Cuộc chiến đa mặt trận của Israel
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, gần 1 năm sau cuộc tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas vào Israel, nước này hiện đang chiến đấu chống lại kẻ thù trên 7 mặt trận.
Israel đang tự bảo vệ mình trên 7 mặt trận chống lại kẻ thù", ông Netanyahu cho biết trong một tuyên bố hôm 5-10. Thủ tướng Israel nói rằng, những kẻ thù đó bao gồm lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở phía Bắc, Hamas ở Dải Gaza, Houthi ở Yemen, "những phần tử khủng bố" ở Bờ Tây và lực lượng dân quân Shiite ở Iraq và Syria. "Và chúng ta đang chiến đấu chống lại Iran, quốc gia đã bắn hơn 200 tên lửa đạn đạo trực tiếp vào Israel và là nước đứng sau cuộc chiến trên 7 mặt trận chống lại Israel", ông Netanayhu cho biết.
Thủ tướng Israel khẳng định rằng nước này có quyền đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran trong tuần này. "Israel có nghĩa vụ, quyền tự vệ và phản ứng lại các cuộc tấn công này. Đó là những gì chúng tôi sẽ làm", ông Netanyahu nói. Nhà lãnh đạo Israel cũng cho biết ông đang giữ lời hứa thay đổi cán cân quyền lực ở phía Bắc giữa Israel và Lebanon, nơi Hezbollah được Iran hậu thuẫn đã tấn công Israel bằng tên lửa, rocket và máy bay không người lái (UAV) kể từ ngày 8-10 năm ngoái. Đề cập đến Dải Gaza, ông Netanayhu cho biết Israel có quyền tự vệ và sẽ không quên 101 con tin "mà chúng tôi cam kết sẽ đưa họ về nhà bằng mọi sức mạnh của mình".
Tấn công bộ binh vào Gaza, không kích dữ dội Lebanon
Sáng sớm 6-10, quân đội Israel mở lại chiến dịch tấn công bộ binh vào dải Gaza. Thông báo của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, chiến dịch trên bộ tại Gaza được mở lại đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6-10 tại khu vực Jabaliya phía Bắc vùng đất này. Chiến dịch được tiến hành sau khi IDF nhận được thông tin tình báo nói rằng các tay súng của Phong trào Hamas xuất hiện tại đây. Trước khi mở chiến dịch bộ binh vào Jabaliya, không quân và pháo binh Israel tiến hành nhiều cuộc bắn phá ác liệt vào các mục tiêu của Hamas ở khu vực này, trong đó có các kho chứa vũ khí, đường hầm và một số cấu trúc quân sự. Theo IDF, hiện tại, hai lữ đoàn 401 và 460 của Sư đoàn 162 vẫn đang bao vây và truy kích các tay súng Hamas tại Jabaliya. Sư đoàn 162 trước đó đã có trong 5 tháng tác chiến tại khu vực hành lang Philadelphi và cửa khẩu Rafah ở phía Nam Gaza.
Quân đội Israel cũng tiếp tục tấn công vào ngoại ô phía Nam của thủ đô Beirut, của Lebanon, trong khi đó ở miền nam Lebanon, lực lượng Hezbollah tiếp tục đụng độ khốc liệt với quân đội của Israel. Hãng thông tấn quốc gia NNA đưa tin trong đêm mùng 5 và rạng sáng 6-10 theo giờ địa phương, Israel đã tiến hành 5 đợt oach kích vào miền Nam thủ đô Beirut và vùng ngoại ô, trong đó có 4 đợt quy mô "rất dữ dội". Truyền thông phương Tây cũng đưa tin về các vụ nổ và khói bốc lên từ các địa điểm bị tấn công.
Trước đó, quân đội Israel đã đưa ra thông báo mới yêu cầu người dân sơ tán ngay lập tức khỏi các khu vực trên, rời khỏi những tòa nhà được nêu trong thông báo và những tòa nhà liền kề để di chuyển đến những nơi tránh trú cách đó ít nhất 500 m. Thông báo trên ứng dụng Telegram, quân đội Israel cho rằng các vị trí mục tiêu trong hoạt động quân sự này thuộc về lực lượng Hezbollah. Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 5-10 thông báo quân đội nước này đã phá hủy số lượng lớn tên lửa và rocket của Hezbollah, đồng thời đang phá hệ thống đường hầm của Hezbollah ở gần biên giới.
Thủ lĩnh tương lai của Hezbollah "mất tích"
Reuters dẫn các nguồn tin an ninh Lebanon ngày 5-10 cho biết, ông Hashem Safieddine, người kế nhiệm tiềm năng của ông Nasrallah, đã mất liên lạc từ hôm 4-10 sau một cuộc không kích của Israel gần sân bay quốc tế của thành phố. Nguồn tin nói rằng, Israel đã sử dụng bom 73 tấn để nhắm vào một boongke, nơi các lãnh đạo cấp cao của Hezbollah nhóm họp. Người đứng đầu cơ quan tình báo của Hamas được cho là cũng có mặt tại cuộc họp này. Hezbollah hôm 5-10 đã đưa ra một tuyên bố khá mập mờ, không phủ nhận hay xác nhận tình trạng hiện nay của ông Safieddine. "Không nguồn tin hay cơ quan nào của Hezbollah đưa ra tuyên bố chính thức như vậy", Hezbollah ra thông cáo.
