Iran gửi thông điệp "cứng rắn" tới Mỹ
Iran đã gửi một thông điệp tới Mỹ rằng Tehran sẽ không còn đơn phương kiềm chế trong vấn đề Israel.
Theo hãng tin Al Jazeera, một nguồn tin Iran cho biết Tehran đã gửi một thông điệp tới Mỹ thông qua Qatar rằng nước này sẽ chấm dứt "giai đoạn tự kiềm chế đơn phương" do điều đó không bảo vệ được lợi ích an ninh quốc gia của Tehran. Theo nguồn tin, Tehran không muốn xảy ra chiến tranh khu vực nhưng bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran cũng sẽ phải đối mặt với "đòn đáp trả phi truyền thống", bao gồm việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng của Israel.
Trong khi đó, phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo các nước khác nếu họ hỗ trợ bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel vào Iran. "Phản ứng của chúng tôi sẽ chỉ nhắm vào bên tấn công. Nếu bất kỳ quốc gia nào hỗ trợ bên tấn công, quốc gia đó cũng sẽ bị coi là đồng phạm và là mục tiêu hợp pháp. Chúng tôi khuyên các nước không nên vướng vào cuộc xung đột giữa Israel và Iran và tránh xa cuộc xung đột", phái đoàn cho biết.
Thông điệp của Iran được đưa ra khi Israel dọa sẽ có "phản ứng cứng rắn" đối với cuộc tấn công bằng khoảng 200 tên lửa của Iran hôm 1-10. Tuyên bố rằng cuộc tấn công này là một động thái đáp trả vụ giết hại thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hezbollah Hassan Nasrallah, thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh và chỉ huy cấp cao Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) Abbas Nilforoushan.
Amir Saied Iravani, đặc phái viên của Tehran tại Liên hợp quốc, nói với Hội đồng Bảo an rằng cuộc tấn công ngày 1-10 là để tự vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc và Iran đã "chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các biện pháp phòng thủ tiếp theo nếu cần thiết". Ngày 2-10, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cáo buộc Israel muốn "gây bất ổn và gieo rắc khủng hoảng trong khu vực". Nhà lãnh đạo Iran khẳng định bất kỳ loại tấn công quân sự, hành động khủng bố hoặc vượt qua ranh giới đỏ nào sẽ gặp phải phản ứng quyết liệt từ các lực lượng vũ trang của Iran. Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cam kết Iran sẽ phải trả giá đắt sau các cuộc tấn công.
Mỹ - Israel thảo luận tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ, Mỹ và Israel đang thảo luận phương án tấn công các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran để đáp trả vụ tấn công hôm 1-10. "Chúng tôi đang thảo luận... Song trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh, không phải chúng tôi cho phép Israel tấn công mà chỉ là cố vấn cho Israel... Hôm nay sẽ chưa có chuyện gì xảy ra đâu", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ngày 3-10.
Trước đó, chủ nhân Nhà Trắng cho biết, ông không ủng hộ Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân Iran để đáp trả cuộc tấn công tên lửa của Tehran. "Chúng tôi sẽ thảo luận với đối tác Israel về những gì họ sẽ làm. Tất cả thành viên nhóm G7 đều đồng tình rằng họ có quyền đáp trả nhưng nên hành động tương xứng", ông nói. Một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, giới chức nước này tin rằng Israel chưa đi đến quyết định cuối cùng về biện pháp đáp trả Iran.
Về phía Israel, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Danny Danon tuyên bố nước này có rất nhiều lựa chọn đáp trả vụ tấn công của Iran bằng tên lửa nhằm vào nước này. Trao đổi với kênh truyền hình CNN, ông Danon chia sẻ: "Chúng tôi có rất nhiều lựa chọn. Vì vậy, chúng tôi có thể tùy ý quyết định thời gian và địa điểm tấn công". Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước đó tuyên bố Iran sẽ phải trả giá cho sai lầm của mình, trong khi Washington khẳng định sẽ phối hợp với đồng minh Israel để đảm bảo Iran phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng.
