Quân cờ chiến lược Mười Lắm trong Kế hoạch CM 12

Thứ sáu, 06/09/2024 08:15

Quá trình diễn biến của Kế hoạch CM 12, lực lượng Công an đã tung những quân cờ chiến lược, luồn sâu vào ruột của đối phương để nắm bắt ý đồ của địch, che mắt và điều khiển chúng phải đi theo lộ trình vạch sẵn của ta. Ngoài Tám Thậm (Hai Râu), Hồ Việt Lắm (tự Mười Lắm) được chọn vào vị trí đầy gay go ấy.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam.
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm.

Năm 1962, tròn 12 tuổi Hồ Việt Lắm đã thoát ly theo cách mạng, làm giao liên cho Huyện ủy huyện Trần Văn Thời. Sau khi được chọn và học xong chương trình thiếu sinh quân ở miền Bắc, Mười Lắm trở về Nam chiến đấu. Những ngày trước khi diễn ra Kế hoạch CM 12 (KHCM12), Mười Lắm được phân công làm Đội trưởng Cảnh sát Hình sự - Kinh tế, sau đó là Phó Trưởng Công an huyện Trần Văn Thời, phụ trách lĩnh vực an ninh.

"Đây cũng là thời điểm tình hình an ninh chính trị ở miền Nam diễn biến khá phức tạp. Mặc dù đã thất bại và sụp đổ sau ngày 30-4-1975 nhưng một số phần tử trong chính quyền Sài Gòn (cũ) vẫn ngấm ngầm chống đối, phá hoại, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ", Mười Lắm nhớ lại.

Trong số các tổ chức phản động lưu vong lúc bấy giờ, nổi lên tổ chức do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Được tiếp sức bởi các thế lực phản động quốc tế, Túy - Hạnh mở trại huấn luyện và đặt bản doanh trên đất Thái Lan, chờ thời cơ trở về nước tiến hành các hoạt động chống phá.

Đầu năm 1981, một toán biệt kích gián điệp mang biệt hiệu "Minh vương 1" được Túy - Hạnh cho rời mật cứ ở Thái Lan xâm nhập bằng đường bộ qua Campuchia để về Việt Nam. Khi toán này đến Kiên Giang thì xảy ra cuộc chạm súng với lực lượng quân sự địa phương tại cánh rừng U Minh Thượng. Một số tên bị tiêu diệt, một số bị bắt sống và số còn lại băng rừng, chạy thoát về mật cứ.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm kể lại chiến thắng của Kế hoạch CM12 cho thế hệ trẻ.

Sau thất bại này, Túy - Hạnh đổi chiến thuật, tung toán "Minh vương 2" xâm nhập về nước bằng đường biển, với nhiệm vụ luồn sâu vào rừng U Minh, lập "mật cứ kháng chiến", tuyển mộ lực lượng, lập những biệt đội ám sát, dùng chất nổ phá hoại những mục tiêu quan trọng ở TPHCM và một số tỉnh, thành để gây tiếng vang, thực hiện ý đồ tổ chức của mình ra hoạt động công khai, tiến tới lật đổ chế độ.

Đêm 15-5-1981, toán biệt kích "Minh vương 2" thực hiện chuyến xâm nhập bằng đường biển đầu tiên tại vàm Bãi Ghe, vùng biển huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải (cũ). "Trước đó, tôi cũng vừa xong thời gian học nghiệp vụ tại TPHCM. Dự cuộc họp bàn phương án truy bắt toán biệt kích này, tôi đề xuất phải bắt sống toàn bộ để khai thác, tuyệt đối không được nổ súng, trừ trường hợp bất khả kháng. Tên nào càng chống cự thì càng phải bắt sống cho bằng được vì đó chắc chắn là tên chỉ huy. Đặc biệt phải bắt sống cho bằng được tên điện báo viên, thu điện đài của nó...", Mười Lắm nói.

Do có sự chủ động nên quá trình vây bắt, dưới sự chỉ huy của Ban chuyên án và của Mười Lắm, toàn bộ toán "Minh vương 2" đã nhanh chóng sa lưới, trong đó có điện báo viên và thu toàn bộ điện đài. Tiếc một điều là do quá nôn nóng trong lúc truy bắt, nên dân quân du kích xã Khánh Hải đã bắn chết toán trưởng Nguyễn Văn Thanh, khi tên này chống cự.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam.

"Vụ việc được báo cáo lên trên… Ta đã tương kế, tựu kế, vạch ra kế hoạch phản gián - gậy ông đập lưng ông khá hoàn hảo, với quyết tâm bắt đến tên cuối cùng trong tổ chức phản động này. Do khéo giáo dục, thuyết phục, ta đã nhanh chóng cảm hóa gần như toàn bộ thành viên trong toán "Minh vương 2", tạo điều kiện để họ lập công chuộc tội. Vì thế, trong phiên liên lạc đầu tiên với trung tâm của địch ở hải ngoại, với danh nghĩa là "tổ đặc biệt" vào lúc 21 giờ ngày 25-5-1981, ta đã lừa được tổng hành dinh của chúng, mở màn cho một điệp vụ phản gián chưa từng có trong lịch sử", Mười Lắm kể.

Do phạm vi, đối tượng đấu tranh của vụ án này đã vượt tầm cỡ một chuyên án; mặt khác, các đối tượng đấu tranh lại không đơn thuần là gián điệp biệt kích mà còn mang tính chính trị hết sức nhạy cảm, nên đầu tháng 6-1981, Bộ Nội vụ đã đặt tên điệp vụ này là "Kế hoạch CM12".

