Bị cáo Trương Mỹ Lan xem vụ án là “định mệnh nghề nghiệp" và mong được làm sáng tỏ “công - tội”
Ngày 11-10, phiên xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan đã kết thúc phần tranh luận. Bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 bị cáo đồng phạm được nói lời sau cùng trước khi HĐXX tiến hành nghị án. Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án đối với 34 bị cáo trong giai đoạn 2 của vụ án vào ngày 17-10.
Tại phiên tòa ngày 11-10, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục khẳng định sẽ khắc phục hậu quả vụ án cho hàng chục ngàn người đầu tư trái phiếu và xin HĐXX khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho mình và các bị cáo khác. Trong lời nói sau cùng, nếu như ở phiên tòa giai đoạn 1, bị cáo Trương Mỹ Lan xin HĐXX đánh giá công bằng, xem xét lại tội danh bị truy tố và không coi bị cáo là tội chủ mưu… thì lần thứ 2 này, bị cáo Trương Mỹ Lan mong HĐXX "làm sáng tỏ công - tội" của mình và cho rằng bản thân phải trả giá quá đắt và coi đây là "định mệnh nghề nghiệp".
Tương tự, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái Trương Mỹ Lan) xin HĐXX xem xét cho tất cả các bị cáo và cô của mình có cái nhìn khoan dung, giảm nhẹ hình phạt. Còn bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trương Mỹ Lan và các nhân viên cấp dưới. Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) xin lỗi hơn 35.000 bị hại và nhận toàn bộ trách nhiệm trong việc gây ra thiệt hại của các trái chủ. Bị cáo Dũng xin HĐXX giảm án cho bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác trong vụ án. Bị cáo Trần Thị Mỹ Dũng (cựu Phó TGĐ SCB) cũng xin HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo để có sự khoan hồng đối với mình và bị cáo Trương Mỹ Lan. Bị cáo Hồ Bửu Phương cũng xin giảm nhẹ cho bị cáo trong vụ án, trong đó có bị cáo Trương Mỹ Lan.
Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, trong giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm bị truy tố về các tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, "Rửa tiền", “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Cụ thể, các bị cáo đã lừa đảo hơn 30.869 tỷ đồng của trái chủ, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới khoảng 106.730 tỷ đồng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan được xác định là người chịu trách nhiệm chính; còn các bị cáo khác thực hiện hành vi với vai trò giúp sức. Do đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án chung thân về tội:“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”;12-13 năm tù về tội:“Rửa tiền”; 8-9 năm tù về tội: “Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới”; tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Cụ thể, về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ năm 2018 đến năm 2020, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các nhân sự chủ chốt tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã sử dụng 4 công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra để phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo. Bằng các thủ đoạn gian dối, bị cáo Lan và đồng phạm đã bán trái phiếu cho gần 36.000 bị hại chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỷ đồng.
Về tội:“Rửa tiền”, VKS xác định, để che giấu nguồn gốc và hợp thức số tiền hơn 415.000 tỷ đồng tham ô của SCB, từ 1/1/2018 đến 7/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các thuộc cấp thực hiện nhiều thủ đoạn chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB; hoặc chuyển khoản cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản. Hành vi này nhằm tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền. Tổng hợp với số tiền lừa đảo chiếm đoạt của các trái chủ (hơn 30.000 tỷ đồng), bị cáo Lan và đồng phạm đã thực hiện hành vi rửa tiền tổng cộng 445.747 tỷ đồng.
Về tội: “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc thông qua các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài; sau đó thông qua hệ thống SCB, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài. Cụ thể, trong vòng 10 năm (từ 27/10/2012 đến 7/10/2022) đã có 21 công ty thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD. 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định, với 152 giao dịch (tổng cộng hơn 3 tỷ USD). Như vậy, bà Lan và đồng phạm đã Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD - tương đương 106.730 tỷ đồng.
QUANG PHÚC