Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:

Nhiều mục tiêu, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế đã phát huy tác dụng

Thứ ba, 07/11/2023 06:20
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 6-11, Quốc hội dành cả ngày để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo trước Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn.

Kiểm tra việc thực hiện các lời hứa”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên chất vấn.

“Thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các “lời hứa”, cam kết của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Việc tái giám sát, chú trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, đã chất vấn nhằm giúp Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Trong đó, nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và tiếp tục cần thời gian để hoàn thành.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa trong triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm

Trả lời chất vấn của đại biểu về tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Đất nước ta đang phát triển. Nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở lớn, sức chống chịu đối với các tác động bất lợi từ bên ngoài có hạn, đặc biệt là năng lực cạnh tranh còn rất hạn chế. Chính vì vậy, Trung ương Đảng đã có chỉ đạo phải tái cơ cấu nền kinh tế.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Căn cứ vào Nghị quyết này, Chính phủ đã có Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động. Trong đó, Chính phủ đã nêu rõ các mục tiêu, xác định cụ thể 102 nhiệm vụ, giải pháp, trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, đây là chương trình được thực hiện trong 5 năm, mới triển khai được 2 năm nên nhiều nội dung chưa hoàn thành toàn bộ. Hiện đã có 37 nhiệm vụ đã hoàn thành và đã có văn bản; 28 nhiệm vụ đang triển khai, đang hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt; 37 nhiệm vụ đang triển khai theo kế hoạch.

Sau 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chính sách đã phát huy tác dụng như: tạo dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ được sử dụng linh hoạt, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng,... Các loại thị trường (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp) tiếp tục được phát triển. Vừa qua đã khai trương thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đối với thị trường chứng khoán, hiện đang phấn đấu nâng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đồng thời, chúng ta cũng tiếp tục phát triển lực lượng doanh nghiệp theo mục tiêu đề ra; hạ tầng giao thông cũng có sự phát triển mạnh mẽ,...

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng thẳng thắn thừa nhận còn một số chỉ tiêu chưa đạt, cần phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện trong thời gian tới như chỉ tiêu tăng năng suất lao động, tỷ trọng chi cho khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm; thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển lực lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước; tập trung phát huy vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn, các cực tăng trưởng, thúc đẩy tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển dịch các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững, phát triển các ngành mới, dịch vụ chất lượng cao; phát triển đồng bộ các loại thị trường...

Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa

Về phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục, văn hóa, xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm, bố trí nguồn lực cho những lĩnh vực này.

Theo quy định hiện hành, phải dành 20% tổng chi ngân sách để bố trí cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Thực tế, bình quân hàng năm, chúng ta cũng đã bố trí khoảng 14,7% tổng chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cùng bố trí khoảng 3,7% tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ cũng quan tâm, dành nguồn lực bố trí cho lĩnh vực văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa. Vừa rồi cũng đã bố trí gần 2.000 tỷ đồng để tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa.

Tuy nhiên, nguồn lực ngân sách nhà nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu và còn tình trạng dàn trải. Trong tổ chức thực hiện, còn tình trạng phân bổ nhiều lần trong năm, sử dụng không hết dự toán.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp. Phó Thủ tướng cho biết, trước tiên, cần kiên trì quan điểm coi đầu tư cho giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Quan tâm bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước cho 2 lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa. Trong điều kiện nguồn lực ngân sách nhà nước còn khó khăn, cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực xã hội. Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư để huy động xã hội hóa.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh giải pháp khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa. Trong Chương trình này, sẽ ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu trọng tâm.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tới cổ phần hóa

Về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thẳng thắn cho rằng: Kể cả trong nhiệm kỳ trước và nửa nhiệm kỳ này, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm. Giai đoạn trước chỉ thực hiện được 30%. Trong 10 tháng năm 2023, kết quả đạt được trong công tác này cũng chưa cao.

Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng cho rằng: thứ nhất là do bất ổn của thị trường tài chính trong nước. Đặc biệt tác động của dịch COVID-19 làm cho công tác cổ phần hóa, cũng như nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư bị hạn chế. Mặt khác, do đặc thù của các doanh nghiệp cổ phần hóa hiện nay là những doanh nghiệp còn lại, rất khó khăn trong cổ phần hóa,… Trong thời gian vừa qua, khi tiến hành cổ phần hóa, có những tổng công ty thu hút sự tham gia của xã hội không nhiều (chỉ khoảng 1%). Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung ứng dịch vụ công ích nên việc cổ phần hóa cũng rất khó khăn.

