Khắc phục 580 tỷ đồng có “cứu” được bị cáo Trương Mỹ Lan khỏi án tử?
Sau 5 ngày xét xử, HĐXX tòa phúc thẩm đã xét hỏi đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm, đồng thời làm rõ nguồn gốc nhiều tài sản của bị cáo Lan. Trong đó, nhiều bị cáo đã nộp lại số tiền lớn để khắc phục hậu quả vụ án, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Cụ thể, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan nói gia đình đã nộp 580 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Trong đó, tại phiên tòa sơ thẩm, gia đình nữ bị cáo đã nộp 500 tỷ đồng (nộp cho giai đoạn 2) và trong thời gian xét xử phúc thẩm giai đoạn 1, gia đình tiếp tục nộp thêm 80 tỷ đồng. Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square) trong phiên tòa phúc thẩm, bị cáo này cũng đã nộp khắc phục hậu quả vụ án 7,5 tỷ đồng, trước đó, bị cáo Cơ đã nộp 2,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền bị cáo Chu Lập Cơ đã nộp khắc phục là 10 tỷ đồng. Còn bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái Trương Mỹ Lan) cũng tiếp tục khắc phục 7,5 tỷ đồng. Tổng cộng bị cáo Vân đã khắc phục 10 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước), bị tòa phạt tù chung thân do đã nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD (giai đoạn 1). Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo này cũng đã nộp lại 100% số tiền nhận hối lộ, nộp phạt 100 triệu đồng và đóng thêm 500 triệu đồng để góp phần khắc phục hậu quả vụ án.
Đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí (55 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty Capella) bị TAND TPHCM tuyên 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (giai đoạn 1). Bị cáo Trí đã nộp đủ 189 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng là số tiền chiếm đoạt của bị cáo Lan để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho bị cáo Lan, đã đóng án phí dân sự, hình sự như cấp sơ thẩm giai đoạn 1 đã tuyên.
Bên cạnh đó, cũng tại phiên xét xử phúc thẩm, Công ty Quốc Cường Gia Lai là người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã rút kháng cáo, đồng ý trả cho bị cáo Trương Mỹ Lan 2.882 tỷ đồng. Bị cáo Lan đồng ý dùng số tiền này để khắc phục hậu quả vụ án.
Trước đó, theo bản án sơ thẩm, Công ty Quốc Cường Gia Lai được UBND TPHCM chấp thuận làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Bắc Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM) với diện tích hơn 90 ha. Năm 2017, Công ty cổ phần đầu tư Sunny Island và Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án này trị giá 2.882 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sunny Island sau đó gửi đơn tố cáo Quốc Cường Gia Lai đến Công an TPHCM cho rằng, đối tác có hành vi gian dối trong việc đưa ra thông tin đã bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 84 ha (92%). Nhưng căn cứ vào các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì công ty của bà Loan mới đền bù được hơn 64 ha.
Quá trình điều tra vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, cơ quan điều tra xác định, số tiền 2.288 tỷ đồng Sunny Island thanh toán cho Quốc Cường Gia Lai là tiền của Trương Mỹ Lan, nên thu giữ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến hợp tác của các bên. Do đó, tòa đã giải quyết quan hệ tranh chấp của các bên để khắc phục hậu quả của bà Lan trong toàn bộ vụ án.
Tương tự, Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh (thuộc Tập đoàn Tuần Châu Quảng Ninh) đồng ý nộp lại 6.095 tỷ đồng đã nhận từ bị cáo Lan. Theo bản án sơ thẩm, 70,59% vốn điều lệ của Công ty T&H Hạ Long đã chuyển cho bị cáo Lan, nên khi họ hoàn thành nghĩa vụ trả tiền, phía bị cáo Lan phải chuyển lại số cổ phần này.
Sau đó, ông Đào Anh Tuấn (con trai ông Đào Hồng Tuyển- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu Quảng Ninh) và hai công ty trên đã nhận của bị cáo Lan hơn 6.095 tỷ đồng. Tòa sơ thẩm xác định, 6.095 tỷ đồng có nguồn gốc từ SCB nên buộc hai công ty phải trả lại để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.
T.H