LONGFORMTự cách mạng
Kỳ 1: Tự cách mạng - chìa khoá thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam
Tự cách mạng là chìa khoá thành công của Đảng ta. Bởi chỉ có tự cách mạng, Đảng mới gột rửa mình cho trong sạch, mới bắt kịp hơi thở thời đại để trở nên tiên tiến, mới chỉnh đốn mình tránh đi vào vết xe đổ dẫn đến suy vong và nối dài truyền thống để trường tồn cùng dân tộc.
Tự cách mạng - cuộc “cách mạng tự thân” của Đảng ta
Nói đến “cách mạng”, người ta thường hình dung đến sự biến đổi mang tính chất bước ngoặt trong quan hệ xã hội hay đời sống chính trị được thực hiện thông qua đấu tranh giai cấp. Trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, qua tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra cách luận giải rất mới: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi cái tốt”[1].
Đến năm 1952, Người một lần nữa nhắc lại: “Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới. Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt nhưng cái nọc xấu của nó vẫn còn, thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công, vì nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”[2].
Lời vàng, thước ngọc của Người đến nay vẫn là chân giá trị. Khi Đại hội XIII của Đảng nâng tầm công cuộc xây dựng, chỉnh đốn bao quát cả hệ thống chính trị, tự cách mạng ở đây được hiểu là cuộc “cách mạng tự thân” với tinh thần triệt để của Đảng ta đối với vận mệnh của chính mình. Trong cuộc cách mạng đặc biệt này, Đảng không chỉ là chủ thể tạo nên thay đổi, mà còn là đối tượng cần phải thay đổi. Thay đổi cả trong nhận thức, hành động với yêu cầu ngày một cao hơn, tạo ra bước ngoặt lớn hơn đúng tính chất của một cuộc đại cách mạng.
Tự cách mạng là truyền thống, ưu điểm và là vũ khí tinh thần của Đảng ta
Với một Đảng có tuổi đời gần thế kỷ, tự cách mạng là chiếc chìa khoá để Đảng gìn giữ thanh xuân, củng cố sức mạnh, nắm vững vai trò lãnh đạo đất nước. Ngay từ năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm “Tự chỉ trích” đã khơi mào cho công cuộc tự cách mạng với phương châm: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra lỗi lầm của mình và tìm phương pháp sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng và làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ”[3].
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn xem đây là vấn đề hệ trọng và dành sự quan tâm đặc biệt. Trong hàng loạt các tác phẩm như “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” hay “Sửa đổi lối làm việc”, Người rất mực lưu tâm đến việc chẩn bệnh, kê đơn, bốc thuốc để chữa những căn bạo bệnh trong Đảng. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” để Đảng ta ngày càng “mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”.
Thực hiện huấn thị của Người, trong thời kỳ đổi mới Đảng ta càng nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa quyết định, sống còn của tự cách mạng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Năm1986, khi đất nước đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, với tinh thần “tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng ta đã nghiêm túc tự phê bình, tự nhìn nhận “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”[4] từ đó mở toang cánh cửa đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Và cũng với tinh thần cả quyết sửa mình, liên tục trong các khoá XI, XII, XIII, Đảng ta đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là hội nghị đầu mỗi khoá để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây được ví von như cuộc đại cách mạng có tính chất khởi phát cho quá trình Đảng tự gột rửa “từ đầu đến chân” như trong giai đoạn hiện nay.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, công khai khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm là ưu điểm vượt trội, là truyền thống tốt đẹp cần trao truyền và tiếp nối. Đó là dũng khí tự cách mạng của Đảng ta. Chính nhờ dũng khí đó mà Đảng ta đã tìm ra lời giải cho bài toán khó làm thế nào để Đảng có tuổi đời gần thế kỷ không trở nên già nua trước thời cuộc, giữ vững vị thế lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trên mọi mặt trận.
Tự cách mạng – Đảng ta đang bám sát nhịp đập thời đại
Trong hành trình kháng chiến vệ quốc, Đảng ta đã chứng minh sức mạnh vô song, sự trưởng thành vượt bậc. Khi vừa tròn 15 tuổi, Đảng đã lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám, góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ dân chủ thế giới. Vào độ tuổi 24, Đảng đã đồng hành cùng dân tộc đánh bại chủ nghĩa thực dân với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đảng cũng đã dẫn dắt toàn dân tộc đánh bại đế quốc Mỹ, ca khúc khải hoàn mừng Mùa Xuân đại thắng năm 1975 khi vừa tròn 45 tuổi.
