Báo Công An Đà Nẵng

Định vị Đà Nẵng trong tương lai thế nào?

Thứ sáu, 24/11/2023 11:02

Khẳng định vị thế trung tâm

PGS.TS Bùi Quang Bình - Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng nhận định, Quy hoạch đã cụ thể những định hướng phát triển quan trọng, tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm của Đà Nẵng. Quy hoạch đã xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, những khâu tạo đột phá như đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước; công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế; xác định đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện là nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng. "Quy hoạch đã xác định cụ thể phương hướng của từng ngành và lĩnh vực, gắn với phân bổ không gian phát triển cụ thể từng khu vực. Điều này rất quan trọng, để thấy được hình hài của thành phố trong tương lai, để biết thành phố phát triển thế nào, phát triển ở đâu… Trung ương đã vạch rõ đường hướng và tầm nhìn tương lai, Đà Nẵng đang bắt tay vào hành động để cụ thể hoá những mục tiêu ấy thành hiện thực"- ông Bình chia sẻ.

Quy hoạch chỉ rõ tập trung phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao. Theo đó kinh tế Đà Nẵng sẽ chuyển dịch ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, như công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, công nghệ nano…Để thực hiện mục tiêu đó, Đà Nẵng sẽ chuyển đổi KCN Đà Nẵng thành khu phố tài chính quốc tế An Đồn, đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1), hoàn thiện khu CNTT tập trung, Dự án Không gian đổi mới sáng tạo tại phường Hoà Xuân, Khu CNTT DanangBay…

Theo bà Lê Thanh Tùng - Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, đây là bản quy hoạch tích hợp tất cả các ngành và lĩnh vực. Khi làm quy hoạch thì tất cả các ngành cùng làm với nhau, vì vậy các vấn đề đan xen được giải quyết. Quy hoạch đã gắn với phương án phân bổ đất đai cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội… "Quy hoạch làm rõ hơn những Nghị quyết của Trung ương dành cho Đà Nẵng. Từ đó, cung cấp bức tranh tổng thể cho nhà đầu tư, doanh nghiệp về các định hướng và lĩnh vực phát triển, cũng như các dự án cụ thể. Trên cơ sở đó, cân đối về quỹ đất, bố trí sẵn quỹ đất cho các dự án. Sau khi có quy hoạch thì có cơ sở pháp lý để đồng bộ những quy hoạch khác… Quy hoạch tạo nên động lực to lớn, mở cánh cửa đến tương lai cho thành phố", bà Tùng chia sẻ.

KCN Đà Nẵng sẽ được chuyển thành khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành trung tâm kinh tế mới của thành phố.

Có mạng lưới giao thông hiện đại

Một trong những điểm nhấn trong quy hoạch là thiết kế mạng lưới giao thông thành phố trong tương lai. Theo đó, đối với mạng lưới đường đô thị thì sẽ xây dựng tuyến đường Vành đai phía Tây 1 nằm giữa đường Vành đai phía Tây và đường bộ cao tốc; xây dựng hầm chui xuyên qua sân bay kết nối phía Đông và phía Tây; bổ sung các tuyến đường mới kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam hầm Hải Vân - Túy Loan, tuyến đường từ đường Vành đai phía Tây đến cao tốc La Sơn - Túy Loan (phía sau Khu công nghệ cao), kết nối đường Nguyễn Sinh Sắc đến đường Hoàng Văn Thái nối dài, đường từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đến ga đường sắt mới; xây dựng tuyến đường Lê Duẩn kết nối với đường Đống Đa; tuyến đường Hoàng Hoa Thám thông ra đường Nguyễn Tất Thành.

Với hệ thống đường bộ kết nối khu vực được quy hoạch xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nâng cấp đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; Quốc Lộ 14B đoạn qua địa phận Đà Nẵng (dài khoảng 8 km) đạt quy mô đường trục chính đô thị 6 làn xe; xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương khác) kết nối giữa Đà Nẵng với Hội An và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Cũng theo quy hoạch này, sẽ di dời ga Đà Nẵng, xây dựng nhà ga đường sắt mới tại khu vực phía Bắc nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc thuộc khu vực xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Tái phát triển khu vực Ga Đà Nẵng hiện trạng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng chính kết hợp phát triển thương mại, dịch vụ theo định hướng phát triển TOD và CBD. Đà Nẵng cũng sẽ xây dựng Ga Trung tâm logistics đường sắt tại khu vực xã Hòa Liên, gần nút giao cắt của đường sắt quốc gia, đường bộ quốc gia và đường vành đai thành phố; quy hoạch các tuyến đường sắt chuyên dùng kết nối giữa Đường sắt quốc gia, Ga Trung tâm logistics đường sắt với Cảng biển Liên Chiểu và các đầu mối có nhu cầu thu gom, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt…

Theo Chủ tịch TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hình rõ định hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong hơn 20 năm tới và giải quyết hài hòa giữa bài toán phát triển kinh tế, đô thị với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Với quyết tâm cao nhất, thành phố sẽ nỗ lực, phấn đấu để xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.

Theo quy hoạch 16 phường của Đà Nẵng thuộc diện sắp xếp hành chính.

Theo quy hoạch tới năm 2030 Đà Nẵng sẽ có GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 8.000-8.500 USD; kinh tế số chiếm khoảng 35-40% GRDP. Đà Nẵng có 16 phường thuộc diện sắp xếp hành chính gồm Thạch Thang, Hải Châu I, Hải Châu II, Nam Dương, Phước Ninh, Bình Hiên, Bình Thuận (quận Hải Châu); Tam Thuận, Thanh Khê Đông, Xuân Hà, Tân Chính, Chính Gián, Vĩnh Trung, Thạc Gián, Hòa Khê (quận Thanh Khê); An Hải Đông (quận Sơn Trà). Trong đó phường Thạch Thang có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, nằm ở vị trí trung tâm của quận Hải Châu, tập trung nhiều cơ quan hành chính; có yếu tố lịch sử, văn hóa, có di tích quốc gia đặc biệt, thuộc trường hợp đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét không sắp xếp.

HẢI QUỲNH