Đặc biệt, các trình tự, thủ tục, các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này rất phức tạp… dẫn tới công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước chưa được như mong muốn.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn. Tiếp tục rà soát, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tới cổ phần hóa, đặc biệt là các đại diện chủ sở hữu, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Về việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện quy định của pháp luật tiết kiệm, chống lãng phí, đối với nội dung này Quốc hội đã có giám sát và ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có Chương trình hành động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp. Tuy nhiên, kết quả triển khai của các bộ, ngành chưa được như mong muốn.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra; đồng thời xử lý những vi phạm, tồn tại để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện hiệu quả.

Nêu thực tế về vấn đề áp dụng quy định của pháp luật liên quan đến chi thường xuyên và chi đầu tư công, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ vào tình hình thực tiễn để đề xuất tổng thể, xử lý dứt điểm vấn đề này.

B.T – TTXVN

Tích cực giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng liên quan đến gói hỗ trợ nhà ở xã hội.

Về chương trình gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia. Sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện; đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố quan tâm, xây dựng và công bố những dự án thuộc diện cho vay theo gói tín dụng này, theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai. Thời gian qua, có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố danh mục, dự án tham gia chương trình với 53 dự án, tổng nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng. Đến nay, đã có 105 tỷ đồng được giải ngân cho 3 dự án ở 3 tỉnh/thành phố.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, việc giải ngân còn hạn chế do nguồn cung nhà của chương trình này hạn chế. Nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, điều kiện được hưởng gói vay còn một số điểm chưa phù hợp như thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, quy định chưa có nhà ở... Mặt khác, chương trình thực hiện trong 10 năm, việc giải ngân theo thời gian dài nên lượng giải ngân còn thấp.

Đã phân cấp việc kéo dài thực hiện vốn và kế hoạch đầu tư công

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi đại biểu Quốc hội đã nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, quy định của pháp luật đã phân cấp việc kéo dài thực hiện vốn và kế hoạch đầu tư công hàng năm cho HĐND cấp tỉnh. Hiện nay, trong thực hiện có mất nhiều thời gian do tất cả đều trình lên cấp tỉnh, trong khi đó, ngân sách có 3 cấp: trung ương, tỉnh, huyện. Các địa phương đang đề nghị phân cấp xuống cho Ủy ban, hoặc ở cấp nào kéo dài vốn ở cấp đó.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đề xuất trong báo cáo của Chính phủ rà soát những vướng mắc của văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101 của Quốc hội. Đối với cơ chế đặc thù hỗ trợ cho đối tượng chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị định 38 sửa đổi Nghị định 27 đã cho phép sử dụng đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, không phải lập dự án, quản lý dự án theo hình thức đầu tư, tài sản hình thành sau đầu tư cũng không xác định là tài sản công. Những vấn đề này đã được giải quyết ở Nghị định 38 sửa đổi Nghị định 27, cơ bản đến nay không có vấn đề gì phát sinh. Bộ trưởng đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, rà soát lại để có hướng dẫn phù hợp để Nghị định 38 được thực hiện tốt.

Về đầu tư cho đường giao thông Sài Gòn – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đảm bảo đồng bộ theo thiết kế, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông để tìm nhà đầu tư theo hình thức PPP, mở rộng hoàn chỉnh tuyến đường lên 6 làn hoàn chỉnh và 8 làn hoàn chỉnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn đồng tình chủ trương này.

Thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo tại Quốc hội.

Sáng 6-11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án đổi mới phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, đẩy mạnh và tăng cường tranh tụng, thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức áp dụng pháp luật; khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Về nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại án, từ ngày 1-10-2020 đến ngày 30-6-2023, các Tòa án đã thụ lý 1.450.770 vụ việc; đã giải quyết 1.276.435 vụ việc, đạt tỷ lệ 88%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án hàng năm đều đáp ứng chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%).

"Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Tỷ lệ người bị bắt, tạm giữ sau đó chuyển xử lý hình sự đạt 99%

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Về lĩnh vực kiểm sát, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, để triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của ngành, ông đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Công tác thực hành quyền công tố kiểm sát các hoạt động tư pháp có nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều vượt so với yêu cầu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Trong đó, tỷ lệ người bị bắt, tạm giữ sau đó chuyển xử lý hình sự đạt 99%; số vụ án Viện Kiểm sát truy tố đúng thời hạn đạt 100% và số bị can Viện Kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt 99,99%. Viện Kiểm sát kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật và đã ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và phòng ngừa tội phạm, tỷ lệ chấp nhận đạt 98,6%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận vượt so với yêu cầu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội.

Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đạt nhiều kết quả tích cực, đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án được dư luận đồng tình, đánh giá cao, góp phần xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.