Xung đột Gaza: Hòa bình vẫn xa vời

Thứ bảy, 11/05/2024 10:00
Quân đội Israel tiếp tục bắn phá các khu vực ở Đông Rafah vào ngày 9-5, trong bối cảnh đoàn đại biểu nước này rút khỏi đàm phán ở Cairo (Ai Cập) về ngừng bắn tại Gaza đồng thời chưa hẹn ngày quay lại.
Liên hợp quốc ước tính gần 110.000 người đã rời khỏi thành phố Rafah ở phía nam Gaza kể ngày 7-5. Ảnh: Getty Images
Liên hợp quốc ước tính gần 110.000 người đã rời khỏi thành phố Rafah ở phía nam Gaza kể ngày 7-5. Ảnh: Getty Images

Kênh truyền hình Al-Qahera News dẫn một nguồn tin cấp cao của Ai Cập cho biết các phái đoàn của Hamas và Israel đã rời Cairo ngày 9-5 sau 2 ngày đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza mà không đạt thỏa thuận nào, mặc dù phái đoàn an ninh Ai Cập đã nỗ lực hết sức để thu hẹp bất đồng về các vấn đề gây tranh cãi.

Ông Ezzat al-Rishq, một quan chức của Hamas, cho hay phái đoàn Hamas đã rời Cairo để trở lại thủ đô Doha của Qatar, đồng thời khẳng định phong trào này vẫn cam kết chấp nhận đề xuất do các nhà hòa giải đưa ra. Kế hoạch này bao gồm nội dung thả các con tin Israel bị giam giữ ở Gaza và một số người Palestine bị Israel bỏ tù. Hamas nhấn mạnh sẽ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào ngoài những nhượng bộ trong đề xuất mà họ đã chấp nhận. Về phần mình, Israel cho biết sẵn sàng ngừng bắn nhưng bác bỏ yêu cầu chấm dứt xung đột. Trong khi đó, một nguồn tin của Mỹ thân cận với các cuộc đàm phán nói với kênh truyền hình Al-Jazeera rằng Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã rời Cairo trở về Mỹ sau khi các cuộc đàm phán tại Cairo kết thúc.

Theo CNN, yêu cầu ban đầu của Hamas về tạm dừng giao tranh trong 12 tuần thay vì 6 tuần là điểm mấu chốt khiến Israel phản đối trong các cuộc đàm phán ngừng bắn diễn ra trong tuần này. Các quan chức Israel kiên quyết phản đối yêu cầu ngừng bắn lâu hơn, vì họ cho rằng điều này sẽ không khác gì đồng ý chấm dứt cuộc chiến ở Gaza.

Tại thời điểm trước đó của cuộc đàm phán, Hamas đã đồng ý rằng trong 6 tuần đầu tiên tạm dừng giao tranh, nhóm này sẽ tiếp tục đàm phán. Các cuộc đàm phán này nhằm để các bên đạt được các điều khoản trước khi giai đoạn thứ hai của thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 6 tuần nữa bắt đầu có hiệu lực. Các quan chức Israel thừa nhận rằng, lệnh ngừng bắn kéo dài nhiều tháng sẽ gây khó khăn cho Israel nếu muốn tái khởi động cuộc chiến và đưa binh sĩ trở lại Gaza, và do đó không khác gì kết thúc cuộc chiến.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu không muốn đưa ra cam kết rõ ràng như vậy ngay từ đầu. Một số quan chức Israel đã cảnh báo sẽ làm cho chính phủ của ông Netanyahu sụp đổ nếu cuộc chiến kết thúc mà không có một cuộc tấn công lớn trên bộ ở Rafah và không tiêu diệt hoàn toàn Hamas.

Theo các nguồn tin, cách diễn đạt trong thỏa thuận về việc chuyển giai đoạn một sang giai đoạn hai như thế nào sẽ là điều mấu chốt để Israel đồng ý. Theo yêu cầu của Hamas, tất cả các biện pháp trong giai đoạn đầu tiên, gồm tạm dừng các hoạt động quân sự chung, cung cấp cứu trợ và nơi trú ẩn cũng như rút lực lượng, sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn thứ hai cho đến khi có tình trạng yên ổn bền vững. Theo phía Mỹ, Hamas thay đổi quan điểm có thể là do các nhà đàm phán của Hamas chưa thống nhất thủ lĩnh Yahya Sinwar – nhân vật được cho là đang hoạt động ngầm ở Gaza.

Israel khẳng định tiếp tục chiến dịch tại Rafah

Hôm 9-5, lực lượng Israel bắn phá các khu vực ở Rafah, sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bỏ qua lời đe dọa từ Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc ngưng cung cấp vũ khí cho Israel nếu nước này tấn công thành phố ở Nam Gaza này. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố các lực lượng nước này sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động quân sự ở Dải Gaza cho dù sức ép như thế nào. Ông Netanyahu tuyên bố Israel sẵn sàng đơn độc trong cuộc chiến ở Gaza. "Nếu buộc phải đứng một mình, chúng tôi sẽ làm như vậy", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói ngày 9-5.

Trước đó, ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố sẽ dừng cung cấp đạn pháo và các vũ khí khác cho Israel tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Rafah - nơi trên 1 triệu người dân Palestine đang tránh trú tạm thời kể từ khi xảy ra xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel hồi tháng 10 năm ngoái. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã xác nhận nước này đã dừng một đợt vận chuyển đạn dược cho Israel, thể hiện sự phản đối của Washington đối với chiến dịch quân sự của Israel ở Rafah.

Tại dải Gaza, các nhóm chiến binh Hamas Palestine và Jihad Hồi giáo cho biết lực lượng của họ đã bắn B-41 và súng cối vào xe tăng của Israel tập trung ở ngoại ô phía đông thành phố. Cư dân và nhân viên y tế ở Rafah cho biết, cuộc tấn công của Israel vào một nhà thờ Hồi giáo ở phía Đông đã giết chết ít nhất 3 người và làm bị thương nhiều người khác. Israel không kích 2 ngôi nhà, làm chết ít nhất 12 người, trong đó có một tư lệnh lữ đoàn Hamas cùng gia đình. Israel giải thích, các tay súng Hamas đang ẩn náu ở khu vực Rafah, nơi dân số tăng lên bởi số người dồn tới lánh nạn để tránh các cuộc bắn phá biến Gaza thành đống đổ nát.

AN BÌNH