này.
Động thái này được đưa ra sau khi giá gạo bán lẻ tại thị trường Ấn Độ đã tăng 11,5% trong 12 tháng qua và tăng 3% chỉ trong một tháng qua, trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi. Ấn Độ đang chật vật ứng phó đà tăng giá của rau quả, trái cây và ngũ cốc. Giá cà chua ở Ấn Độ tăng hơn 300% trong những tuần gần đây do thời tiết bất lợi. Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, lạm phát của Ấn Độ có thể đạt 4,58% so với cùng kỳ năm ngoái do giá lương thực tăng vọt.
Bộ Các vấn đề tiêu dùng Ấn Độ giải thích, lệnh cấm trên sẽ giúp bảo đảm nguồn cung có sẵn đầy đủ của các loại gạo phi Basmati ở trong nước, cũng như làm dịu đà tăng giá ở thị trường nội địa. Giá lương thực bao gồm gạo là vấn đề nhạy cảm ở Ấn Độ. Giá gạo tăng cao sẽ gây bất bình cho cử tri Ấn Độ khi họ sắp bước vào cuộc bầu cử quan trọng, bao gồm tổng tuyển cử toàn quốc vào năm sau.
Devinder Sharma, chuyên gia về chính sách nông nghiệp ở Ấn Độ, cho biết chính phủ đang chủ động ứng phó tình trạng thiếu hụt sản lượng gạo theo dự kiến, khi các vùng trồng lúa ở phía nam đối mặt với nguy cơ mưa khô (hiện tượng mưa bốc hơi trước khi chạm đất) do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino vào cuối năm nay.
Gây sức ép lên giá gạo toàn cầu
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu. Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 140 nước. Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu khối lượng gạo kỷ lục 22,2 triệu tấn, cao hơn lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Mỹ gộp lại. Quốc gia Nam Á này cũng là nước sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Lệnh cấm có thể hạ nhiệt giá gạo tại Ấn Độ, nhưng sẽ gây sức ép lên giá toàn cầu trong bối cảnh các nước lo ngại El Nino phá hủy mùa màng. Giá gạo toàn cầu đang dao động ở mức cao nhất trong thập niên, một phần do nguồn cung thắt chặt hơn khi lương thực này trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn do giá của các loại ngũ cốc quan trọng khác như lúa mì tăng mạnh sau cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi đầu năm ngoái. Trong tuần qua, giá lúa mì trên thị trường quốc tế tăng vọt do Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vốn cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua biển này. Các nhà phân tích cảnh báo lệnh cấm của Ấn Độ có thể đẩy giá gạo, vốn đang ở mức cao, tăng hơn nữa sau khi nước này cấm xuất khẩu gạo 100% tấm hồi tháng 9 năm ngoái. "Nguồn cung gạo toàn cầu sẽ thắt chặt đáng kể, vì Ấn Độ là nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới", Eve Barre, nhà kinh tế ASEAN của Công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Coface, nói.
Ông B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, nhận định rằng lệnh cấm đột ngột này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người mua vì họ chưa thể tìm được nhà cung cấp thay thế. "Ấn Độ sẽ làm đứt gãy thị trường gạo toàn cầu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine đối với thị trường lúa mì", ông Rao nói. Ông cho rằng lượng gạo dự trữ của Việt Nam và Thái Lan sẽ không đủ để lấp khoảng trống nguồn cung ở Ấn Độ. Một thương nhân châu Âu cho biết khách hàng có thể chuyển sang mua gạo từ Thái Lan và Việt Nam, có thể đẩy giá gạo 5% tấm của hai nước này tăng lên mức 600 USD/tấn.
AN BÌNH