Báo Công An Đà Nẵng

Liên Chiểu tập trung gỡ vướng mặt bằng tại các dự án

Thứ năm, 08/06/2023 08:20
Lãnh đạo quận Liên Chiểu kiểm tra thực tế các dự án bị vướng giải phóng mặt bằng.

Tại vị trí nút giao thông trục 1 Tây Bắc - Quốc lộ 1A, ngay cổng vào khu công nghiệp Hòa Khánh (thuộc dự án tuyến đường trục 1 Tây Bắc) khởi động đã nhiều năm nay, nhưng việc triển khai thi công đang đối mặt với nhiều vướng mắc. Là dự án trọng điểm của thành phố, ngoài vị trí nói trên, nhiều đoạn từ nút giao thông Ngã ba Huế đến Bệnh viện Ung bướu; đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến Quốc lộ 1A và đoạn nối Nguyễn An Ninh từ nút giao Quốc lộ 1A đến đường sắt vẫn kéo dài chưa thể hoàn thành.

Đây là dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, ban đầu có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Tuy nhiên do vướng mặt bằng, triển khai kéo dài dẫn đến trượt giá đền bù, buộc phải nâng tổng mức đầu tư lên 966 tỷ đồng. Có điều, tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị thực hiện phần xây lắp thi công của dự án mới đạt hơn 30 tỷ đồng. Nguyên nhân là dự án gần như "án binh bất động" trong 2 năm qua bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, trong đó có vướng về khâu giải phóng mặt bằng, và khả năng không kịp về đích như kế hoạch ấn định của UBND thành phố là cuối tháng 6-2023 này.

Ông Nguyễn Đăng Huy - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết: "Đối với dự án này, đã triển khai đền bù giải tỏa rất là lâu, tuy nhiên có một số khó khăn vướng mắc như giá trị đền bù, cũng như giá trị nộp tiền sử dụng đất của người dân gặp nhiều khó khăn. Địa phương cũng đã tổ chức nhiều đoàn đi vận động, đồng thời phối hợp với các sở, ngành tham mưu thành phố để có những tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi cho người dân sau khi giải tỏa, nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn chưa tháo gỡ xong.

Tổ công tác vận động bàn giao mặt bằng tại dự án Nút giao thông trục I Tây Bắc - QL1A.

Hay như dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Như Hạnh (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, đoạn tuyến khoảng 1km (từ đường sắt Bắc - Nam đến kênh Phú Lộc) cũng vậy. Đoạn đường xuống cấp đã lâu, ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông; các hộ dân sống dọc hai bên đường kêu trời không thấu bởi liên tục chịu cảnh ô nhiễm do mưa bùn, nắng bụi nhiều năm nay. Vì thế, thành phố đã phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Như Hạnh với tổng kinh phí đầu tư là 37 tỷ đồng từ quý I-2018, nhưng đến nay người dân địa phương và phương tiện qua lại tuyến đường vẫn tiếp tục đối mặt với cảnh bị "ổ gà", "sống trâu" hành hạ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2023, trên địa bàn quận triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng tại 47 dự án, với tổng số hồ sơ giải tỏa là 4.128 hồ sơ, trong đó số hồ sơ cần bàn giao trong năm 2023 là 2.126 hồ sơ. Với khối lượng công việc lớn, ngay từ đầu năm, quận Liên Chiểu đã sớm triển khai các giải pháp; trong đó chú trọng việc tiếp dân, đối thoại để lắng nghe, đồng thời trực tiếp kiểm tra thực tế để sớm có hướng giải quyết. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều hộ giải tỏa làm nhà ở trên đất không phải là đất ở, theo quy định không được bồi thường về đất và không được tái định cư nên người dân gặp nhiều khó khăn, bởi thực tế có trường hợp không có chỗ ở nào khác.

Ông Phạm Ngọc Lãnh - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, chia sẻ: Có rất nhiều vướng mắc dẫn đến công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án gặp nhiều khó khăn. Một số dự án như: Khu số 1 trục I Tây Bắc, trường Tiểu học Trung Nghĩa, dự án Trung tâm huấn luyện SHB mở rộng… "Cái khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là giải quyết cho các hộ làm nhà trên đất nông nghiệp. Theo quy định của thành phố thì các trường hợp làm nhà trên đất nông nghiệp sẽ không được xem xét bố trí tái định cư. Tuy nhiên, hiện nay người dân đang ở thực tế, không có nơi ở nào khác. Vì vậy, việc vận động các hộ dân này bàn giao mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn" - ông Lãnh nói.

Lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu thông tin, qua thực tế triển khai thì nhiều dự án chậm tiến độ bởi gặp vướng mắc kéo dài. Quận cũng đã kiến nghị thành phố sớm tháo gỡ để đẩy nhanh việc giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho dự án thi công. Cụ thể, nhiều trường hợp có giá trị bồi thường về đất rất thấp, trong khi giá đất tái định cư cao nên không đủ tiền để nộp tiền sử dụng đất và xây dựng nhà ở. Ngoài ra, một số dự án đã kéo dài dẫn đến giá đền bù về đất, nhà cửa, vật kiến trúc không còn phù hợp với giá thị trường hiện nay. Đối với các dự án mới triển khai, quận đã đề xuất thành phố xây dựng quy trình bồi thường sát với giá đất thị trường theo Luật Đất đai, để các dự án sớm triển khai nhanh và hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Công Hạnh