Vào cuộc xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn

Thứ tư, 08/11/2023 07:20
Ngày 7-11, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, các cơ quan, đơn vị liên quan đang khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục, xử  lý hiệu quả hiện tượng nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn bị sốc tải, vượt công suất của trạm xử lý, tràn ra kênh hở gây ô nhiễm môi trường đối với một số khu dân cư.
Trạm xử lý nước rỉ rác luôn phải hoạt động vượt công suất để xử lý nước rỉ rác đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Việc không phủ bạt ở khe hở giữa hộc rác số 6 và các hộc còn lại đã khiến lượng lớn nước mưa thấm vào bãi rác, chảy về gây sốc tải ở khu vực thu gom.

Xác định nguyên nhân nước rỉ rác tăng đột biến

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Nhật- Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dụng hạ tầng và phát triển đô thị (trực thuộc UBND TP Đà Nẵng), đơn vị được giao đầu tư dự án "nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn" cho biết, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến nước rỉ rác tăng đột biến trong các đợt mưa lớn vừa qua: do cao trình của hộc rác số 6 vừa đi vào vận hành còn chênh lệch với các hộc rác còn lại đã dừng hoạt động nên chưa thể tiến hành phủ bạt vì vậy khe hở tại khu vực này tích tụ nhiều nước mưa ngấm vào rồi chảy vào hệ thống đổ về vị trí tiếp nhận tăng đột biến; tiếp đến ở nhiều vị trí đã phủ bạt có hiện tượng xẹp xuống do rác bên dưới phân hủy, tạo thành nhưng lỗ sụp lòng chảo, lâu dần bạt bị thủng nên nước mưa chảy vào các hộc rác theo dòng chảy về khu vực trạm xử lý. Khối lượng nước từ 2 nguồn này đổ về cùng lúc vào thời điểm trong và sau khi có mưa lớn tràn ra môi trường mà không được thu gom về nhà máy chuyên xử lý nước rỉ rác nằm gần đó.

Những đợt mưa lớn liên tục vừa qua khiến Ban không dám mở hẳn bạt ra để xử lý vì sợ trào, tràn ra môi trường, rất nguy hiểm. Do đó, việc xử lý các điểm sụt lún này còn phải chờ vào thời tiết thuận lợi mới thực hiện. "Phương án tốt nhất hiện tại là phủ bạt vào vị trí tiếp giáp giữa hộc rác số 6 và các hộc rác cũ đã ngừng vận hành để không cho nước mưa vào khu vực này. Đối với các vị trí bạt bị thủng, bây giờ phải mở ra rồi bù rác vào khắc phục sụt lún, sau đó phủ bạt và kéo căng trở lại nhằm tách hẳn nước mưa ra nguồn riêng và nước rỉ ra từ rác thành một nguồn riêng để xử lý. Hiện Ban đang khẩn trương hoàn thiện các bước xử lý cũng như các hạng mục còn lại của các hộc rác từ số 1-5 để nghiệm thu, bàn giao cơ quan chức năng thẩm định", ông Nhật cho biết.

Cơ quan chức năng cho biết, quy trình vận hành nhà máy xử lý nước rỉ rác được thực hiện như sau: Nước rỉ ra từ bãi rác được thu gom theo hệ thống đường ống, hố ga, trạm bơm. Đích đến cuối cùng là trạm bơm TK1. Từ trạm bơm này, bơm về hệ thống nhà máy để xử lý yếm khí, hiếu khí, thiếu khí, hóa học, khử trùng. Nước sau xử lý đạt quy chuẩn, được đo đạc bằng các thông số chuyển qua trạm quan trắc môi trường trước khi xả ra môi trường. Hiện tại công suất xử lý nước rỉ rác của nhà máy này đạt gần 2.000 m3/ngày/đêm trong mùa mưa (cao hơn so với quy chuẩn là 1.750m3/ngày/đêm). Đại diện Công ty CP Kỹ thuật SEEN (đơn vị vận hành nhà máy) cho hay, việc xử lý nước rỉ rác được giám sát chặt chẽ nên không có sự cố gì về môi trường xảy ra trong thời gian qua. Hiện đơn vị đang vận hành bảo đảm an toàn hệ thống xử lý nước rỉ rác với công suất vượt thiết kế 10-20% cũng như các tiêu chuẩn môi trường, tự động quan trắc và truyền dữ liệu về hệ thống quản lý, giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trạm xử lý nước rỉ rác luôn phải hoạt động vượt công suất để xử lý nước rỉ rác đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Xử lý triệt để sự cố, giám sát chặt chẽ quy trình vận hành

UBND TP Đà Nẵng ban hành Công văn số 5776/UBND- giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Q. Liên Chiểu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến sự cố nước rỉ rác chưa qua xử lý tràn ra môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn như trong những ngày vừa qua. Trong đó, giao cơ quan chức năng xem xét, xử lý vi phạm sau khi có kết quả phân tích mẫu nếu vượt Quy chuẩn cho phép đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hành vi xả thải ra môi trường theo đúng quy định. Cùng với đó, tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy mương thoát nước tự nhiên (tuyến mương Khe Cạn) đoạn từ dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện Đà Nẵng (công suất 650 tấn/ngày) đến cống Sụp (Khe Cạn) thuộc tổ 70, khu Khánh Sơn, P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dụng hạ tầng và phát triển đô thị có nhiệm vụ khẩn trương phủ bạt tại hộc rác số 6 đúng theo quy trình vận hành đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm thanh toán chi phí phần nước rỉ rác phát sinh do lượng nước mưa chảy qua phần diện tích không được phủ bạt theo quy trình vận hành đã được phê duyệt. Ban này cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp đơn vị vận hành kiểm tra, rà soát quy trình vận hành bãi chôn lấp phù hợp với thực tế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh nhằm đảm bảo tách triệt nước mưa (nếu có). Cạnh đó, thực hiện nghiêm túc việc vận hành trạm bơm TK1 và các hệ thống xử lý nước rỉ rác theo quy định, quy trình đã được phê duyệt, đảm bảo thu gom toàn bộ lượng nước rỉ phát sinh và xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Để đảm bảo đời sống người dân, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND Q. Liên Chiểu và các cơ quan đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra việc xử lý của các đơn vị tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường tại khu vực xung quanh như thời gian vừa qua. Nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đại diện Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, vấn đề môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn được HĐND giám sát rất chặt chẽ. Hiện TP đã ban hành quy trình vận hành bãi rác nên HĐND cũng sẽ căn cứ vào đó để kiểm tra, giám sát xem các đơn vị có làm đúng theo quy trình hay không. Hiện tại, khu vực chôn lấp của bãi rác Khánh Sơn có tất cả 6 hố, ngoài 5 hố đã đầy và tiến hành phủ bạt, dừng hoạt động thì hố số 6 đưa vào sử dụng tháng 5-2023, dự kiến sẽ đầy sau 2 năm. Để giải quyết vấn đề xử lý rác thải trên địa bàn, UBND TP đã có báo cáo đầu tư nâng cấp, mở rộng hộc rác số 7 và làm đê bao quanh khu vực bãi rác. Tuy nhiên, qua thẩm tra thì HĐND yêu cầu đánh giá lại kỹ hơn để có giải pháp toàn diện, tối ưu nhất.

Công Khanh