Báo Công An Đà Nẵng

Cơn ác mộng nếu Mỹ vỡ nợ

Thứ ba, 16/05/2023 09:33

“Chưa đạt đến điểm đột phá”

Lịch đàm phán nâng trần nợ công giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ và Cộng hòa dự kiến diễn ra ngày 12-5 đã bị hoãn lại sang tuần sau. Điều này cho thấy phần nào những khác biệt về trần nợ công tại Mỹ chưa được thu hẹp.

Dù lịch gặp giữa Tổng thống Mỹ và các nghị sĩ hàng đầu trong Quốc hội bị hoãn lại, song các cuộc đàm phán kỹ thuật vẫn diễn ra một cách khẩn trương. Tổng thống Joe Biden từ chối trả lời câu hỏi khi nào cuộc họp tiếp theo về vấn đề trần nợ công sẽ diễn ra, cho biết bước ngoặt trong các cuộc thảo luận này vẫn chưa đến. “Chúng tôi vẫn chưa đạt đến điểm đột phá”, ông Biden nhấn mạnh.

Nợ công của Mỹ đã chạm trần vào tháng 1-2023 với khoản nợ lên tới 31.400 tỷ USD. Bộ Tài chính Mỹ tại thời điểm đó đã phải thực hiện “các biện pháp đặc biệt” nhằm đảm bảo chính quyền liên bang có thể duy trì việc chi trả các hoạt động của chính phủ. Trong tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hối thúc Quốc hội nước này nâng trần nợ liên bang hiện ở mức 31.400 tỷ USD, qua đó ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ đe dọa nền kinh tế toàn cầu cũng như làm lung lay vị thế của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Tổng thống Biden muốn nâng trần nợ vô điều kiện, trong khi đảng Cộng hòa tuyên bố việc nâng trần nợ từ mức 31.400 tỷ USD hiện nay cần đi kèm với việc cắt giảm mạnh chi tiêu.

Nếu Mỹ vỡ nợ...

Trong nhiều tuần, các nhà hoạch định chính sách, các quan chức ngân hàng Mỹ và Nhà Trắng đã cảnh báo nguy cơ vỡ nợ, với những tác động lớn như nền kinh tế suy thoái và những ảnh hưởng về tài chính trên toàn cầu. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ngày 12-5 dự báo Mỹ sẽ vỡ nợ vào ngày 15-6 tới nếu các nghị sỹ không đạt thỏa thuận với Tổng thống Biden về việc nâng trần nợ.

Chính phủ Mỹ ngày 14-5 một lần nữa cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế nếu nước này vỡ nợ. Nếu vỡ nợ, Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, từ việc trì hoãn thanh toán cho người hưởng phúc lợi an sinh xã hội, các nhà cung cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe cho đến vỡ nợ đối với các khoản nợ của chính phủ. Dù như thế nào, các nhà phân tích tin rằng một cuộc khủng hoảng chính trị, tài chính và kinh tế sẽ là điều khó tránh khỏi.

Tờ Financial Times cho rằng ngay cả một vụ vỡ nợ được khắc phục nhanh chóng cũng có thể dẫn đến sự sụt giảm mạnh về tăng trưởng. Các nhà kinh tế của tổ chức đánh giá tín dụng Moody's cảnh báo 2 triệu việc làm có thể bị mất đi trong kịch bản như vậy. Còn các nhà kinh tế tại Viện Brookings - viện nghiên cứu chính sách của Washington, cảnh báo trong một báo cáo gần đây rằng sự bế tắc dù ngắn hạn cũng dẫn đến "thiệt hại lâu dài".

Mỹ vỡ nợ sẽ là thảm họa không chỉ với Mỹ và còn gây suy thoái kinh tế toàn cầu. Phát biểu tại một cuộc họp báo trước hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 tại Nhật Bản hôm 11-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, Mỹ vỡ nợ tài chính sẽ dẫn đến những câu hỏi lớn về sự lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Washington. “Vỡ nợ cũng sẽ có nguy cơ làm suy yếu vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ và đặt ra câu hỏi về khả năng bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi. Vỡ nợ thực sự là không thể tưởng tượng được. Nước Mỹ không bao giờ nên vỡ nợ, bởi nó sẽ được xếp hạng là một thảm họa", Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói.

Tin tưởng sẽ đạt thỏa thuận

Ngày 14-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông vẫn “lạc quan” tìm kiếm thỏa thuận về vấn đề trần nợ công với đảng Cộng hòa, qua đó ngăn chặn khủng hoảng nợ công và nhiều hệ lụy đến kinh tế trong nước cũng như toàn cầu. Trả lời các phóng viên bên ngoài tư dinh tại Delaware, Tổng thống Biden tin tưởng cuối cùng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận. Ông cho rằng cả ông và đảng Cộng hòa đều mong muốn đi đến một thỏa thuận chung.

Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo, cho biết thêm các cuộc đàm phán "mang tính xây dựng" về nợ công đang diễn ra ở cấp chuyên viên, đồng thời bác bỏ các cáo buộc chính quyền ông Biden không muốn giải quyết khoản nợ công khổng lồ của nước Mỹ. Ông cho biết Tổng thống Mỹ đã vạch ra một kế hoạch trị giá 3.000 tỷ USD nhằm xóa nợ trong 10 năm, bao gồm lộ trình tăng thuế người giàu và nhiều doanh nghiệp.

AN BÌNH