Tuy nhiên, yêu cầu của mỗi thời đại mỗi khác, nếu Đảng không tự làm mới mình, không sửa sang, tân trang mình sẽ lạc hậu với thời cuộc, không thể hoàn thành sứ mệnh của người dẫn đường, không thể giữ vững bản chất tiên tiến, trong sạch vốn có. Bởi một đảng mác-xít sinh ra không nghiễm nhiên trở thành người khổng lồ, mà trưởng thành thông qua tôi luyện, qua quá trình tự cách mạng liên tục. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, với sứ mệnh đưa con thuyền cách mạng vươn khơi cập bến phồn vinh, Đảng phải tự cách mạng để biến mình thành người khổng lồ, ngang tầm với nhiệm vụ mới. Gánh trên vai sức nặng chưa từng có, Đảng càng cần phát huy triệt để tinh thần tự cách mạng, nhất mực chú trọng đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị để nhận diện những căn bệnh của thời đại, nhận diện kẻ thù hoàn toàn mới để có đối sách phù hợp nhằm tạo nên sức mạnh vĩ đại, viết nên trang sử mới vẻ vang trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Vẫn còn đó bài học “cầm vàng còn để vàng rơi” của Liên Xô và các nước Đông Âu
Trên thế giới, có rất nhiều trường hợp đánh rơi quyền lực vì sự thối nát và biến chất của đảng cầm quyền, vì xa rời cội nguồn sức mạnh của quần chúng nhân dân. Sự kiện lá cờ ba sắc soán ngôi cờ đỏ búa liềm trên đỉnh điện Kremli đã thực sự tạo nên cơn địa chấn chính trị khủng khiếp của thế kỷ XX, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các đảng cộng sản đang nắm chính quyền. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng nhận định: “Qua việc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, phải thấy nguy cơ của chuyện không làm tốt công tác xây dựng Đảng, để một bộ phận đảng viên tha hóa, tiêu cực, để xa dân là rất nguy hiểm. Đến Đảng Cộng sản Liên Xô có thể đổ vỡ, thậm chí đổ vỡ rất nhanh thì đừng có nói rằng mình không thể, mình có thể tránh được. Tránh được hay không là tùy thuộc vào việc chúng ta có làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chế độ hay không?”[5].
Sự tan rã của Liên Xô và đổi màu chế độ ở Đông Âu là bài học nhãn tiền cần ghi nhớ. Tháng 4-1992, đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?” đăng trên Tạp chí Cộng sản đã chỉ điểm chính việc “buông lơi” công tác xây dựng Đảng, xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước Nhân dân, không được Nhân dân ủng hộ chính là tử huyệt, là nấm mồ chôn một thời huy hoàng của Liên Xô.
Hơn 30 năm lẻ sau cơn địa chấn ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”[6]. Điều này càng thôi thúc Đảng ta quan tâm nhiều hơn nữa, phát huy tinh thần tự cách mạng triệt để hơn nữa, tự giác soi, sửa mình kỹ càng hơn nữa để bảo đảm giữ vững bản chất của Đảng mác-xít chân chính, giữ vững vị thế, vai trò lãnh đạo để trường tồn cùng dân tộc.
Kỳ 2: Những vấn đề nổi cộm cần giải quyết với tinh thần tự cách mạng triệt để
Muốn có một cơ thể khoẻ mạnh, cường tráng thì trước hết cơ thể đó phải không bệnh tật. Đảng ta cũng vậy, muốn có thể trạng tốt thì phải bổ sung vi chất, tăng cường sức đề kháng để đủ sức khoẻ vượt qua con sóng to của thời đại. Và đối với những u nhọt có nguy cơ thối rữa, đang ngấm ngầm làm băng hoại Đảng ta thì cần mạnh tay cắt bỏ. Vậy nên, việc cần kíp trước mắt là nhận diện những con sóng to của thời đại, phát hiện những ung nhọt, những cành sâu mục ruỗng đang xâm hại cơ thể Đảng để có đối sách đúng đắn, kịp thời.
