Động lực để đường ven vịnh Đà Nẵng hóa "kim cương"
Dù được xây dựng từ những năm 2000 và sở hữu vị trí đắc địa chạy dọc vịnh Đà Nẵng, nhưng tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành vẫn chưa phát huy hết tiềm năng như kỳ vọng ban đầu. Nguyên nhân chính là do hạn chế về quy hoạch, hạ tầng và định hướng phát triển kinh tế - du lịch chưa đồng bộ. Thời điểm xây dựng, để tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng, đường Nguyễn Tất Thành được thiết kế sát mép biển, dẫn đến bãi biển ở khu vực này rất hẹp, chỉ rộng từ 5-10m, không đủ điều kiện để phát triển các dịch vụ du lịch biển như bãi tắm, khu nghỉ dưỡng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thủy triều khiến bãi biển dọc đường Nguyễn Tất Thành còn diện tích sử dụng, làm giảm sức hấp dẫn của khu vực đối với các hoạt động du lịch biển. Từ thực tế đó, Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục hạn chế, nhằm khai thác, phát huy hết tiềm năng, giá trị của cung đường ven biển tuyệt đẹp này.
Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng vừa thống nhất bổ sung danh mục vốn đầu tư công năm 2025 để triển khai Đề án lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng. Quy mô nghiên cứu lấn biển 1.428 ha gồm 5 đảo chính. Cụ thể 2 đảo du lịch quốc tế phía Đông và phía Tây, 1 đảo thương mại tự do và đổi mới sáng tạo, 1 đảo trung tâm tài chính quốc tế, 1 đảo giải trí thời đại. Trước đó, trong buổi tiếp xúc cử tri ba quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu vào sáng 25-4, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã chia sẻ về đề án xây dựng khu đô thị lấn biển tại vịnh Đà Nẵng. Ông cho biết thành phố đang nghiên cứu kế hoạch xây dựng 5 hòn đảo nổi nhân tạo, tạo ra khoảng 48 km đường bờ biển mới, hướng đến mục tiêu hình thành tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ mang tầm quốc tế.
Ông Quảng nhấn mạnh rằng dự án này có thể tương tự mô hình phát triển đô thị biển của Dubai và nếu được triển khai thành công, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong nhiều thập kỷ tới, góp phần xây dựng một hình ảnh và thương hiệu mới, mang tầm vóc quốc tế cho thành phố. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho biết, trong chuyến làm việc gần đây tại Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp khảo sát thực địa khu vực dự kiến phát triển đô thị ven biển và đánh giá rất cao đề án này. Tổng Bí thư cũng đã giao Chính phủ sớm có giải pháp hỗ trợ Đà Nẵng triển khai.
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương về nghiên cứu, mở rộng không gian phát triển cho Đà Nẵng, thành phố đã nghiên cứu kỹ phương án lấn biển tại vịnh Đà Nẵng để hình thành một đô thị mới với các chức năng của khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, mở rộng không gian phát triển đô thị và kinh tế, gắn dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm đẳng cấp, vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao, tạo ra một công viên biển đô thị, góp phần thu hút đầu tư, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian tới. Dự án lấn biển với các hòn đảo nhân tạo, lấn biển với các công nghệ tiên tiến nhất, đảm bảo các yếu tố môi trường, kết nối với cảnh quan và hệ sinh thái đang có trong vịnh Đà Nẵng. Để có cơ sở pháp lý triển khai dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cũng vừa ký Văn bản 130 gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường về tính khả thi của dự án và đề nghị Bộ bổ sung thêm 1.500ha lấn biển vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030.
Là người luôn trăn trở với sự phát triển của quận Liên Chiểu nói chung và dọc đường Nguyễn Tất Thành nói riêng, ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư quận Liên Chiểu cho hay, đường Nguyễn Tất Thành là con đường khánh thành và đưa vào sử dụng hơn 20 năm nay, nhưng đến nay vì vướng mắc về pháp lý đất đai nên việc khai thác chưa đúng với tiềm năng và lợi thế vốn có của nó. Theo ông Bắc, phát triển không gian kinh tế hướng biển là cơ hội tạo sức bật mạnh cho kinh tế địa phương thời gian qua; đồng thời cũng mở ra một thời kỳ phát triển mới, dựa trên các động lực cũ được tháo gỡ vướng mắc. Từ năm 2023, Quận ủy Liên Chiểu đã yêu cầu các ngành chuyên môn triển khai nhiều công việc, trong đó đề nghị các ngành cấp trên đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch để cập nhật vào quy hoạch thành phố, quy hoạch phân khu, tạo điều kiện pháp lý hợp thửa thành các lô đất lớn dọc đường Nguyễn Tất Thành, đề nghị doanh nghiệp, chủ sử dụng đất đề xuất dự án, qua đó thúc đẩy việc kêu gọi đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ du lịch ven vịnh theo định hướng phát triển hình thành các trung tâm thương mai, siêu thị, chợ, khách sạn, các dịch vụ giải trí ven biển.
Quận Liên Chiểu đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị và chủ sở hữu các lô đất dọc đường Nguyễn Tất Thành liên quan đến định hướng phát triển kinh tế đối với các khu đất lớn dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành và đề xuất UBND thành phố điều chỉnh mục đích sử dụng đất thành đất thương mại dịch vụ và đất ở - hỗn hợp. Trên cơ sở đó, tháng 5-2024, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 1027 phê duyệt quy hoạch TL 1/2.000 phân khu ven vịnh Đà Nẵng đồng ý chủ trương chuyển đổi đất ở biệt thự vệt Nguyễn Tất Thành sang đất hỗn hợp để vừa ở vừa làm thương mại dịch vụ, chung cư…
Hiện nay, TP đã đề xuất việc lấn biển ở khu vực vịnh Đà Nẵng. Luật lấn biển đã được Quốc hội thông qua tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 190 Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, trong đó, nhấn mạnh Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cũng như đòi hỏi yêu cầu cấp thiết để đưa Đà Nẵng phát triển trong giai đoạn mới. Việc lấn biển nương vào tự nhiên, xây dựng nên những đô thị lấn biển hoặc công trình hạ tầng mang tính biểu tượng không chỉ là một giải pháp để mở rộng quỹ đất, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế mà còn để chủ động ứng phó với thực trạng biển đang ngày một ăn sâu vào đất liền như hiện nay, đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Tất Thành hàng năm vào mùa mưa bão đều bị ảnh hưởng của việc sạt lở, hư hỏng nặng nề.
Việc lấn biển không chỉ mang ý nghĩa mở rộng không gian phát triển kinh tế mà còn được coi như giải pháp chủ động ứng phó với thực trạng biển đang ngày một ăn sâu vào đất liền như hiện nay. Khi lấn biển sẽ hình thành hàng chục ki-lô-mét đê kè, và chính các đê kè này sẽ chắn sóng, ngăn nước biển, phòng chống xói lở bờ biển. Lấn biển để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế là cơ hội cho Đà Nẵng tăng tốc trong kỷ nguyên mới.
HẢI QUỲNH