Báo Công An Đà Nẵng

Không để quy định xây dựng làm khó người dân, doanh nghiệp

Thứ sáu, 05/05/2023 07:20
Cần đưa nội dung quy định về cấp phép xây dựng tạm vào quy chế quản lý kiến trúc thành phố.

Nên cho phép xây dựng tạm

Đà Nẵng đang lấy ý kiến để hoàn thiện hồ sơ quy chế quản lý kiến trúc trình HĐND TP xem xét tại kỳ họp giữa năm 2023. Việc sớm ban hành quy chế quản lý kiến trúc làm cơ sở giúp các cơ quan, địa phương quản lý tốt cảnh quan đô thị, kiến trúc các công trình xây dựng theo quy hoạch được duyệt, góp phần cải tạo, chỉnh trang đô thị có định hướng tạo bản sắc văn hóa, đặc trưng cho đô thị Đà Nẵng.

Ông Lê Văn Dũng- Phó trưởng Ban đô thị, HĐND TP Đà Nẵng cho biết, trong quy chế quản lý kiến trúc thành phố cần bổ sung nội dung quy định về cấp phép xây dựng tạm. Vì quy chế này được xem như là "luật địa phương" để quản lý toàn bộ hoạt động xây dựng cũng như kiến trúc cảnh quan trên địa bàn. Trong khi đó, việc cấp phép xây dựng tạm là vấn đề thực tiễn nảy sinh tại địa bàn, cần đưa vào quy chế để có cơ chế quản lý. Theo ông Dũng, nhiều người dân, doanh nghiệp phản ánh muốn xin cấp phép xây dựng tạm nhưng Sở Xây dựng trả lời không có quy định. Sở Xây dựng trả lời như vậy chưa hoàn toàn chính xác và đây là vấn đề cần tháo gỡ. Ông Dũng nói, lô đất theo quy hoạch kiến trúc phải xây dựng 5 tầng hay 7 tầng, tuy nhiên hiện do điều kiện kinh tế chưa đáp ứng được, họ xin xây dựng tạm kết cấu sắt thép 1-2 tầng nhưng Sở Xây dựng nói không cho phép. Nếu không cho phép xây dựng tạm sẽ lãng phí sử dụng đất đai, khu đất đó sẽ đổ rác, xà bần gây ô nhiễm. Chưa kể, việc cho xây dựng tạm cũng tạo điều kiện cho người dân làm ăn, buôn bán, góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Ông Phùng Phú Phong- Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, tại khu vực vùng quy hoạch thì có quy định riêng về xây dựng tạm. Vấn đề người dân phản ánh, có đơn kiến nghị nhiều liên quan tới cấp phép xây dựng tạm chủ yếu ở khu vực trung tâm, các tuyến đường như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp… Theo ông Phong, trước đây Đà Nẵng có cho phép nhiều công trình trên các khu đất lớn được xây dựng tạm. Tuy vậy, thực tế nhiều chủ đầu tư đã viện vào đó để chậm đưa đất vào sử dụng, tới thời hạn thu hồi thì chây ì, không xử lý được. Tuy nhiên ông Phong cũng thông tin, Sở sẽ nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc này, làm sao để doanh nghiệp không vịn vào đó để chậm đưa đất vào sử dụng.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, cần phải hài hòa, hợp lý giữa mỹ quan đô thị và an sinh xã hội. Như tuyến đường Võ Văn Kiệt, thành phố rất mong muốn xây dựng đẹp, nhưng thực tế cũng có người dân chưa đủ điều kiện xây dựng theo quy hoạch kiến trúc. Do đó TP sẽ xem xét, việc xây dựng tạm ở đây kết cấu thép cho phép chấp nhận được, chứ không phải xây dựng tạm kiểu mái che, quây tôn mất mỹ quan.

Không "đẻ" thêm quy định

Cho phép xây dựng tạm tại các khu đất ở trung tâm sẽ hạn chế tình trạng nhếch nhác mất mỹ quan.

Năm 2021, UBND TP Đà Nẵng có thông báo số 527 quy định "không thực hiện việc lập quy hoạch chi tiết dự án trước khi quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư dự án". Theo ông Lê Văn Dũng, qua rà soát, đối với các quy định pháp luật hiện hành, không có quy định nào về việc không được lập quy hoạch chi tiết trước khi quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Việc quy định nêu trên của UBND TP đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã được HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư. Ông Dũng nói, các dự án sau khi được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư thì phải hơn 1 năm sau mới hoàn thành được quy hoạch chi tiết. Trong khi chủ trương đầu tư thường có thời hạn khoảng 4 năm, làm theo quy định này đã mất hơn 1 năm, như vậy rất chậm trễ. Đơn cử dự án thoát nước Hòa Xuân, phê duyệt từ tháng 4-2021, đến tháng 11-2022 mới phê duyệt quy hoạch chi tiết, mất hơn 1,5 năm. Đến nay phê duyệt quy hoạch chi tiết xong lại phát sinh vấn đề khác, thay đổi, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư lại. Tương tự dự án kết nối từ thôn Lộc Mỹ (Hòa Bắc) qua trục đường 601; dự án chợ đầu mối Hòa Phước cũng kéo dài do vướng quy định này. "Quy định pháp luật không cấm, nhưng thành phố lại quy định phải lập quy hoạch chi tiết sau khi có chủ trương đầu tư, điều này gây cản trở, làm chậm trễ tiến độ đầu tư dự án. Do đó, thành phố cần rà soát lại thông báo số 527, cho phép được tiến hành thủ tục song song", ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, trước đây, các chủ đầu tư trực tiếp trình dự án lên Sở Kế hoạch và Đầu tư mà không thông qua các sở chuyên ngành. Do vậy, vấn đề quy hoạch được duyệt mà chủ trương đầu tư chưa được duyệt thì dẫn đến quy hoạch treo. Hơn nữa, trước đây việc quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ, cho nên quy hoạch tràn lan, các chủ đầu tư chạy đua nhau dành dự án. Bây giờ thì khác, đã quy định, khi thẩm định chủ trương đầu tư yêu cầu phải rà soát lại sự phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của ngành và quy hoạch liên quan. Hiện các sở ngành đã nắm rõ kế hoạch phát triển của sở ngành mình trước khi trình. Không thể trình một dự án không phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành mình. Do đó, không có tình trạng quy hoạch treo.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cũng đề nghị UBND TP rà soát điều chỉnh nội dung tại điểm a khoản 3 Thông báo số 527/TB-VP cho phù hợp với quy định pháp luật; đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành trong quá trình tham mưu các quy định cần kiểm tra, rà soát kỹ, đánh giá sự phù hợp của các quy định, hạn chế vướng mắc, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình triển khai áp dụng.

HẢI QUỲNH