Thực hiện chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên
Biểu dương những kết quả đạt được của các cấp, các ngành trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: Chủ trương nhất quán của lãnh đạo TP là luôn quan tâm chú trọng thực hiện các chính sách xã hội (CSXH), nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo không bỏ ai lại phía sau. Cùng với đó, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần hiện thực mục tiêu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, là thành phố đáng sống như định hướng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, địa phương thời gian tới cần tập trung, rà soát, nghiên cứu đề ra các giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả những khó khăn, hạn chế, phát huy những kết quả của giai đoạn vừa qua; đặt quyết tâm đạt mục tiêu cao hơn cho các chương trình nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, theo kịp những thay đổi của xã hội nói chung và đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trong giai đoạn phát triển mới. UBND TP Đà Nẵng tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản trị hệ thống thực hiện CSXH, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong việc thực hiện; chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình về thực hiện chính sách xã hội, khắc phục các hạn chế, các vấn đề nóng, bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân; thực hiện đồng bộ các CSXH; thường xuyên rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội hiện có trên cơ sở kế thừa, phát triển theo hướng: xây dựng và thực hiện chính sách xã hội bao trùm, toàn diện, bền vững; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân, nhất là đối tượng người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế. “Chúng ta phải luôn xác định việc thực hiện CSXH là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, từ đó quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt. Đề nghị UBND TP nghiên cứu, tham mưu Ban cán sự Đảng UBND TP đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy các chương trình mới tương tự như các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an”, báo cáo trong năm 2022 để bắt đầu triển khai từ năm 2023, gắn với triển khai văn bản mới của T.Ư về CSXH. HĐND TP quan tâm công tác giám sát việc triển khai các CSXH trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu các CSXH đảm bảo tính toàn diện, bao trùm, phù hợp và kịp thời đối với các đối tượng CSXH. UBMTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức hội xã hội cần thể hiện hơn nữa vai trò của mình trong việc đồng hành cùng TP trong triển khai công tác an sinh xã hội (ASXH); phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đẩy mạnh các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc, giúp đỡ người có công và các đối tượng yếu thế”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết Lưu ý.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, công tác bảo đảm ASXH ở Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó, hệ thống ASXH ngày càng đồng bộ và hoàn thiện, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng hệ thống chính sách đặc thù, diện bao phủ không ngừng được mở rộng, mức hỗ trợ ngày càng tăng, hoạt động hỗ trợ chú trọng tính toàn diện, bền vững.
Đáng chú ý, trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hàng năm ngân sách TP chi trên 356 tỷ đồng cho hơn 18.400 lượt đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; chi gần 30 tỷ đồng tặng quà cho gần 50.000 lượt đối tượng, gia đình chính sách vào dịp lễ, Tết. Đến nay, không còn hộ người có công với cách mạng ở nhà tạm, nhà dột nát, 100% hộ gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so với dân cư nơi cư trú; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được nhận phụng dưỡng hàng tháng với mức 1 triệu đồng trở lên.
Lĩnh vực việc làm, bình quân mỗi năm TP giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3,2% ở cuối năm 2020. Trong chính sách giảm nghèo, TP ban hành các Đề án giảm nghèo theo từng giai đoạn với chuẩn nghèo riêng của TP, qua đó giúp đỡ cho 57.906 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm từ 2% trở lên. Lĩnh vực giáo dục, TP đầu tư quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp học đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; hiện toàn thành phố có 119 trường đạt chuẩn; phát triển, mở rộng mô hình trường bán trú, nhà trẻ trong khu công nghiệp và vùng nông thôn.
Với mạng lưới y tế, Đà Nẵng hiện có 3 bệnh viện hạng I, 15 bệnh viện hạng II, không có bệnh viện hạng III; 100% xã, phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. TP đã triển khai nhiều Đề án thực hiện chương trình phát triển nhà ở, tập trung khai thác có hiệu quả nguồn lực về đất đai. Giai đoạn 2012-2021, đầu tư hoàn thành 19 dự án chung cư với 7.590 căn hộ và 3 dự án ký túc xá sinh viên tập trung với 1.874 phòng; kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách với 8 dự án, tổng cộng 7.531 căn hộ chung cư nhà ở xã hội…
Bà Yến cho biết, TP cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu cho giai đoạn 2021-2030, trong đó: Đến cuối năm 2030, đạt 100% hộ người có công có mức sống khá trở lên; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 34.000 - 35.000 lao động; đến cuối năm 2025 hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 3%, tỷ lệ việc làm tăng thêm bình quân 4,5 - 5 %/năm; có ít nhất 65% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội. Đến năm 2030, thành phố nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt trên 31m2/người; tăng tỷ lệ nhà kiên cố lên trên 60%, xây mới lại trên 1.100 căn nhà thiếu kiên cố, tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án nhà ở đạt trên 70%...
Công Hạnh