Ông Biden và những thách thức trong cuộc tranh cử sắp tới
Trong một video, mở đầu bằng hình ảnh trong cuộc tấn công vào Đồi Capitol ngày 6-1-2021 của những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Biden cho biết, quyết định tranh cử là để bảo vệ nền dân chủ của nước Mỹ. Ông Biden mô tả các nền tảng của Đảng Cộng hòa là mối đe dọa đối với tự do của người Mỹ, tuyên bố sẽ quyết tâm chống lại các nỗ lực hạn chế chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, cắt giảm an sinh xã hội và cấm sách, đồng thời chỉ trích "những kẻ cực đoan MAGA", ám chỉ những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, người rất có thể là đối thủ Đảng Cộng hòa của ông Biden trong cuộc bầu cử tháng 11-2024.
Giải mã thời điểm thông báo
Với việc phát hành video công bố chiến dịch tái tranh cử vào ngày 25-4, ông Biden đã tiếp tục khẳng định ý định theo đuổi nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai như đã bắn tín hiệu nhiều tháng qua. Dường như ông Biden chỉ phải đối mặt với áp lực tương đối nhỏ để chính thức công bố nỗ lực tranh cử vào năm 2024. Hãng tin AP đã trích dẫn ý kiến của các nhà phân tích giải mã lý do tại sao ông Biden lại chọn công bố kế hoạch vào thời điểm này.
Quyết định thông báo chính thức tranh cử đồng nghĩa với việc Tổng thống Joe Biden bắt đầu được phép quyên góp tiền trực tiếp cho chiến dịch tranh cử của mình. Ông Biden sẽ chi quỹ vận động tranh cử để trả lương và lo các khâu hậu cần nhằm xây dựng đội ngũ nhân viên cho chiến dịch năm 2024, đồng thời tổ chức các sự kiện bên ngoài những công việc chính thức của tổng thống. Một số nhà tài trợ và nhà lập pháp Dân chủ đã bắt đầu phàn nàn về việc chậm trễ vận động trên mặt trận tái tranh cử của ông Biden. Và thông báo của ông Biden ngày 25-4 đã trấn an họ.
Một lý do khác khiến ông chủ Nhà Trắng đợi đến gần cuối tháng 4 mới chính thức thông báo tranh cử là vì ông không cần tiết lộ công khai số tiền mà chiến dịch tái tranh cử của mình đã huy động được trong quý đầu tiên của năm. Đó là thời điểm mà các nhà tài trợ thường giảm bớt số tiền đóng góp và một số khác muốn nghỉ ngơi sau một mùa bầu cử giữa kỳ bận rộn vào mùa thu năm ngoái và trước khi cuộc đua tổng thống vào năm sau bắt đầu căng thẳng.
Ngoài ra, ngày 25-4 cũng đánh dấu kỷ niệm bốn năm kể từ ngày ông Joe Biden công bố chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.
Rào cản tuổi tác
Ông Biden là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ và sẽ 86 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai nếu chiến thắng cuộc bỏ phiếu năm 2024. Ở tuổi 80, ông Biden sẽ phải vượt qua nỗi lo của cử tri Mỹ về tuổi tác của ông. Theo một cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos, hiện có tới 44% cử tri Dân chủ cho rằng ông Biden đã quá già để điều hành đất nước. Ông Trump, 76 tuổi, cũng đối mặt với những lo ngại của cử tri về tuổi tác. Cũng theo cuộc khảo sát trên, phần đông cử tri không muốn ông Trump hay ông Biden ra tranh cử lần nữa. Tỷ lệ ủng hộ ông Biden là 43%, cao hơn 5 điểm phần trăm so với mức dành cho ông Trump.
Vấn đề tuổi tác của ông Biden khiến cho nỗ lực tái tranh cử của ông trở thành một "canh bạc" đầy may rủi đối với Đảng Dân chủ, nhất là trong trường hợp ông gặp phải đối thủ là một ứng cử viên trẻ hơn nhiều từ Đảng Cộng hòa. Đảng Dân chủ hiện đang đối mặt khả năng mong manh duy trì được thế đa số ở Thượng viện trong cuộc bầu cử năm 2024, trong khi Hạ viện vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của phe Cộng hòa.
Các đảng viên Cộng hòa thường nhấn mạnh vào tuổi tác của ông Biden. Thậm chí một số đảng viên Dân chủ còn đặt câu hỏi nghi ngờ về việc liệu ông có thực hiện đúng những lời hứa từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2020 là trở thành "cầu nối" cho một thế hệ lãnh đạo mới hay không. Một ứng cử viên đảng Cộng hòa đang tranh cử tổng thống, cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, đã kêu gọi kiểm tra trí lực cho các ứng cử viên trên 75 tuổi - một động thái được cho là nhắm đến cả ông Biden và ông Trump.
Lo ngại về khủng hoảng kinh tế
Một thách thức lớn nữa mà ông Biden cần phải tìm ra được câu trả lời cho người dân Mỹ là tình hình kinh tế đất nước lúc này. Ông Biden nhậm chức vào tháng 1-2021 ngay khi các loại vaccine COVID-19 đang được tung ra và các điều kiện kinh tế dần bình thường trở lại. Hiện nước Mỹ đang tự hào vì có hơn 3,2 triệu việc làm so với mức cao nhất trước đại dịch.
Dù vậy, tình hình kinh tế hai năm sau đó liên tiếp chịu nhiều biến động từ các hệ lụy hậu đại dịch cho đến tình hình căng thẳng quốc tế, làm lạm phát tăng cao kỷ lục trong 40 năm qua, khiến một bộ phận lớn người dân Mỹ lo ngại về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế. Ngoài ra, ông Biden có thể gặp khó khăn khi đang ở giai đoạn đi xuống trong chu kỳ kinh tế sắp diễn ra vào năm 2024 - với tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên khi tăng trưởng chậm lại, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và lạm phát có khả năng tăng cao hơn mức trước đại dịch.
AN BÌNH