Báo Công An Đà Nẵng

Về xóm chài Tân Lưu nghe kể về những chiến công anh hùng

Thứ tư, 30/04/2025 10:10

Vùng 4 của Hòa Hải có diện tích chưa đầy 1km², nhưng qua thống kê nơi đây có tới 120 liệt sĩ, 32 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 7 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) và 1 Anh hùng Lao động (AHLĐ).

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường chụp ảnh lưu niệm cùng các nhân chứng từng là cán bộ hoạt động ở Vùng 4 Hòa Hải tại buổi gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các thế hệ cha anh không thể quên những năm tháng chiến tranh, khi mảnh đất Hòa Hải trở thành một trong những chiến trường ác liệt nhất. Chính từ nơi đây, đã có không biết bao nhiêu người xả thân vì độc lập tự do cho dân tộc. Những người con của Vùng 4 Hòa Hải đã chứng minh sức mạnh của lòng yêu nước, khát vọng hòa bình. Mảnh đất này đã nuôi dưỡng những chiến sĩ thiếu niên anh hùng, những người luôn kiên cường trong chiến đấu, bất khuất trước quân thù, quyết chiến để bảo vệ quê hương, đất nước thân yêu.

Trong ngày vui mừng 50 năm đất nước thống nhất, những Anh hùng còn sống cùng đồng đội, người thân và thế hệ sau đã hội tụ về xóm chài Tân Lưu gặp mặt trong bầu không khí thân thương, ấm áp, xúc động bồi hồi. Dưới bầu trời xanh, trong không gian yên bình của quê hương hôm nay, những tấm gương như AHLLVTND Nguyễn Phô, AHLLVTND Phạm Thị Thao, AHLLVTND Mai Thị Rân… ôn lại những khoảnh khắc hào hùng, những tháng ngày kháng chiến gian khổ, đồng thời ngậm ngùi nhớ về những đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Những người con của Vùng 4 anh hùng đã chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động. AHLLVTND Nguyễn Phô nhớ lại những trận chiến ác liệt trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và Xuân – Hè 1972, khi ông trực tiếp chỉ huy, chiến đấu, tiêu diệt hàng trăm tên địch, trong đó có 2 tên ác ôn khét tiếng, thu giữ nhiều vũ khí, đạn dược và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch… làm nên những chiến công vang dội.

AHLLVTND Mai Thị Rân - người cán bộ an ninh kiên trung của Quảng Đà, khiến nhiều người rưng rưng khi nhắc lại thời bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung, giữ trọn khí tiết, không hé răng nửa lời, giữ bí mật cơ sở, góp phần ngăn chặn những vụ vây ráp hàng loạt… Có những lúc cận kề cái chết, bà vẫn kiên định với một ý chí sắt đá: thà hy sinh chứ quyết không phản bội cách mạng, đồng chí, đồng bào. Sau giải phóng, bà phục vụ trong lực lượng công an địa phương, dìu dắt lớp chiến sĩ trẻ, tiếp tục cống hiến, truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ nối tiếp. Hôm nay, giữa vòng tay của đồng đội, nụ cười ấm áp của bà vẫn ánh lên sức sống kiên cường, như một chứng nhân sống động cho bản lĩnh bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong lửa đạn chiến tranh.

AHLLVTND Phạm Thị Thao, người phụ nữ can trường, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vận tải nữ 232 đã cùng đồng đội "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất ở chiến trường Khu V, dấu chân của những nữ “kiện tướng hành lang” in trên khắp cung đường Trường Sơn, từ vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum đến Đường 9 Nam Lào…. Trên bom, dưới đạn, mưa ngàn, thác lũ, nắng cháy da hay rét cắt thịt, những cô gái tuổi đời mới mười tám, đôi mươi không ngại hy sinh, gian khổ, với những đôi chân “vạn dặm” băng rừng, vượt suối, gùi vũ khí, lương thực nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể. Trong suốt 4 năm gian khổ, họ đã vận chuyển hơn 9.000 tấn hàng hóa vào chiến trường miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi lịch sử…

Các AHLLVTND Nguyễn Phô, Phạm Thị Thao, Mai Thị Rân chụp ảnh lưu niệm cùng thân nhân AHLĐ Trần Văn Giảng và Anh hùng LLVTND Trần Văn Hai.