Những con sóng to của thời đại
Trong giai đoạn hiện nay, để đưa con thuyền cách mạng vươn khơi, Đảng cần đủ sức mạnh để vượt qua con sóng dữ của thời đại. Nếu Đảng không đủ nhạy bén, không thấu suốt xu hướng của thời đại sẽ hụt hơi trong cuộc chạy đua giữa các quốc gia, tụt hậu xa hơn về kinh tế. Nếu không tự cách mạng triệt để, Đảng sẽ bị những con sóng to của thời đại như nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhấn chìm. Đây chính là nguy cơ, những con sóng lớn được Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khoá VII (1-1994) dự lường cho đến nay “vẫn còn hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn” như nhận định được Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII đưa ra.
Cần thẳng thắn nhìn nhận, chừng nào nguy cơ còn hiện hữu gánh nặng trên vai Đảng còn nặng nề. Nếu để tụt hậu về kinh tế, Đảng khó lòng làm tròn sứ mệnh mà Nhân dân tin cẩn giao cho: “Chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”[7]. Nếu không hoá giải nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa tức là dần xa rời mục tiêu, lý tưởng ban đầu. Nếu để tham nhũng tràn lan nghĩa là Đảng đang dần đánh mất mình giao vận mệnh mình cho “giặc nội xâm”, thứ giặc nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm gấp bội phần.
Trước chuyển biến mau lẹ của thời cuộc, thách thức mới, yêu cầu mới của cách mạng xã hội chủ nghĩa đặt trên vai Đảng nhiệm vụ chính trị nặng nề. Nếu Đảng không nâng cấp mình để ngang tầm với nhiệm vụ mới, phản ứng chậm chạp, đưa ra chủ trương, đường lối, chiến lược không đúng hướng sẽ không đủ sức vượt qua con sóng to của thời đại, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, ảnh hưởng đến con thuyền vận mệnh dân tộc.
Những ung nhọt, cành sâu cần tỉa bỏ
Trong giai đoạn hiện nay, cần tỉnh táo nhận thức rằng Đảng ta đang đối mặt với những nguy cơ, vấn đề nổi cộm: chính trị không trong sạch, tư tưởng không trong sạch, tổ chức không trong sạch, đạo đức không trong sạch, cán bộ không trong sạch. Tác nhân chủ yếu gây vẫn đục Đảng có thể kể đến như tệ tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”… Đây chính là những ung nhọt cần giải phẫu, những cành sâu bị đục ruỗng cần mạnh tay tỉa bỏ để cây chế độ đơm hoa. Nếu không cắt bỏ kịp thời có khi trở thành nút thắt lịch sử dẫn đến Đảng suy vong.
Về vấn nạn tham nhũng, đây là căn bệnh ung thư đe dọa nghiêm trọng đến sức sống và sức chiến đấu của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “tham ô là trộm cắp, tội ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám; chống tham ô, lãng phí, quan liêu như một thứ giặc ở trong lòng”[8].
Nhìn dưới giác độ kinh tế, tham nhũng trực tiếp hay gián tiếp gây thất thoát ăn mòn ngân sách - túi tiền của Nhân dân giao cho Nhà nước quản lý. Tham nhũng còn tiếp tay cho các thế lực thù địch và bọn phản động lấy kinh tế làm “đổi màu” cán bộ, đảng viên; tiếp tay cho việc đả kích, bôi nhọ uy tín nhằm hạ bệ Đảng. Và chính tham nhũng đã, đang và sẽ tạo điều kiện cho kẻ có quyền lợi dụng công vụ để tư túi, mưu cầu bất chính; tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội, háo danh có cơ hội “luồn sâu”, leo cao trèo cao gây lũng đoạn bộ máy, cổ suý cho văn hoá phong bì hay tệ hơn nữa là nạn “chạy chức”, “chạy việc”, “chạy thành tích”, thậm chí “chạy tội” dẫn đến cán bộ không trong sạch, tổ chức không trong sạch.