Nhiều nước sơ tán công dân khỏi Lebanon
Ngày 5-10, Australia bắt đầu chiến dịch quy mô lớn nhằm sơ tán công dân khỏi Lebanon trong bối cảnh xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah tiếp tục leo thang căng thẳng. Khoảng 229 người đã đến CH Cyprus - đảo quốc nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, cách Beirut 40 phút di chuyển bằng máy bay - trên chuyến bay thương mại do Australia thuê riêng. Chuyến bay thứ 2 dự kiến khởi hành cùng ngày. Giới chức Australia và CH Cyprus cho biết có thể sẽ có thêm nhiều chuyến bay sơ tán khác, tùy theo nhu cầu thực tế.
Không chỉ Australia, nhiều quốc gia khác cũng đã sử dụng các trung tâm trung chuyển gần Lebanon như CH Cyprus để hỗ trợ sơ tán công dân rời khỏi vùng chiến sự. Trong tuần qua, Cyprus đã hỗ trợ sơ tán công dân Trung Quốc, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Slovakia. Anh và Mỹ cũng đã điều động nhân sự đến CH Cyprus để sẵn sàng hỗ trợ sơ tán trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, công dân của nhiều nước châu Âu cũng được sơ tán theo các ngả khác để rời khỏi Lebanon. Chuyến bay thứ hai của Hà Lan đã hạ cánh xuống sân bay ở thành phố Eindhoven, phía Đông Nam nước này, vào tối 5-10 theo giờ địa phương, đưa 170 người từ Lebanon về Hà Lan an toàn. Trong số này có hơn 100 người là công dân Hà Lan, số còn lại là công dân Bỉ, Pháp, Áo và Tây Ban Nha. Trong chuyến bay đầu tiên tối 4-10, Hà Lan đưa hơn 100 công dân trở về nước. Truyền thông nước này cho biết hiện chưa có lịch trình cho chuyến bay tiếp theo.
Biểu tình khắp thế giới kêu gọi ngừng bắn
Ngày 5-10, hàng chục nghìn người biểu tình đã xuống đường ở một số thành phố lớn trên khắp thế giới để yêu cầu chấm dứt đổ máu ở Gaza, khi cuộc xung đột ở vùng đất Palestine này diễn ra gần tròn một năm và lan rộng ra toàn khu vực.
Khoảng 40.000 người biểu tình ủng hộ Palestine đã tuần hành qua trung tâm London (Anh) trong khi hàng nghìn người khác cũng tập trung ở Paris (Pháp), Rome (Italy), Berlin (Đức) và Manila (Philippines). Tại London, những người ủng hộ Israel vẫy cờ khi những người biểu tình ủng hộ Palestine đi ngang qua. Theo cảnh sát, có 15 vụ bắt giữ trong cuộc biểu tình. Tại Rome, cảnh sát đã sử dụng hơi cay và vòi rồng sau khi các cuộc đụng độ nổ ra. Khoảng 6.000 người biểu tình đã bất chấp lệnh cấm diễu hành ở trung tâm thành phố trước dịp đánh dấu một năm ngày lực lượng Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel. Tại Berlin, sự kiện thu hút khoảng 1.000 người biểu tình, họ mang theo cờ Palestine và hô vang các khẩu hiệu. Người biểu tình cũng chỉ trích những gì họ cho là bạo lực của cảnh sát đối với những người biểu tình ủng hộ Palestine ở Đức. Trong khi đó, những người ủng hộ Israel ở Berlin đã phản đối tình trạng bài Do Thái gia tăng và đã xảy ra xô xát giữa cảnh sát và những người phản đối ủng hộ Palestine. Tại Manila, các nhà hoạt động đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động Philippines, sau khi những người này bị ngăn cản tổ chức biểu tình trước đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Philippines để phản đối việc Washington cung cấp vũ khí cho Israel.
Kêu gọi chấm dứt bạo lực
Ngày 5-10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết 88 thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), bao gồm Pháp và Canada, kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức và lâu dài" ở Lebanon. Phát biểu với báo giới khi kết thúc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ, ông Macron nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhất trí bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài, đồng thời khẳng định cam kết nỗ lực giảm căng thẳng trong khu vực". Tổng thống Macron cũng cho biết Pháp sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế ngay trong tháng 10 này để kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ cho Lebanon và hỗ trợ lực lượng vũ trang của nước này tăng cường an ninh ở khu vực phía Nam đất nước. Tổng thống Macron nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là tránh leo thang căng thẳng ở Lebanon để không có một "Gaza thứ hai". Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Pháp cũng bày tỏ "lấy làm tiếc" khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không nghe theo lời kêu gọi ngừng bắn từ Paris và Washington.
Ngày 5-10, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức "tình trạng bạo lực và đổ máu" ở vùng lãnh thổ Gaza của Palestine và Lebanon. Ông Guterres tuyên bố: "Đã đến lúc phải im tiếng súng và chấm dứt nỗi thống khổ đang nhấn chìm khu vực này. Đã đến lúc vì hòa bình, luật pháp quốc tế và công lý".
AN BÌNH