"Chảo lửa" Trung Đông lan rộng và những hệ lụy khó lường
Những con số kinh hoàng
Cuộc chiến ở Gaza bắt đầu khi các tay súng Hamas tấn công miền Nam Israel vào ngày 7-10-2023, giết chết 1.200 người và bắt giữ khoảng 250 người làm con tin. Tròn một năm ngày Hamas tấn công Israel và khơi mào cuộc chiến ở Dải Gaza, quân đội Israel đã công bố số lượng mục tiêu Hamas đã bị tấn công.
Theo Reuters, trong năm vừa qua tại Dải Gaza, Israel đã ném bom hơn 40.000 mục tiêu, tìm thấy 4.700 lối vào đường hầm và phá hủy 1.000 vị trí phóng rocket. Theo số liệu của quân đội Israel, đã có 726 binh sĩ Israel thiệt mạng kể từ ngày 7-10-2023. Trong đó, 380 người chết trong các cuộc tấn công vào ngày đó và 346 người chết kể từ khi các trận chiến ở Gaza bắt đầu. Trong một năm qua, số binh sĩ Israel bị thương lên tới 4.576. Có 56 binh sĩ chết do các tai nạn liên quan chiến dịch tấn công Hamas, nhưng quân đội nước này không nói cụ thể về các tai nạn này. Quân đội Israel cho biết đã huy động 300.000 quân dự bị kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, trong đó 82% là nam và 18% là nữ, gần một nửa thuộc độ tuổi từ 20 đến 29.
Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, Hamas đã bắn 13.200 rocket từ Gaza vào Israel. Hezbollah ở Lebanon đã phóng 12.400 rocket vào Israel. Ngoài ra, Israel còn hứng 60 rocket từ Syria, 180 từ Yemen và 400 từ Iran. Quân đội Israel cho biết họ đã tiêu diệt trên 800 tay súng ở Lebanon, không kích 4.900 mục tiêu và tấn công khoảng 6.000 mục tiêu dưới mặt đất. Trong năm qua, Israel đã bắt giữ hơn 5.000 nghi phạm ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan. Quân đội Israel cũng đã tiêu diệt 8 chỉ huy lữ đoàn của các nhóm vũ trang ở Gaza, khoảng 30 chỉ huy tiểu đoàn và 165 chỉ huy đại đội trong năm qua.
Trong khi đó, Dữ liệu của Cơ quan Y tế tại Gaza cho thấy ít nhất 41.870 người Palestine, phần lớn là dân thường, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.
Israel tuyên bố đánh bại Hamas
Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi tuyên bố hôm 6-10 rằng, Tel Aviv đã đánh bại cánh quân sự của Hamas sau một năm nổ ra chiến sự giữa 2 bên. Theo ông, các binh sĩ Israel ở miền bắc Gaza vẫn tiếp tục tác chiến nhằm chống lại các nỗ lực trỗi dậy của Hamas. "Một năm đã trôi qua, và chúng ta đã đánh bại cánh quân sự của Hamas... Chúng ta đã giáng một đòn nghiêm trọng vào Hezbollah, lực lượng đã mất toàn bộ lãnh đạo cấp cao. Chúng ta sẽ không dừng lại", Trung tướng Halevi phát biểu trước quân đội nhân sự kiện 1 năm Hamas tấn công vào các khu vực do Israel kiểm soát.
Vào tháng 9, ông Yoav Gallant, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, nói rằng Hamas đã "không còn tồn tại" như một lực lượng quân sự có tổ chức. Ông Halevi tuyên bố Israel đang tiến hành một cuộc chiến kéo dài và thề sẽ xóa sổ những bên tấn công Israel, ở cả Gaza và Lebanon. "Đây là một cuộc chiến dài, không chỉ được đo bằng năng lực mà còn bằng ý chí và sự kiên trì theo thời gian. Đây là cuộc chiến giành quyền được làm người dân tự do trên đất nước của chúng ta", ông tuyên bố.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 6-10 cam kết rằng Tel Aviv sẽ giành chiến thắng khi giao tranh với các lực lượng ở cả Dải Gaza và Lebanon. "Một năm trước, chúng ta đã phải chịu một đòn tấn công khủng khiếp. Trong 12 tháng qua, chúng ta đã hoàn toàn thay đổi thực tế", ông Netanyahu phát biểu trong chuyến thăm biên giới Lebanon.
Về phần mình, trong thông điệp video nhân một năm xung đột nổ ra tại Gaza, phong trào Hamas nêu rõ sự kiện đã chứng minh cho thế giới về năng lực của họ. Thành viên phong trào Hamas tại Qatar, ông Khalil al-Hayya nhấn mạnh tất cả người dân Palestine, đặc biệt là tại Gaza, đang "viết nên một trang sử mới".
Vòng xoáy leo thang nguy hiểm
Không chỉ ở Gaza, từ cuối tháng 9 và những ngày đầu tháng 10 năm nay, Israel đã thực hiện các cuộc tấn công quyết liệt vào các vị trí của Hezbollah tại Lebanon, giết chết thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cùng với nhiều chỉ huy cấp cao của phong trào này. Đồng thời, Israel còn nhắm mục tiêu vào các căn cứ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tại Lebanon và Syria, cùng với các vị trí do nhóm Houthi kiểm soát ở Yemen. Những hành động này giúp Israel củng cố sức mạnh răn đe, tạo ra lợi thế tạm thời trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, tình hình biến động nhanh chóng khi Iran đã trả đũa bằng cách phóng 200 tên lửa đạn đạo vào Israel tối 1-10 vừa qua. Động thái này khiến Israel gặp khó khăn trong việc phòng thủ, với một số tên lửa đã trúng các mục tiêu quan trọng của Israel. Các hệ thống phòng không của Israel không thể vô hiệu hóa tất cả các tên lửa, bằng chứng là các hình ảnh thu được, chứng minh rằng Iran có thể xâm nhập vào các cơ sở quân sự và dân sự quan trọng của Israel nếu họ muốn.
