Hàng trăm ngàn tấn rác thải rắn tại Đà Nẵng sẽ đi về đâu?
Trong khi các nhà máy xử lý rác thải rắn vẫn “nằm trên giấy” vì vướng công nghệ, thủ tục thì việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt không nguy hại trên địa bàn Đà Nẵng vẫn bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Tại bãi rác Khánh Sơn có 6 hộc rác thì 5 hộc đã lấp đầy, hộc số 6 đang vận hành và sẽ lấp đầy vào tháng 3-2025. Đấy là trong trường hợp số lượng rác thải rắn trên địa bàn Đà Nẵng phát sinh bình thường, chưa tính tới những đột biến, thiên tai bão lụt, gia tăng lượt khách du lịch…
Để giải quyết thực trạng rác thải rắn phát sinh trên địa bàn khi 2 dự án nhà máy xử lý rác thải rắn tổng công suất 1.650 tấn/ngày đêm chưa được xây dựng, Đà Nẵng đã quyết định chủ trương đầu tư hộc rác số 7 từ ngân sách. Theo Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp và Công nghệ cao (Ban QLDA), dù rút ngắn tối đa thời gian các bước thực hiện thì dự án Hộc rác số 7 tại bãi rác Khánh Sơn phải đến tháng 1-2026 mới đưa vào vận hành.
Trước thực trạng đó, để công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn Đà Nẵng không bị gián đoạn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã giao Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện đo đạc, đánh giá xác định chính xác khả năng tiếp nhận chất thải rắn (vị trí, khối lượng, thời gian) tại các khu vực sụt lún cao trình chôn lấp của 6 hộc rác hiện hữu.
Qua khảo sát, đánh giá, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường cho biết, cao trình tại 5 hộc rác hiện tại từ 32 đến 55 m (từ cốt nền) đã hạ thấp so với cao trình thời điểm được lấp đầy, đóng bãi tạm. Việc hạ thấp cao trình là do hiện tượng sụt lún và phân hủy rác. Qua phân tích, dung tích chứa rác tại khu vực sụt lún tính từ cao trình hiện trạng so với cao trình thiết kế tối đa hơn 299 ngàn m3 (tương đương khối lượng rác có thể tiếp nhận khoảng 215 ngàn tấn). Với giải pháp bù rác tại các khu vực sụt lún cao trình của hộc rác từ 1 đến 5 như trên, việc kéo dài thời gian tiếp nhận rác thải rắn không nguy hại được khoảng 5 tháng.
Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, UBND TP đã phê duyệt Quy trình vận hành chôn lấp chất thải rắn. Theo đó, sau khi vận hành tiếp nhận rác, phủ bạt HDPE, cần tính toán bù rác vào các khu vực trũng để tăng hiệu quả tiếp nhận rác của các hộc rác và tạo mặt bằng thoát nước. Do đó, Sở TN&MT đề xuất thành phố thống nhất chủ trương bù rác tại các khu vực sụt lún cao trình của các hộc rác thuộc Dự án Nâng cấp cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn (từ hộc rác số 1 đến số 5). Đây cũng là giải pháp để đảm bảo việc xử lý rác thải rắn trên địa bàn thành phố không bị gián đoạn trong quá trình hộc rác số 6 đã đầy mà hộc rác số 7 chưa xây xong.
Cũng theo Sở TN&MT, qua làm việc, các chuyên gia của Chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” Việt Nam đã khuyến nghị giải pháp nâng cao độ đóng bãi lên 70m, có thể tiếp nhận khoảng 1,2 triệu m3 (tương đương 800 ngàn tấn) chất thải rắn. Việc nâng cao độ các hộc rác trước khi đóng bãi sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động chôn lấp chất thải rắn trên diện tích bãi chôn lấp hiện có, giảm nhu cầu sử dụng đất so với mở rộng theo phương ngang (xây hộc chôn lấp mới)… Tuy nhiên, việc nâng cao độ bãi rác cần nghiên cứu, đánh giá khoa học. Bởi lẽ lớp đáy các hộc rác tại bãi rác Khánh Sơn trước đây thiết kế chỉ cao được 52m (theo báo cáo đánh giá tác động môi trường bãi rác). Sau này cao độ bãi rác được nâng lên 55m cũng đã thêm 3m so với Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Sở TN&MT cũng đề xuất thành phố giao cho Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị nghiên cứu các khuyến nghị của chuyên gia Chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” về phương án tăng công suất và đóng cửa bãi chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý rác thải Khánh Sơn, xem xét, đề xuất trong hồ sơ báo cáo chủ trương đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn tại Khu liên hợp.
Hải Quỳnh