Dưới góc nhìn chính trị, những cán bộ, đảng viên tay trót nhúng chàm, những ông quan tham đã làm mất đi hình ảnh người cán bộ liêm chính, xấu đi hình ảnh của Đảng với khối tài sản kếch xù, lối sống xa hoa. Họ là những người đào hố khoét sâu thêm cách biệt giàu - nghèo ngăn trở khối đại đoàn kết dân tộc, ngăn trở việc hoàn thành mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Rõ ràng, những ông quan tham đã trở thành kẻ cắp của cách mạng Việt Nam. Họ không chỉ lấy cắp tiền của, mà nguy hại hơn cả là lấy cắp niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Đây khác nào kẻ cắp sinh mệnh của Đảng, kẻ cắp chế độ vì như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng”: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”[9]. Vậy nên, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã chỉ mặt, điểm tên tham nhũng là thách thức, là nguy cơ cho đến nay “vẫn là một trong những vấn nạn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”[10].
Những nọc xấu của chủ nghĩa thực dân, phong kiến cần loại trừ
Bên cạnh tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân được xác định “như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”[11]. Nguy hại đến nỗi, ngay từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và nêu lên những đòi hỏi cao hơn trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Và trước khi đi xa, Người vẫn trăn trở, căn dặn toàn Đảng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Sinh thời, Bác đã dụng tâm chỉ điểm 10 chủng bệnh nảy nở từ con vi trùng chủ nghĩa cá nhân cần tiêu diệt như bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh cận thị; bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh. Cái tài ở đây là những căn bệnh Người chỉ ra đến nay vẫn còn ngấm ngầm hoành hành trong Đảng với biến thể mới tinh vi hơn như: “luồn” lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm vào hoạt động công vụ; chạy chức, chạy quyền, chạy theo hư vinh, khoái lạc; nhiệt tình cách mạng dần nguội lạnh, sợ trách nhiệm, sa sút ý chí, nhạt màu lý tưởng… mà Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ.
Trong giai đoạn hiện nay, xét đến cùng, từ chủ nghĩa cá nhân sẽ sinh ra chủ nghĩa quan liêu, hình thức. Đây chính là bộ ba bài trùng, là nọc xấu của chủ nghĩa thực dân, phong kiến ăn sâu, bám rễ vào cơ thể Đảng khiến cho Đảng ta “xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ”[12] và là “kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”. Đặc biệt, chủ nghĩa quan liêu dẫn đến chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa hình thức khuyến khích bệnh quan liêu, trở thành tai họa lớn ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Bản chất của chủ nghĩa hình thức là thực dụng, thiếu tinh thần trách nhiệm nhưng khéo che đậy bằng vẻ ngoài hào nhoáng. Còn quan liêu là tàn tích của chế độ phong kiến với tư tưởng trọng chức sắc và quan niệm méo mó về quyền lực. Suy cho cùng, chủ nghĩa hình thức, quan liêu không phù hợp với bản chất, mục đích và phong cách tốt đẹp của Đảng ta, là kẻ thù lớn của Đảng, của Nhân dân và cách mạng nước ta.
Vậy, trong hành trình làm cách mạng cần phải xem tệ tham ô, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa quan liêu, hình thức là “giặc nội xâm” - kẻ thù trong lòng mỗi người cán bộ, đảng viên cần đánh đuổi; như u nhọt, như nọc xấu, như cành sâu cần loại bỏ là vì các loại chủ nghĩa này là căn bệnh trầm kha, rất cứng đầu, rất khó chữa, dễ tái phát, dễ lây lan. Bởi sa vào chủ nghĩa này chính là phá vỡ rào chắn, lún sâu vào suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống - bước rất ngắn đi đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây chính là trở lực của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta.
Kỳ 3: Tự cách mạng - kê đơn thuốc đắng để “dã tật”
Bệnh tình đã được tiên lượng. Việc còn lại là Đảng ta cần bổ sung vi chất của thời đại để tăng cường sức đề kháng, kiên trì thanh lọc cơ thể, chịu uống đủ liều thuốc đắng để dã tật, chịu cắt bỏ khối ung nhọt để tránh “nọc xấu” di căn. Có thể coi đây là cuộc đại phẫu mà Đảng tự cầm dao phẫu thuật cho chính mình với tinh thần cách mạng triệt để như huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”, “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”.
Muốn tự cách mạng, Đảng phải có dũng khí vượt sóng to, cắt bỏ ung nhọt, bài trừ “nọc xấu” và tỉa bỏ cành sâu
Để vượt sóng to, cắt bỏ ung nhọt, bài trừ “nọc xấu” và tỉa bỏ cành sâu trong Đảng, không chỉ cần phương thuốc đúng, mà còn cần phải có dũng khí. Lê-nin từng nhấn mạnh: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”[13]. Đây là điểm gặp gỡ giữa tinh thần tự cách mạng, thanh đảng của Lênin và chỉnh Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với tổ chức Đảng, Bác căn dặn: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[14].
Như vậy, một đảng chính trị vĩ đại không nằm ở chỗ không phạm sai lầm, mà nằm ở dũng khí đối mặt với sai lầm. Dũng khí tự cách mạng là tiêu chí cơ bản để đánh giá bản chất tiên tiến của một tổ chức Đảng và của đảng viên. Thói thường, lau nhọ trên mặt người dễ, nhưng để lau nhọ trên mặt, trong tâm óc của mình rất khó nên Đảng cần dũng cảm tự soi xét, đối mặt khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm, không ngừng phát triển và hoàn thiện. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng đang tiến hành cuộc “đại phẫu” cắt bỏ u nhọt tham nhũng, chìa “nắm đấm thép” hướng vào thói hư tật xấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chắc chắn sẽ gây ra chấn động mạnh, “là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng”[15] nhưng phải xác định đây là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022.
Đối với cán bộ, đảng viên cần khắc ghi chữ “Dũng”. “Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc”[16]. Và hiện nay, khi đội ngũ cán bộ, đảng viên có phần thoái chí, sa sút tinh thần đấu tranh thì vun bồi chữ “dũng” là phương thuốc đặc trị bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong hoạt động thực thi công vụ.
Muốn tự cách mạng, Đảng phải vì dân và dựa vào dân
Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu suốt vai trò, sức mạnh và mối quan hệ máu thịt đồng sinh tử giữa Đảng và Nhân dân. Vậy nên, phát động tự cách mạng phải dựa vào Nhân dân, phải “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”[17]. “Mắt sáng”, “tai tỏ” của quần chúng sẽ giúp Đảng ta phát hiện và giải quyết vấn đề còn tồn tại, là động lực mạnh mẽ để tự cách mạng. Vậy nên, tự cách mạng phải nhằm vào những vấn đề mà quần chúng phản ánh mạnh mẽ nhất, quan tâm nhất để ưu tiên thực hiện.
Cần phải nhận thức rằng ưu điểm chính trị lớn nhất của Đảng ta là sự gắn máu thịt với quần chúng, và nguy cơ lớn nhất của Đảng ta cũng chính là xa rời quần chúng. Trong hành trình mới, phải kiên định triết lý lấy Nhân dân làm trung tâm, kiên định mục đích hết lòng phục vụ Nhân dân, chú trọng giải quyết những vấn đề bức xúc, trăn trở của Nhân dân, không ngừng tự hoàn thiện để đáp ứng mong đợi của Nhân dân là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc mà Đảng ta cần ghi lòng tạc dạ.
Muốn tự cách mạng, Đảng phải chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc
Lề lối, tác phong làm việc của Đảng chính là khuôn diện, bộ mặt của Đảng. Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định thiện cảm của dân đối với Đảng để từ đó quyết định nhất tâm đi theo hay quay lưng với Đảng cầm quyền. Vậy nên, chỉ có xây dựng lề lối làm việc nghiêm túc, ngay thẳng thì Đảng ta mới có thể đứng vững, thu phục nhân tâm, tránh được nguy cơ lớn nhất là xa rời quần chúng.
Để chấn chỉnh lề lối, tác phong trong Đảng, cần đẩy mạnh thực hành dân chủ, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường tự phê bình và phê bình để tẩy trừ tham nhũng; quét sạch bộ ba bài trùng chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, hình thức; kịp thời nắn chỉnh những biểu hiện lệch lạc gây ảnh hưởng xấu, làm mất uy tín của Đảng. Mỗi đảng viên cần nghiêm khắc tu dưỡng, giữ gìn phẩm hạnh của người đảng viên; tích cực “phủi bụi tư tưởng”; nêu cao tinh thần “lội nước đi trước”, hăng hái, xông xáo trong công việc. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần chú trọng xây dựng phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp, nêu cao tinh thần 6 dám “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách” mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra và đặc biệt là tăng cường gắn bó máu thịt với Nhân dân. Bên cạnh đó, việc tạo dựng môi trường chính trị lành mạnh, tinh thần tương trợ trong thực thi công vụ và định hình văn hoá cống hiến, phụng sự Đảng, phụng sự Nhân dân cũng là điểm mấu chốt để cải thiện hình ảnh của Đảng, làm cho khuôn diện của Đảng trở nên gần gũi, đáng tin cậy.