Ngày gặp mặt không chỉ là dịp nhắc lại những chiến công hào hùng mà còn là dịp tri ân những người đã hy sinh, những người đã góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không thể không nhắc đến chiến công của AHLLVTND Phạm Nổi – xã đội trưởng du kích Hòa Hải; AHLLVTND Huỳnh Thị Một – nữ giao liên Mặt trận 4 Quảng Đà.

Khi nhắc đến liệt sĩ trẻ tuổi nhất, AHLLVTND Trần Văn Hai, con trai của AHLĐ Trần Văn Giảng, tất cả mọi người lặng đi. Anh Trần Văn Hai gia nhập du kích Hòa Hải khi mới 14 tuổi. Sau đó, anh được bổ sung vào một đơn vị chiến đấu thuộc tỉnh Kon Tum. Đêm 22-1-1968, khi bị địch bắt và tra tấn dã man tại Tiểu khu an ninh Kon Tum, Trần Văn Hai đã dùng quả lựu đạn M26 cảm tử, hy sinh oanh liệt ngay trong phòng tra tấn, tiêu diệt 1 sĩ quan ngụy, làm bị thương 1 tên khác, khiến toàn bộ cơ quan an ninh ngụy rúng động. Khi ấy anh mới 17 tuổi. Sự kiện anh hy sinh báo hiệu mở đầu chiến dịch

Xuân Mậu Thân 1968 tại Kon Tum, để lại niềm tự hào vô tận cho đồng đội và quê hương.

Còn AHLĐ Trần Văn Giảng, dù đã qua đời năm 2001 nhưng tên tuổi và sáng kiến của ông vẫn vang vọng. Từ cậu bé mồ côi cha mẹ, ông đã tự lập, tham gia cách mạng, tập kết ra Bắc sau 1955, trở thành Đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động 109 Nghệ An, nổi tiếng với sáng kiến che điểm sáng bảo vệ khán giả, được toàn miền Bắc học tập. Năm 1967, ông được phong tặng danh hiệu AHLĐ đầu tiên của ngành Văn hóa. Ngoài ra, ông còn được Đảng và Nhà nước phong tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

Sau giải phóng, trở về Quảng Nam – Đà Nẵng, ông tiếp tục cống hiến cho điện ảnh, văn nghệ quê nhà. AHLĐ Trần Văn Giảng còn có một người con là Trần Văn Ba hy sinh tại Hòa Vang lúc mới 14 tuổi. Trong buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường và Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng Trần Thế Mạnh - con trai của AHLĐ Trần Văn Giảng không khỏi xúc động xen lẫn tự hào khi nghe các cô chú, đồng đội của cha và anh trai mình kể về những chiến công bất diệt.

Giữa tiếng sóng vỗ bờ biển Hòa Hải hôm nay, tiếng cười, tiếng trò chuyện của các chiến sĩ năm xưa như hòa cùng tiếng thì thầm của quá khứ, nhắc nhớ một thời khói lửa nhưng cũng rất đầy tự hào. Những người con anh hùng của vùng đất này đã để lại cho thế hệ hôm nay bài học lớn lao về tinh thần yêu nước, kiên cường và sự hy sinh vì Tổ quốc. Ngọn lửa truyền thống ấy sẽ còn mãi cháy sáng trong trái tim những thế hệ hôm nay và mai sau.

Thanh Hoa

Tổng Bí thư Tô Lâm: Bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh Việt Nam tiếp tục lập kỳ tích trong kỷ nguyên mới

Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng trân trọng giới thiệu nội dung diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).

Ngành Y tế tỉnh Quảng Trị tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn

Tối 11-2 (nhằm tối 14 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Sở Y tế tỉnh Quảng Trị phối hợp Thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam thị xã Quảng Trị và Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã tổ chức chương trình Đêm hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn.

Quân cờ chiến lược Mười Lắm trong Kế hoạch CM 12

Quá trình diễn biến của Kế hoạch CM 12, lực lượng Công an đã tung những quân cờ chiến lược, luồn sâu vào ruột của đối phương để nắm bắt ý đồ của địch, che mắt và điều khiển chúng phải đi theo lộ trình vạch sẵn của ta. Ngoài Tám Thậm (Hai Râu), Hồ Việt Lắm (tự Mười Lắm) được chọn vào vị trí đầy gay go ấy.