Ác mộng ập đến Rafah

Thứ tư, 08/05/2024 11:00
Tối 6-5 (giờ địa phương) xe tăng của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến vào Rafah ở phía Nam Dải Gaza, bắt đầu cuộc tấn công trên bộ nhằm vào thành phố được xem là "nơi ẩn náu cuối cùng" ở Dải Gaza.
Dòng người Palestine sơ tán khỏi Rafah tới Khan Younis hôm 6-5. Ảnh: Reuters
Xe tăng của Israel tiến vào Gaza ở cửa khẩu biên giới Rafah ngày 7-5. Ảnh: AP

Trong một tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nêu rõ: "Nội các chiến tranh đã quyết định sẽ tiếp tục hoạt động ở Rafah để gây áp lực quân sự lên Hamas nhằm thúc đẩy việc thả con tin và đạt được các mục tiêu khác của cuộc chiến". Ngay sau đó, trong thông báo trên mạng xã hội X, người phát ngôn IDF Daniel Hagari thông báo các lực lượng Israel "hiện đang tấn công và hoạt động" nhằm vào các mục tiêu của Hamas một cách có chủ đích ở Đông Rafah. Các xe tăng của Israel đã tiến vào Rafah với sự hỗ trợ của các cuộc không kích dữ dội.

Trước đó, truyền thông Israel ngày 6-5 đưa tin các lực lượng vũ trang Israel đã bắt đầu sơ tán người dân Palestine khỏi Rafah để chuẩn bị kế hoạch đổ bộ vào thành phố. "Con số ước tính là khoảng 100.000 người. Đây là kế hoạch sơ tán nhằm đưa người dân tránh nơi nguy hiểm", theo một phát ngôn viên quân đội Israel.

Kiểm soát một phần cửa khẩu Rafah

Theo CNN, ngày 7-5, quân đội Israel cho biết bước đầu lực lượng này đã giành quyền kiểm soát phía Palestine của cửa khẩu Rafah, giáp biên giới với Ai Cập ở phía Nam Gaza. Quân đội Israel nêu rõ lực lượng này đã tiến hành rà soát khu vực trên vào sáng cùng ngày sau khi triển khai chiến dịch trên không và trên bộ vào tối 6-5 tại một phần phía Đông thành phố Rafah.

Dòng người Palestine sơ tán khỏi Rafah tới Khan Younis hôm 6-5. Ảnh: Reuters

Theo các quan chức y tế Palestine, xe tăng và máy bay của Israel đã tấn công một số khu vực ở Rafah trong đêm 6-5, khiến 20 người Palestine thiệt mạng và một số người khác bị thương. Trong khi đó, người dân Palestine cho biết xe tăng của Israel còn pháo kích các khu vực ở phía Bắc Dải Gaza. Israel cũng thả truyền đơn tại Gaza với nội dung cảnh báo người dân rời khỏi các khu vực ở phía Đông Rafah. Theo quân đội Israel, hầu hết người dân và một số tổ chức quốc tế đã sơ tán khỏi khu vực phía Đông Rafah trước chiến dịch đổ bộ. Lực lượng này cho biết đã bắn hạ khoảng 20 máy bay chiến đấu và tìm thấy 3 đường hầm.

Cùng ngày, quân đội Israel thông báo cửa khẩu Kerem Shalom do Israel kiểm soát cũng đã đóng cửa vì lý do an ninh và sẽ hoạt động trở lại khi "điều kiện an ninh cho phép". Mọi hoạt động đi lại và vận chuyển hàng cứu trợ tại hai cửa khẩu này đều bị dừng.

Hamas chấp thuận đề xuất ngừng bắn

Việc Israel triển khai lực lượng đổ bộ Rafah được tiến hành bất chấp việc lãnh đạo Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh, ngày 6-5 thông báo với các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập rằng phong trào Hồi giáo của người Palestine này đã chấp thuận đề xuất ngừng bắn ở Gaza sau gần 7 tháng xung đột với Israel. Một quan chức cấp cao của Hamas nói với hãng tin AFP: “Sau khi Hamas đồng ý với đề xuất ngừng bắn của các nhà hòa giải, quả bóng hiện đang thuộc về Israel, liệu nước này sẽ đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn hay cản trở nó”. Nhưng sau khi nhận được phản hồi của Hamas, các quan chức Israel cho biết những điều khoản mà Hamas tuyên bố đồng ý không khớp với những điều khoản mà Israel đã chấp thuận.

Trong một tuyên bố vào tối 6-5, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nêu rõ: "Nội các chiến tranh đã quyết định sẽ tiếp tục hoạt động ở Rafah để gây áp lực quân sự lên Hamas nhằm thúc đẩy việc phóng thích con tin và đạt được các mục tiêu chiến tranh khác". Tuyên bố cho biết đề nghị mới nhất của Hamas “không đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của Israel”, đồng thời nói rằng, Israel sẽ cử các nhóm cấp chuyên viên đến đàm phán với các nhà hòa giải nhằm tăng khả năng đạt được thỏa thuận về các điều khoản được Tel Aviv chấp nhận. Ngay sau đó, trong một thông báo đăng tải trên mạng xã hội X, người phát ngôn IDF, tướng Daniel Hagari thông báo các lực lượng Israel "hiện đang tấn công và hoạt động" nhằm vào các mục tiêu của Hamas một cách có chủ đích ở Đông Rafah.

Thảm họa đối với Rafah

Rafah được mô tả là "nơi ẩn náu cuối cùng" ở Dải Gaza, nơi 1,5 triệu người Palestine đang vật lộn để sinh tồn trong các khu lều trại tạm bợ, trong điều kiện thiếu lương thực, nước sạch và dịch vụ y tế, sau khi họ bị buộc phải rời bỏ nhà cửa ở các khu vực khác do xung đột giữa Israel và Hamas leo thang trong 6 tháng qua.

Ngày 6-5, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo khoảng 600.000 trẻ em đang trong cảnh chen chúc tại thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza, phải đối mặt với "thảm họa tiếp theo". Với mật độ trẻ em tập trung cao ở Rafah, các hoạt động quân sự sẽ dẫn tới một thảm họa gây thương vong rất lớn đối với dân thường, làm gián đoạn một số dịch vụ cơ bản và phá hủy hoàn toàn cơ sở hạ tầng còn lại mà trẻ em cần để tồn tại. Cơ quan này cũng cho biết thêm rằng thanh thiếu niên tại Dải Gaza đang "đứng bên bờ vực sinh tồn".

Việc Israel triển khai lực lượng đổ bộ Rafah là kịch bản mà cộng đồng quốc tế đã hết sức tìm cách ngăn chặn. Ngay sau khi Israel thông báo bắt đầu cuộc tấn công bằng xe tăng vào thành phố Rafah, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đặc biệt là Mỹ và và các nước phương Tây, thực thi trách nhiệm của mình và kiềm chế Israel để ngăn chặn leo thang nhằm tránh gây thêm thương vong cho dân thường Palestine.

AN BÌNH