Muốn tự cách mạng, Đảng phải gia cố màng lọc để thanh lọc cơ thể Đảng
Đảng muốn khoẻ mạnh phải thường xuyên thanh lọc, lắng nghe cơ thể để kịp thời phát hiện những nguy cơ. Màng lọc của Đảng ta không gì khác chính là công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Những lỗ hổng, những khe hở của màng lọc này đã dần được lấp đầy bởi hệ thống quy định như: Điều lệ Đảng, Quy định 24-QĐ/TW về “Thi hành Điều lệ Đảng”, Quy định 22-QĐ/TW về “Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; Quy định 37-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy định 41-QĐ/TW về “Miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”, Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Việc còn lại là Đảng phải tổ chức thực hiện cho tốt và kiểm tra, giám sát việc chấp hành cho nghiêm ngặt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Nếu tổ chức kiểm tra chu đáo thì cũng như có ngọn đèn pha. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết,… kiểm tra khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”[18]. Để hoàn thiện màng lọc kiểm tra, giám sát nội bộ cần khắc phục tình trạng chủ thể phân tán; trách nhiệm không rõ và năng lực yếu kém của hệ thống này. Phải làm thế nào đập tan được hiện tượng không muốn kiểm tra, giám sát; không dám kiểm tra, giám sát như hiện nay. Bởi đâu đó vẫn tồn tại vấn nạn giám sát cấp dưới sợ mất phiếu, giám sát đồng cấp sợ mất hoà khí, giám sát cấp trên sợ trù dập. Trong giai đoạn hiện nay, cần ghi nhớ bài học về nguyên nhân dẫn đến mất quyền lực, tiêu vong của một số đảng lớn và lâu đời trên thế giới là sự thiếu kiểm tra, giám sát nội bộ đảng mà dành sự quan tâm đúng mức.
Song hành với kiểm tra, giám sát, để lãnh đạo 51.827 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 5,3 triệu đảng viên hiện có, Đảng phải lấy kỷ luật nghiêm minh làm thước kẻ. Phải tăng cường kỷ luật Đảng bởi “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”[19]. Mỗi đảng viên cũng cần xem kỷ luật Đảng như chiếc gương soi để chỉnh mình, như cây thước kẻ để hành động cho chuẩn mực. Đối với cán bộ lãnh đạo, nắm trong tay quyền lực do Nhân dân giao phó càng cần phải khép mình trong kỷ luật Đảng để tránh “mặc áo quá đầu, vung tay quá trán” trong sử dụng quyền lực.
Đối với tổ chức Đảng cần gia cố màng lọc để phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa quan liêu, hình thức; hóa giải các nguy cơ chính trị; thanh tẩy vết nhọ về tư tưởng trong tâm óc của cán bộ, đảng viên; nghiêm trị những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật… Có như thế mới nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chính trị, góp phần tăng cường sức đề kháng trong Đảng.
Tóm lại, muốn làm cách mạng, trước hết Đảng ta phải tự cách mạng. Tự cách mạng chính là năng soi gương, năng thanh lọc, năng gột rửa để Đảng giữ vững bản chất tiên tiến, trong sạch của một Đảng mác-xít chân chính, xứng đáng với niềm tin cẩn của Nhân dân và đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn mới.
Trương Thị Điệp
Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng
[1]. Hồ Chí Minh: Đường cách mệnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.2.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.6, tr.490.
[3]. Nguyễn Văn Cừ: Tự chỉ trích, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.14.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 47, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 360.
[5]. Anh Thu, Công Minh, Văn Duyên: 30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, 2021.
[6]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2022, tr 29.
[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 13, tr. 5
[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 490.
[9]. Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.80.
[10]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.93
[11]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 295
[12]. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.298.
[13]. V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, M. 1978, tập 45, tr 141.
[14]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, tập 5, tr.301.
[15]. Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.38.
[16]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 292.
[17]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 13, tr.419.
[18]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 327.
[19]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 10, tr.311.