Tại cuộc họp tổ chức ở Hà Nội không lâu sau đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng đã đặt ra những mục tiêu cốt lõi của KHCM12; đồng thời, yêu cầu các bộ phận tham gia khi thực hiện nhiệm vụ truy bắt các toán biệt kích gián điệp phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về an ninh cho đất nước, kiên quyết không để địch tiến hành các hoạt động phá hoại... Đặc biệt, tại cuộc họp này, Bộ trưởng Phạm Hùng đã khen ngợi việc làm của Phó trưởng Công an huyện Hồ Việt Lắm. Bộ trưởng Phạm Hùng cho rằng đây tuy là chiến công đầu tiên nhưng lại rất quan trọng. Bởi việc giữ được mạng sống cho điện báo viên và thu được điện đài chính là giữ được đường dây liên lạc giữa nhóm xâm nhập vào nội địa với "tổng hành dinh" và nhất là với 2 tên đầu sỏ Túy - Hạnh khi cả hai đang ở nước ngoài. Từ đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ta bịt kín tai mắt "tổng hành dinh" ở bên ngoài, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và phá án, dẫn đến thắng lợi trọn vẹn KHCM12.

Đúc kết KHCM12, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Tiền- nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, người đã cùng lãnh đạo và nhiều cán bộ cốt cán của ngành An ninh bấy giờ đi theo KHCM12 từ khi mở màn cho đến hồi kết thúc, nhận xét: "Để có được chiến thắng ngoạn mục trong ván cờ thú vị này, ta cần phải có những quân cờ chiến lược, luồn sâu vào ruột của đối phương để nắm bắt ý đồ của địch, che mắt và điều khiển chúng phải đi theo lộ trình vạch sẵn của ta. Tám Thậm và Mười Lắm đã được chọn vào vị trí đầy gay go ấy. Tuy ở vị trí số 2 nhưng Mười Lắm mưu trí, khôn khéo, bản lĩnh và ngoan cường lắm, nên đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc. Do vậy, đóng góp của Mười Lắm trong KHCM12 là không nhỏ", Thiếu tướng Lê Tiền nhận định.

Về vai trò của Mười Lắm trong quá trình thực hiện KHCM12, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Phương Thế (Tám Thậm, Hai Râu) đánh giá: "Ngay từ đầu, dù chưa nhận được chỉ đạo nào của cấp trên nhưng khi tổ chức truy bắt toán "Minh vương 2", anh Mười Lắm đã thể hiện sự tỉnh táo và sáng tạo trong nghiệp vụ. Việc bảo vệ điện báo viên và điện đài là một khởi đầu rất quyết định của KHCM12. Cũng chính từ đây, ta mới thiết lập được kênh liên lạc và đưa địch vào bẫy của ta ngay từ đầu cho tới ngày kết thúc".

Theo lời Anh hùng Trần Phương Thế, công lao quan trọng không thể không kể đến đó chính là việc Mười Lắm đã cảm hóa và thu phục được các đối tượng giữ vị trí quan trọng trong tổ chức địch, đặc biệt là nhân viên liên lạc, điện đài... giao cho họ thực hiện các mệnh lệnh, đúng theo ý đồ chung, khiến địch không thể nghi ngờ sự sắp đặt của ta. "Tuy vị trí của anh Mười Lắm hơi lùi lại phía sau một chút, nhưng cũng quan trọng không kém tôi đâu. Từ việc chọn "bãi đáp" cho các chuyến xâm nhập để dễ dàng vây bắt, cho đến việc chọn nơi làm căn cứ, kho tàng giả... để đánh lừa Túy - Hạnh rõ ràng là một công trạng lớn. Ấy là chưa kể đến việc bắt và đưa 189 tên biệt kích trong 18 chuyến xâm nhập vào trại giam, đều có sự tham gia của anh Mười Lắm, trong vai trò là chủ công", Anh hùng Trần Phương Thế nhận định.

17 lần trực tiếp ra tàu "đón" địch, đưa 147 tên biệt kích vào trận địa phục kích, để các lực lượng của ta bắt giữ là một nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, nặng nề và cân não. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, có nhiều tình huống nghiệp vụ diễn ra ngoài dự kiến nhưng ông Mười Lắm đã xử lý hết sức khôn khéo, nhạy bén và biến chuyển linh hoạt.

Theo Đại tá Trần Lương Tư- người có thời gian dài phục vụ trong KHCM12 kể, trong điều kiện chiến đấu độc lập, rất nhiều lần bị chúng chĩa súng vào người, để thăm dò xem có phải người của ta cài vào hay không, nhưng Mười Lắm vẫn hết sức bình tĩnh, khôn ngoan vượt qua những bài "kiểm tra" sinh tử.

"Nếu không khôn khéo, dũng cảm, không có tinh thần sẵn sàng hy sinh tính mạng vì Tổ quốc thì sẽ không đủ dũng khí để đối mặt với hiểm nguy và anh Mười Lắm cũng sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách vẹn toàn như thế...", Đại tá Trần Lương Tư khẳng định.

T.B

Kể chuyện Kế hoạch phản gián CM12

Đại tá Trần Phương Thế (tên thường gọi là Tám Thậm), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, người được phân công thâm nhập vào sào huyệt của tổ chức phản động trong Chuyên án CM12 với tên gọi

40 năm thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12

Bài 1: Dấu ấn lịch sử trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia

Tuyên án kẻ xuyên tạc nhằm chống phá Nhà nước

Ngày 26-8, TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phan Đình Sang (1967, trú xã Hương Long, H. Hương Khê, Hà Tĩnh) về tội: