Bài 1: Bước tiến mới trong an sinh xã hội tại Đà Nẵng
Nếu ví Đề án 06 như một bức tranh lớn của cuộc cách mạng số hóa thì lực lượng Công an chính là những họa sĩ cần mẫn, kiên trì vẽ nên từng đường nét định hình tổng thể. Với vai trò là cơ quan tham mưu, lực lượng Công an không chỉ đơn thuần giám sát, mà còn tham gia sâu vào quá trình lập kế hoạch, triển khai và đôn đốc các ban, ngành, địa phương thực hiện.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác chi trả ASXH không dùng tiền mặt, dưới sự chỉ đạo của Công an TP, UBND quận, căn cứ theo quy trình chi trả ASXH không dùng tiền mặt, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã chủ động tham mưu UBND quận ban hành 1 kế hoạch và 3 công văn chỉ đạo, triển khai cũng như đôn đốc các đơn vị trong việc thực hiện chi trả chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng không dùng tiền mặt. Trong đó tập trung đến công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Phòng LĐ-TB và XH quận trong quá trình triển khai thực hiện.
Nắm rõ chủ trương của Chính phủ với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong công cuộc chuyển đổi số, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, góp phần vào công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ASXH, bảo đảm số tiền chi trả đúng đối tượng, nhanh chóng… lực lượng Công an đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi tới người dân về lợi ích của việc chi trả không dùng tiền mặt. Từ các hội nghị khu dân cư đến các buổi họp trực tuyến qua Zalo, Facebook, người dân đã dần hiểu rõ hơn về sự tiện lợi và an toàn mà phương thức này mang lại. Bà Nguyễn Thị Lan (56 tuổi), người dân phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), chia sẻ: "Trước đây, tôi phải đến UBND phường để nhận trợ cấp hàng tháng, rất mất thời gian. Từ khi sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận trợ cấp, tôi chỉ cần ngồi nhà cũng có thể kiểm tra tiền đã về hay chưa. Điều này thực sự tiện lợi và giảm bớt được nhiều phiền phức".
Theo lãnh đạo Công an quận Ngũ Hành Sơn, đơn vị đã tích cực phối hợp cùng Phòng LĐ-TB và XH để khảo sát, phân loại và lập danh sách các đối tượng hưởng chính sách ASXH mong muốn nhận trợ cấp qua tài khoản. Việc này không chỉ giúp đảm bảo an ninh tài chính mà còn giảm thiểu các rủi ro về tham nhũng, trục lợi. Tính đến tháng 7-2024, tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt tại quận Ngũ Hành Sơn đã đạt 37,33%, vượt chỉ tiêu được giao. Trong đó, chi trả không dùng tiền mặt 1.200/3.231 đối tượng bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ 37.14%; chi trả không dùng tiền mặt cho 695/1.844 đối tượng người có công chiếm tỷ lệ 37,7 %.
Bên cạnh Ngũ Hành Sơn, các quận, huyện khác trên toàn địa bàn TP Đà Nẵng cũng đang nỗ lực triển khai Đề án 06/CP một cách quyết liệt và hiệu quả. Quận Hải Châu, với vai trò là địa bàn trung tâm phát triển kinh tế của Đà Nẵng, đã đặt mục tiêu phát triển chuyển đổi số gắn liền với Đề án 06. Các cơ quan ban ngành tại quận Hải Châu đã xác định rõ việc thu thập và quản lý dữ liệu dân cư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nguồn dữ liệu này không chỉ giúp chính quyền theo dõi chính xác thông tin về người dân mà còn tạo cơ sở cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Công an quận Hải Châu cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát, làm sạch dữ liệu của các đối tượng chi trả ASXH. Đến nay, tỷ lệ chi trả qua tài khoản ngân hàng tại quận Hải Châu đã đạt 56%, góp phần giúp người dân nhận trợ cấp một cách nhanh chóng, tiện lợi. Chị Phạm Thị Hoa, một người dân tại Hải Châu cho biết, việc chi trả qua ngân hàng giúp chị không còn lo lắng về việc mất tiền hay bị lừa đảo. Mọi thứ rất minh bạch, tiền trợ cấp đến thẳng tài khoản của mình đúng hẹn.
Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song việc thực hiện Đề án 06 vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là ở các địa phương có hạ tầng cơ sở vật chất chưa hoàn thiện. Điển hình như huyện Hòa Vang, nơi có 11 xã nhưng chỉ có 5 trụ ATM và trụ sở ngân hàng. Tuy nhiên, lực lượng Công an huyện đã không ngừng nỗ lực, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để vận động người dân mở tài khoản ngân hàng, đảm bảo quyền lợi cho những đối tượng hưởng ASXH. Nhờ những nỗ lực đó, huyện Hòa Vang đã chi trả qua tài khoản ngân hàng cho 2.817 đối tượng, chiếm 31,77% tổng số người nhận trợ cấp, đảm bảo chỉ tiêu đề ra.
Có thể thấy, nhờ sự kiên trì và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, mà đứng đầu là lực lượng Công an, Đề án 06/CP đã và đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Các mô hình chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực ASXH, đang từng bước đi vào đời sống, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt không chỉ là giải pháp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn là bước tiến lớn trong công tác phòng chống tham nhũng và đảm bảo an ninh tài chính. Thay vì phải đến các điểm giao dịch để nhận tiền mặt, giờ đây, người dân chỉ cần mở tài khoản ngân hàng là có thể nhận tiền trợ cấp hàng tháng. Hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư được lực lượng Công an quản lý một cách chặt chẽ, đảm bảo thông tin luôn "đúng, đủ, sạch, sống", như một mạng lưới bảo vệ, giúp mọi hoạt động chi trả diễn ra minh bạch, chính xác.
Đề án 06/CP không chỉ là giải pháp tạm thời, mà còn là bước đi dài hạn trong việc xây dựng nền tảng cho chính phủ số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò của mình, lực lượng Công an là những người "dẫn đường" trong hành trình số hóa, mang lại những lợi ích thực sự cho người dân.
MAI VINH
Sau 2 năm thực hiện Đề án 06/CP, toàn TP Đà Nẵng đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua ATM đạt tỷ lệ 56,58%; chi trả bảo hiểm xã hội một lần qua ATM đạt tỷ lệ 98,83%; chi trợ cấp thất nghiệp qua ATM đạt tỷ lệ 100%; chi ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe qua ATM đạt tỷ lệ 99,97%; chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách ASXH cho các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách Nhà nước cho gần 6.000 đối tượng chính sách người có công, đối tượng trợ cấp xã hội hàng tháng với tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng.