Viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine chính thức có hiệu lực
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden cho biết dự luật viện trợ "mang lại sự hỗ trợ quan trọng cho các đối tác của Mỹ, để họ có thể tự bảo vệ trước các mối đe dọa đến chủ quyền". Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm các lô vũ khí sẽ bắt đầu được chuyển đến Ukraine "trong vài giờ tới", theo Đài ABC News. Gói viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine cũng đánh dấu lần đầu tiên sau hơn một năm, Quốc hội Mỹ nhất trí về dự luật hỗ trợ vũ khí cho Kiev. Trước đó, tối 23-4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24-4 giờ Việt Nam), với 80 phiếu thuận và 19 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel cùng một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Tổng thống Ukraine lên tiếng
Ngay sau khi Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ trị giá 1 tỷ USD dành cho Ukraine, trong đó chú trọng đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đạn dược phòng không và đạn pháo, Tổng thống nước này, ông Volodymyr Zelensky cho rằng nó rất quan trọng đối với Ukraine.
Trong một phát biểu đăng tải trên mạng xã hội X vào rạng sáng 25-4, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã nhấn mạnh ngay từ đầu rằng gói viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine (vừa công bố) rất quan trọng. Đồng thời với việc cảm ơn người Mỹ, người đứng đầu nhà nước Ukraine cho rằng điều quan trọng nữa là các thoả thuận đạt được giữa ông và Tổng thống Joe Biden phải được thực hiện đầy đủ. Ông Zelensky cam kết sẽ đáp trả những gì mà phía Nga đã tận dụng cơ hội nửa năm “tranh luận và nghi ngờ” về gói viện trợ mới cho Ukraine để gây ra hậu quả đối với Ukraine, bao gồm việc tấn công vào hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Gói viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD
Lầu Năm Góc đã công bố gói viện trợ trị giá 1 tỷ USD dành cho Kiev, trong đó chú trọng tới nhu cầu cấp thiết về đạn dược phòng không và đạn pháo của Ukraine. Lầu Năm Góc tuyên bố: “Gói hỗ trợ an ninh mới quan trọng” đáp ứng “các nhu cầu an ninh và quốc phòng quan trọng” của Ukraine. Gói viện trợ sắp tới sẽ bao gồm các loại đạn, cụ thể là đạn pháo 155 mm và 105 mm, cũng như đạn súng cối 60 mm, đạn cho bệ phóng tên lửa đa năng dòng HIMARS, cũng như nhiều bệ phóng chống tăng vác vai và đạn vũ khí nhỏ. Gói này cũng cung cấp khả năng phòng không, cụ thể là tên lửa Stinger vác vai, nhưng không bao gồm bất kỳ loại đạn nào dành cho hệ thống Patriot. Thay vào đó, gói sẽ có tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow phóng từ tàu và tên lửa phòng không AIM-9M Sidewinder phóng từ trên không. Các loại đạn này đã được điều chỉnh trong cuộc xung đột để sử dụng với các hệ thống phòng không trên mặt đất từ thời Liên Xô, theo chương trình FrankenSAM. Ukraine cũng chuẩn bị nhận một lượng phương tiện chiến đấu chưa xác định, bao gồm xe chiến đấu bộ binh Bradley (IFV), xe Humvee và xe chống mìn phục kích (MRAP). Gói cũng bao gồm nhiều loại mìn khác nhau, cũng như “các loại đạn phá hủy để dọn chướng ngại vật”. Bên cạnh đó, gói bao gồm các hạng mục như “đạn dược trên không có độ chính xác” và “thiết bị hỗ trợ sân bay”, dường như nhằm chuẩn bị cho lô máy bay F-16.
Cũng trong ngày 24-4, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel ngày 24-4 xác nhận Washington đã chuyển giao cho Kiev các Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa để sử dụng trong lãnh thổ Ukraine. Tên lửa đã được đưa tới quốc gia Đông Âu trong tháng này. Phát biểu trước báo giới, ông Patel khẳng định “Mỹ đã cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS tầm xa theo chỉ thị trực tiếp của Tổng thống Joe Biden”. Theo phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, tên lửa ATACMS tầm xa là một phần trong gói viện trợ quân sự trị giá 300 triệu USD của Washington dành cho Kiev được công bố hôm 12-3 vừa qua, song “chúng tôi không thể công bố quyết định này ngay từ đầu để đảm bảo an ninh tác chiến cho Ukraine theo yêu cầu của họ”. Nhà Trắng trước đó khẳng định Mỹ chỉ chuyển cho Ukraine biến thể ATACMS có tầm bắn ngắn hơn, khoảng 165 km. Tuy nhiên, biến thể ATACMS mà Washington mới cung cấp cho Kiev có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 300 km.
AN BÌNH