Xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 “đại án” Vạn Thịnh Phát:

Bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo vì “SCB không phải công ty trách nhiệm hữu hạn mà quy buộc cho một cá nhân”

Thứ ba, 05/11/2024 08:38

Từ ngày 4 đến 25-11, TAND Cấp cao tại TPHCM tiến hành xét xử, xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 47 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan (giai đoạn 1).

Hai bị cáo Trương Mỹ Lan và Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa phúc thẩm ngày 4-11.
Hai bị cáo Trương Mỹ Lan và Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa phúc thẩm ngày 4-11.

Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) kháng cáo toàn bộ bản án ở giai đoạn 1 với mức án tử hình về các tội danh: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Tham ô tài sản”; “Đưa hối lộ”. Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra giám sát NHNN) kháng cáo xin giảm án (bị tuyên án chung thân) về tội: “Nhận hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Capella) kháng cáo xin giảm án (bị tuyên 8 năm tù) về tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo phạm 2 tội danh: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Tham ô tài sản”, gồm: Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch HĐQT SCB, bị tuyên án chung thân); Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB, bị tuyên án chung thân); Tạ Chiêu Trung (thành viên HĐQT SCB, bị tuyên 20 năm tù) cùng kháng cáo xin giảm án. 7 bị cáo kháng cáo xin giảm án về tội: “Tham ô tài sản”; 27 bị cáo kháng cáo xin giảm án về tội: “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; 8 bị cáo kháng cáo xin giảm án về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngoài ra, bị hại trong vụ án là Ngân hàng SCB kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ phần trách nhiệm dân sự trong vụ án. Một số cá nhân, tổ chức có liên quan, như: Công ty CP Quốc Cường Gia Lai kháng cáo đề nghị xem xét giảm số tiền phải hoàn trả theo bản án sơ thẩm; Công ty Âu Lạc và T&H Hạ Long kháng cáo đề nghị hủy bỏ các hợp đồng khung đã ký kết, giải tỏa kê biên trả lại các cổ phần, tài sản công ty đang bị kê biên...

Trong kháng cáo, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng bản án sơ thẩm tuyên tử hình đối với mình là quá nghiêm khắc. Theo đơn kháng cáo, bị cáo Lan trình bày, bà cùng người thân và bạn bè đã giúp Ngân hàng SCB hợp nhất kịp thời theo lời vận động và kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định toàn hệ thống tiền tệ tài chính quốc gia. Thời điểm đó, SCB có tổng tài sản là 145.000 tỷ đồng, trong đó tổng nợ phải trả là 133.000 tỷ đồng với lãi suất 35 - 52% mà SCB không có tài sản đáng giá, áp lực rất lớn. Các cổ đông đã không chia lợi nhuận suốt 11 năm, cho mượn tiền, sổ tiết kiệm, tài sản. SCB đã hoạt động ổn định, không mất thanh khoản, không vay tái cấp vốn, không sử dụng kinh phí của Ngân hàng Nhà nước.

"SCB hoạt động theo luật tổ chức tín dụng dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các liên ngành suốt 11 năm và không phải là một công ty trách nhiệm hữu hạn mà quy buộc cho một cá nhân chịu trách nhiệm toàn bộ… Dù trong hoàn cảnh nào, suốt quá trình điều tra cho tới phiên tòa xét xử sơ thẩm tôi luôn thể hiện sự tự nguyện mang hết tài sản của tôi và tích cực phối hợp cùng SCB giải quyết khắc phục hậu quả, dùng các dự án đang dang dở để thu hồi đúng giá trị cho SCB...”, đơn kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan nêu. Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan xin HĐXX và các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thấu đáo và có đường lối xử lý phù hợp đối với gia đình bà cùng một số cá nhân khác.

Bản án sơ thẩm xác định, từ năm 2011, bị cáo Trương Mỹ Lan thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành SCB. Lợi dụng chính sách của Nhà nước trong đề án tái cơ cấu SCB, bà Lan sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, phục vụ kinh doanh của cá nhân cùng hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua nhiều cá nhân, bà Lan đã chỉ đạo các lãnh đạo chủ chốt tại SCB, Vạn Thịnh Phát, lập hồ sơ khống, rút tiền SCB. Để hợp thức hóa việc rút tiền, tránh bị phát hiện sai phạm, bà Lan yêu cầu cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty "ma", sau đó thực hiện rút tiền mặt hoặc chuyển lòng vòng nhằm cắt đứt dòng tiền. Việc đưa các tài sản đảm bảo có giá trị thấp rồi nâng khống để đảm bảo cho các khoản vay lớn là thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tiền người dân gửi tại SCB.

Cụ thể, từ năm 2012 đến 2017, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Từ tháng 2-2018 đến tháng 10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ, gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Đến tháng 10-2022, nhóm của bị cáo Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi.

Ngoài ra, để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém cùng hàng loạt các sai phạm trong hoạt động cấp tín dụng của SCB bị cơ quan thanh tra phát hiện, bị cáo Trương Mỹ Lan đã đưa hối lộ cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra giám sát NHNN) tổng cộng 5,2 triệu USD.

T.H

Bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ mưu, chịu hình phạt nặng nhất trong vụ án

Ngày 17-10, TAND TP HCM đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

VKS đề nghị án chung thân đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và buộc bồi thường gần 30.870 tỷ đồng

VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 12-13 năm tù về tội: “Rửa tiền”; 8-9 năm tù về tội: “Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Tuyên án tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan

Chiều 11-4, HĐXX TAND TP HCM tiến hành tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.