Xuyên đêm nỗ lực dập lửa cứu rừng
Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 30-4, đámcháy được phát hiện tại rừng thông và keo ở khu vực chân núi Đụn xóm Tân Phong, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương. Đến trưa cùng ngày, đám cháy lan sang rừng hỗn hợp ở thị trấn Nam Đàn và xã Nam Thái. Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người gồm các lực lượng: Quân sự, Công an, Kiểm lâm, công chức xã, Đội cơ động số 1 của huyện Thanh Chương, Nam Đàn, lực lượng hỗ trợ từ Lữ đoàn công binh 414 (Quân khu 4)… trực tiếp đến hiện trường tham gia chữa cháy.
Suốt cả ngày và đêm 30-4, hàng trăm người thuộc các lực lượng chức năng đã cắt cử nhau túc trực, phát đường băng cản lửa, dùng máy thổi, cành cây, vỉ chữa cháy để khống chế đám cháy không lan rộng đến khu dân cư. Trong đêm 30-4, chính quyền địa phương đã đến từng hộ dân vận động và sẵn sàng phương án sơ tán nếu như đám cháy lan rộng đến khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Ân - dân quân tự vệ thị trấn huyện Nam Đàn cho biết, trong ngày 30-4, thời tiết nắng nóng cao điểm cộng với gió phơn Tây Nam thổi mạnh trong khi nguồn nước thiếu, địa hình đồi núi dốc và diện tích rừng bị cháy rất lớn nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác dập lửa chữa cháy. “Đêm 30-4, anh em túc trực gần như trắng đêm. Rạng sáng ngày 1-5, khu vực rừng cháy cơ bản được khống chế nhưng sau đó ít giờ những đám tro tiếp tục bùng phát lại nên chúng tôi tiếp tục được điều động trở lại hiện trường. Có nhiều người chỉ kịp chợp mắt mấy chục phút là phải quay lại hiện trường chữa cháy tiếp” –ông Ân chia sẻ thêm.
Ông Vũ Hồng Minh - Phó Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn cho hay, khoảng 4 giờ ngày 1-5, lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế khu vực cháy ở 2 địa bàn huyện Thanh Chương và Nam Đàn. Tuy nhiên, đến 6 giờ cùng ngày, đám cháy bất ngờ bùng phát trở lại. UBND huyện Nam Đàn, huyện Thanh Chương đã huy động hàng trăm người gồm các lực lượng thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn, Quân đội, Công an, Kiểm lâm, công chức xã, Đội cơ động số 1 tiếp tục dùng mọi biện pháp để dập lửa. Các đơn vị thuộc Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn cũng huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy. Hiện tại đám cháy đã được khống chế hoàn toàn, các lực lượng đang triển khai dập tàn sau cháy, không để xảy ra cháy lại.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Trinh – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Nam Đàn, quá trình tổ chức phối hợp lực lượng do địa hình hiểm trở nên công tác phối hợp chữa cháy có nhiều khó khăn. Đám cháy kéo dài từ phía Tây Nam đến Đông Bắc của núi Đùn rất dài. Trong khi đó, núi Đùn có diện tích 130ha nên việc sử dụng phương tiện chữa cháy rất khó. Vì thế, đơn vị đã tổ chức các khu vực chỉ huy riêng dưới sự chỉ huy của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn huyện Nam Đàn. Trong quá trình dập lửa, đơn vị đã huy động, sử dụng các phương tiện như máy thổi,vỉ dập lửa và các phương tiện tự chế, thiếu các phương tiện hiện đại như máy bay không người lái và đám cháy ở trên cao nên công tác tiếp cận rất khó khăn. “Chúng tôi đã điều động hơn 550 cán bộ lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, ngoài ra còn có các lực lượng phục vụ như đoàn thanh niên, các cơ quan đoàn thể, tổng cộng hơn 700 người. Tuy nhiên, do rừng thông, keo có nhiều thảm thực vật, lá thông khô và thời tiết nắng nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa nhanh chóng lan rộng” – Trung tá Trinh cho hay.
Trước đó, ngày 26-4, Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 đưa ra cảnh báo cháy rừng trên các khu vực rừng từ ngày 27-4 đến ngày 2-5 từ cấp III (cấp cao) đến cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Ngay sau công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan thực hiện cấp bách nhiều các biện pháp. Chủ tịch UBND nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.
Ông Phùng Thanh Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, từ đầu năm nay, tỉnh đã xây dựng phương án phòng chống cháy rừng một cách cụ thể. Đặc biệt, trước diễn biến thời tiết nắng nóng phức tạp từ ngày 26 đến 30-4, nắng nóng rất cao (dịp 30-4 nhiệt độ lên tới hơn 41 độ C), tỉnh chỉ đạo và phân vùng những nơi có nguy cơ cháy rừng cao. Bên cạnh đó, Sở cũng đã đầu tư các trang thiết bị như camera quan sát để có phương án xử lý nhanh nhất nếu xảy ra cháy rừng. “Chúng tôi quán triệt sau 10-4, người dân tuyệt đối không đốt thực bì và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hiện nay, vụ cháy đã cơ bản được khống chế, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 20ha rừng, trong đó 10ha rừng thuộc xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương và 8,5ha rừng thuộc huyện Nam Đàn (1,5ha rừng thông keo, còn lại là rừng hỗn giao). Trên địa bàn thời tiết hiện không còn nắng nóng gay gắt, tuy nhiên để đảm bảo cháy rừng không bùng phát trở lại, chính quyền địa phương tiếp tục cử người túc trực, sẵn sàng xử lý nếu có tình huống bất ngờ xảy ra” – ông Vinh cho biết thêm.
Liên quan đến vụ cháy rừng khởi phát tại xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, hiện cơ quan Công an huyện Thanh Chương đang xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy. UBND huyện Thanh Chương đã đề nghị lực lượng Công an huyện làm rõ, xử lý nghiêm những người liên quan trong vụ cháy rừng giữa thời tiết nắng nóng. Theo đó, Công an huyện Thanh Chương cũng đã mời một số người liên quan đến quá trình đốt thực bì trên địa bàn lên làm việc. Đồng thời, các cơ quan liên quan đang xác định diện tích rừng bị thiệt hại sau vụ cháy làm căn cứ xử lý.
Dương Hóa