Israel vẫn đẩy mạnh tấn công Rafah
Các nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy các xe tăng gần thánh đường Al-Awda, công trình biểu tượng tại trung tâm Rafah. Trong khi đó, một nguồn tin an ninh Palestine cũng xác nhận xe tăng của Israel đã hiện diện ở trung tâm Rafah. Phía quân đội Israel cho biết lực lượng này sẽ tiếp tục các hoạt động tại Rafar, song không đề cập đến thông tin tiến vào trung tâm thành phố.
Trong những ngày gần đây, các xe tăng của Israel cũng tiến vào khu vực phía Tây Rafah và đang án ngữ tại các vị trí trên đồi Zurub. Đã có một số cuộc đụng độ giữa quân đội Israel và các tay súng của Hamas tại khu vực này. Bên cạnh đó, người dân Palestine cho hay khu vực Tel Al-Sultan, nơi có khu tị nạn vừa bị tấn công, tiếp tục trong tình trạng bị dội bom cực rát từ phía Israel.
Vài giờ trước đó, người dân Rafah đã trải qua một trong những đêm kinh hoàng nhất kể từ cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel nổ ra. Giới chức y tế Gaza ghi nhận ít nhất 26 trường hợp người Palestine tử vong ở Rafah trong đợt tấn công rạng sáng 28-5 của quân đội Israel.
Động thái của Israel diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn đang lên án cuộc không kích của quân đội nước này vào ngày 26-5 khiến ít nhất 45 dân thường thiệt mạng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thừa nhận vụ việc này là "sự cố thảm họa", đồng thời cho biết giới chức trách đang điều tra và sẽ đưa ra kết luận về vụ việc. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự chống lại Hamas.
Trong khi đó, ngày 29-5, cơ quan y tế tại Dải Gaza đã kêu gọi mở các tuyến đường an toàn để vận chuyển ngay lập tức hàng viện trợ y tế và nhiên liệu đến thành phố Rafah và khu vực phía Bắc Gaza. Cơ quan y tế tại Dải Gaza cũng kêu gọi thành lập các bệnh viện dã chiến tại những khu vực đó và cho phép các đội y tế được phép tiếp cận khẩn cấp. Cùng ngày, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một phái đoàn của tổ chức này đã đến khu vực phía Bắc Gaza lần đầu tiên sau hơn 2 tuần qua. Theo ông Tedros, phái đoàn đã cung cấp nhiên liệu, giường bệnh, thuốc men và các vật tư y tế khác cho bệnh viện Al-Ahli. Ông nhấn mạnh trong bối cảnh xung đột vẫn đang tiếp diễn, WHO và các đối tác đã tiếp cận được bệnh viện Al-Ahli ở thành phố Gaza, lần đầu tiên kể từ ngày 13-5 vừa qua.
Ông Tedros cho biết thêm nguồn cung cấp đủ để đáp ứng nhu cầu của 1.500 người nhưng cho rằng vẫn cần nhiều hơn nữa. Theo ông, bệnh viện Al-Ahli hiện đang bị quá tải khi phải phục vụ số bệnh nhân gấp đôi giới hạn cho phép, thiếu thiết bị phẫu thuật thiết yếu và lương cho nhân viên, thậm chí thiếu cả bác sĩ chuyên môn. WHO đang nỗ lực triển khai đội y tế khẩn cấp đến bệnh viện này. WHO cũng đã cung cấp 15.000 lít nhiên liệu để bệnh viện có thể phát điện, 14 giường bệnh, thuốc men và vật tư y tế. Hoạt động cứu trợ đến khu vực phía Bắc Gaza trở nên phức tạp hơn do xung đột, do đó ông Tedros đã nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy bến tàu tạm thời mà quân đội Mỹ xây dựng ngoài khơi bờ biển Gaza để vận chuyển viện trợ vào khu vực này đã bị sóng đánh vỡ. Theo tờ The Independent, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết sóng lớn đã làm hư hỏng bến tàu này vào ngày 28-5 và cần phải xây dựng lại hoặc sửa chữa các phần bến tàu. Bến tàu sẽ được chuyển đến cảng Ashdod ở Israel và mất ít nhất một tuần để sửa chữa.
Ngày 28-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết có rất nhiều viện trợ nhân đạo đã vào Gaza nhờ Mỹ can thiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng đưa viện trợ tới miền Nam Gaza là một thách thức thực sự. Ông nói rõ: "Có một số điều khiến việc này trở thành thách thức. Một là việc đóng cửa khẩu Rafah, hai là các hoạt động quân sự đang diễn ra ở đó khiến mọi việc trở nên khó khăn".
AN BÌNH