Cuộc chiến không chỉ dừng lại ở Gaza hay Lebanon, mà đã lan rộng khu vực. Israel đã ném bom cảng Hodeidah của Yemen và tiếp tục các cuộc tấn công vào các lực lượng thân Iran tại Syria. Israel cũng tỏ ra quyết liệt hơn khi tiến hành một cuộc tấn công "có hạn chế" trên bộ vào miền Nam Lebanon nhằm tạo ra một vùng đệm an ninh. IDF ngày 1-10 tuyên bố họ đã giết chết 440 thành viên phong trào Hezbollah, trong đó có 30 chỉ huy cấp cao kể từ khi bắt đầu chiến dịch trên bộ vào Lebanon hồi đầu tháng này.
Có thể trở thành cơn ác mộng chết chóc
Trong bối cảnh các cuộc giao tranh ở Trung Đông liên tục leo thang, giới chuyên gia nhận định rằng khu vực này đang trên bờ vực của một cuộc xung đột rộng lớn hơn và rất nguy hiểm.
Động thái tiếp theo trong cuộc chiến chết chóc này có thể sẽ là phản ứng mạnh mẽ của Israel đối với cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào tuần này. Mặc dù cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran hôm 1-10 không gây thương vong hàng loạt, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Israel vẫn cam kết sẽ khiến Iran phải "trả giá".
Một số chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực ở Trung Đông đang gia tăng nhanh chóng. Trong một tuyên bố do bộ tham mưu lực lượng vũ trang Iran đưa ra ngày 2-10, Iran đã cảnh báo rằng nếu Israel và Mỹ trả đũa, "các trung tâm và lợi ích của họ trong khu vực cũng sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công mạnh mẽ".
Mọi sự tập trung đang đổ dồn vào đòn trả đũa sắp tới của Israel đối với Iran. Nếu Israel tiến hành các cuộc tấn công trên không, phản ứng của Iran sẽ rất lớn. Hezbollah chắc chắn sẽ được lệnh phóng càng nhiều tên lửa đất đối đất càng tốt. Nếu các tên lửa được bắn về phía Tel Aviv, Haifa, các cơ sở quân sự, cơ quan tình báo Israel (Mossad) và các trung tâm chính trị ở Jerusalem, thì thiệt hại và thương vong của dân thường sẽ rất lớn - ngay cả khi Israel sở hữu các hệ thống phòng không đáng gờm.
Hồi tháng 4, khi Iran lần đầu tấn công Israel, phản ứng của Israel chỉ mang tính biểu tượng. Lần này, phản ứng của Israel chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn. Thủ tướng Netanyahu từ lâu đã mong muốn có cơ hội tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran và giờ đây, ông có thể đạt được mong muốn của mình. Iran từng tuyên bố các cơ sở hạt nhân là "lằn ranh đỏ", có thể kích hoạt xung đột toàn diện nếu Israel tấn công. Do vậy, thay vì tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, Israel có thể tìm cách tấn công các trụ cột quân sự của chính quyền Iran, chẳng hạn Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Điều này có thể báo trước sự khởi đầu của một chiến dịch quân sự phối hợp của Israel nhằm sử dụng các cuộc tấn công quân sự để làm suy yếu Iran.
Một cuộc chiến giữa Israel và Iran liệu có xảy ra hay không vẫn còn là dấu hỏi, phụ thuộc vào viễn cảnh Israel sẽ đáp trả Iran như thế nào những ngày tới đây. Dù kịch bản nào xảy ra, vài ngày tới được dự đoán sẽ là thời điểm quan trọng đối với cục diện Trung Đông. Các sự kiện gần đây đang đẩy khu vực đến một kết cục nguy hiểm, khi những bên chủ chốt nhanh chóng leo thang căng thẳng và không còn nhiều chỗ cho các động thái ngoại giao.
Ông James Stavridis - chuyên gia bình luận của hãng tin Bloomberg, đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu- nhấn mạnh Trung Đông đang đứng trên bờ vực nguy hiểm. Ông Richard Haass, cựu chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nhận định khu vực cũng đồng tình với nhận định trên. Ông nói rằng Trung Đông đang trải qua "bước ngoặt". Trong khi đó, ông Thomas L. Friedman, nhà bình luận của tờ New York Times thì tỏ ra lo ngại hơn. Ông cho rằng: "Đây là thời điểm báo động đỏ".
Việc xung đột lan rộng ra ngoài Dải Gaza đã cho thấy sự thất bại của các nỗ lực ngoại giao trước đó và sự thiếu vắng một chiến lược rõ ràng để giải quyết căn nguyên của cuộc xung đột. Với mỗi ngày xung đột tiếp diễn kèm theo sự hận thù tăng lên, khả năng đạt được một giải pháp hòa bình lâu dài ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Và nếu không kịp thời ngăn chặn sự leo thang xung đột hiện nay, không chỉ khu vực Trung Đông mà toàn thế giới cũng sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn về mọi mặt, trong đó an ninh toàn cầu có thể bị đe dọa; bất ổn về kinh tế tăng lên, khủng hoảng năng lượng sâu sắc hơn; và khủng hoảng nhân đạo sẽ trầm trọng thêm với chu kỳ mới của làn sóng tị nạn lên các nước láng giềng và châu Âu.
AN BÌNH