Iran triệu Đại sứ của Đức và Áo
Hãng thông tấn chính thức IRNA đưa tin ngày 3-10, Iran đã triệu Đại sứ của Đức và Áo, sau khi chính phủ hai nước này phản đối cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào Israel.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei đã lên tiếng phản đối lập trường của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đối với cuộc tấn công này và việc nhóm kêu gọi tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Ông Baghaei nhấn mạnh cuộc tấn công là phản ứng phù hợp đối với các hành động quân sự của Israel.
Israel không kích dữ dội phía nam Beirut
Ngày 3-10, quân đội Israel đã tiến hành một loạt đợt không kích dữ dội vào vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut của Lebanon, gây ra những đám cháy lớn ngăn cản các đội phòng vệ dân sự tiếp cận khu vực. Kênh truyền hình al-Jadeed của Lebanon đánh giá những đợt tấn công mới của Israel thậm chí còn dữ dội hơn các vụ không kích trước đó từng khiến một chỉ huy cấp cao của lực lượng Hezbollah là Sayyed Hassan Nasrallah thiệt mạng.
Cũng trong ngày 3-10, một nguồn tin thân cận với Hezbollah ghi nhận Israel đã tiến hành 11 đợt không kích liên tiếp vào thành trì phía Nam Beirut của lực lượng này. Những cuộc oanh kích dữ dội đến mức còi báo động ô- tô tự kêu, trong khi các tòa nhà ở Beirut và vùng ngoại ô bị rung chuyển. Bộ Y tế Lebanon cùng ngày cho biết 37 người đã thiệt mạng và 151 người bị thương trong những đợt không kích của Israel vào Lebanon trong 24 giờ qua.
Cùng ngày, Quân đội Lebanon cho biết đã bắn trả lực lượng Israel sau khi một binh sĩ chết trong một cuộc tấn công của Israel, đánh dấu lần đầu tiên quân đội Lebanon tham gia vào cuộc chiến với Israel.
Ngoại trưởng Iran đến Lebanon
Máy bay chở Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi được cho là đã hạ cánh xuống thủ đô Beirut giữa lúc chiến sự giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon căng thẳng. "Một máy bay chở Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi vừa hạ cánh xuống sân bay quốc tế Rafik Hariri ở thủ đô Beirut", truyền thông Lebanon cho biết ngày 4-10.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Iran đến Lebanon kể từ khi Israel không kích thủ đô Beirut khiến thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng tuần trước. Ngoại trưởng Araghchi sẽ hội đàm với Thủ tướng Lebanon Najib Mikati và Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri.
AN BÌNH
IMF cảnh báo nguy cơ lớn đối với kinh tế toàn cầu Ngày 3-10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông có thể gây ra những hệ quả kinh tế đáng kể đối với cả khu vực và toàn cầu. Theo người phát ngôn IMF, bà Julie Kozack, xung đột tác động đến kinh tế toàn cầu chủ yếu thể hiện ở việc giá hàng hóa tăng, bao gồm cả dầu và ngũ cốc, cùng với chi phí vận chuyển tăng cao. Dù hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán những tác động cụ thể đối với kinh tế thế giới, bà lưu ý các nền kinh tế trong khu vực đã chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là ở Gaza. Theo ước tính của IMF, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Gaza đã giảm 86%, trong khi GDP của Bờ Tây khả năng giảm 25% trong nửa đầu năm 2024 và nguy cơ suy thoái tiếp tục gia tăng. Israel chứng kiến GDP giảm khoảng 20% trong quý IV/2023 sau khi xung đột bùng phát và chỉ mới phục hồi một phần nhỏ trong nửa đầu năm nay. Bà Kozack cho biết IMF đang theo dõi sát sao tình hình tại miền Nam Lebanon. Tại Lebanon, xung đột leo thang gần đây đã làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế và xã hội vốn đã mong manh. Xung đột gây thương vong nghiêm trọng và làm hư hại cơ sở hạ tầng vật chất của nước này. |
Dòng sự kiện:Chiến sự Israel - Hamas
Israel bắt giữ 3 nghi phạm tấn công dinh thự thủ tướng
6 binh sĩ Israel tử trận trong cuộc đụng độ với lực lượng Hezbollah
Israel lần đầu thừa nhận việc kích nổ hàng loạt máy nhắn tin của Hezbollah
Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza
Thủ tướng Israel lần đầu lên tiếng về vụ nổ loạt máy nhắn tin ở Lebanon