Giải pháp nào để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí Đà Nẵng ?

Thứ hai, 22/05/2023 08:40
Theo lãnh đạo Hội Cơ khí TP Đà Nẵng, trong thời gian qua, ngành công nghiệp cơ khí của TP lớn mạnh không ngừng, đã và đang đóng góp hiệu quả đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành công nghiệp cơ khí của TP vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại.
Ông Phạm Thanh Hòa
Kỹ sư, công nhân Công ty TNHH cơ nhiệt điện Hưng Tiến Việt thi công một dự án sản xuất nồi hơi.

Hiện trên địa bàn TP có khoảng 50 doanh nghiệp cơ khí, sản xuất các sản phẩm như: máy móc thiết bị, đồ gá, chi tiết máy, phụ tùng ô-tô và xe máy, động cơ và các sản phẩm cơ khí khác. Ông Nguyễn Thế Tranh - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP Đà Nẵng, chia sẻ, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp cơ khí có nhà máy lớn, thiết bị hiện đại sản xuất sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài hoặc được các doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng, thì phần lớn doanh nghiệp cơ khí còn lại của TP có quy mô vừa và nhỏ, năng lực sản xuất thấp, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước và tại khu vực Miền Trung. "Nhìn chung, ngành cơ khí Đà Nẵng chưa đóng vai trò là ngành công nghiệp nền tảng, chưa có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, chưa có nhiều công nghệ sản xuất hiện đại để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số phân ngành, nhiều chính sách cho ngành cơ khí gặp khó khăn trong quá trình triển khai…", ông Nguyễn Thế Tranh chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Phú Hòa - Chánh văn phòng Hội Cơ khí TP Đà Nẵng, đa số doanh nghiệp cơ khí của TP thiếu vốn hoạt động, vẫn sử dụng nhiều máy móc, thiết bị lạc hậu với năng suất và chất lượng kém; việc mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực công nghệ chưa đủ mạnh, thậm chí ngay tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp cơ khí của TP cũng khó có thể tham gia được vào các dự án, công trình có quy mô lớn trong ngành dầu khí, thép, hóa chất, năng lượng, v.v… Tiến sỹ Hồ Trần Anh Ngọc (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng), chia sẻ thêm: Công nghiệp cơ khí là ngành có yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ. Do đó đòi hỏi chủ yếu là lao động kỹ thuật. Tuy nhiên, TP hiện thiếu đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, nhất là các kỹ sư và kỹ thuật viên có trình độ cao, có khả năng tiếp nhận các công nghệ, thiết bị mới, tiên tiến, hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp đối tác, nhất là doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, theo ông Hà Kim Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Inox Kính Thành, ngành công nghiệp cơ khí có lượng máy móc thiết bị nặng, cồng kềnh, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu nên rất cần mặt bằng đủ lớn, ổn định và lâu dài để các doanh nghiệp cơ khí yên tâm đầu tư.

Để thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Đà Nẵng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP, theo Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP Đà Nẵng Nguyễn Thế Tranh, lãnh đạo TP cần có các chính sách đặc thù, ưu tiên, khuyến khích phát triển ngành cơ khí của TP; các doanh nghiệp cơ khí cả TP cần mạnh dạn đầu tư thay đổi cách thức sản xuất, hiện đại hóa công nghệ, chuyển đổi chuỗi cung ứng thông minh hơn và kết nối tốt hơn, tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững. Chánh văn phòng Hội Cơ khí TP Đà Nẵng Nguyễn Phú Hòa đề nghị có chính sách hỗ trợ lãi suất vay đối với các doanh nghiệp cơ khí xuống còn 5%/năm, trong đó, đặc biệt ưu tiên giải quyết vốn vay với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp cơ khí đầu tư máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, hàm lượng công nghệ cao; bên cạnh đó, Nhà nước cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để bảo đảm dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia vào dự án như thông lệ quốc tế nhằm mục tiêu không cần phải mua toàn bộ từ nước ngoài, mà khuyến khích doanh nghiệp cơ khí trong nước nhận chuyển giao công nghệ để tự làm; tạo cơ chế hỗ trợ đầu tư trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp cơ khí mạnh dạn đầu tư công nghệ mới hoặc được tuyên dương, khen thưởng, ứng dụng kịp thời vào thực tiễn đối với các phát minh, sáng chế được cấp bằng sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp cơ khí.

Tiến sỹ Hồ Trần Anh Ngọc (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng) cho rằng để thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Đà Nẵng, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành trên địa bàn TP cần xây dựng và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm nghiên cứu giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho cán bộ giảng dạy và sinh viên tiếp cận với công nghệ tiên tiến và ứng dụng thực tiễn; triển khai các chương trình thực tập cho sinh viên tại các doanh nghiệp cơ khí, giúp sinh viên tiếp cận thực tế và rèn luyện kỹ năng làm việc, nâng cao kỹ năng mềm và tích lũy kinh nghiệm từ thực tế của doanh nghiệp.

Đại diện cho các doanh nghiệp cơ khí của TP, ông Hà Kim Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Inox Kính Thành đề nghị lãnh đạo TP, Sở Công Thương TP quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành đưa vào hoạt động các khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hòa Nhơn, Khu công nghiệp Hòa Ninh và các cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam để tạo thêm quỹ đất ưu tiên bố trí mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp cơ khí đang cần có mặt bằng để khởi nghiệp hay đầu tư mở rộng sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thu hút các công ty, tập đoàn công nghiệp đa quốc gia đầu tư vào TP gắn với việc phát triển nhà cung cấp nội địa nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí TP đủ điều kiện, năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

PHÚ NAM

Cần chính sách đồng bộ

Ông Phạm Thanh Hòa

Ông Phạm Thanh Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH cơ nhiệt điện Hưng Tiến Việt, một trong những đơn vị cung cấp nồi hơi và sản phẩm cơ khí hàng đầu tại Đà Nẵng, cho biết, mặt bằng sản xuất, kinh doanh là một trong những vấn đề doanh nghiệp ngành cơ khí đặc biệt quan tâm. Hiện nay, quỹ đất ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành cho ngành cơ khí, chế tạo còn rất hạn chế. Doanh nghiệp lúng túng trong việc tiếp cận đất đai để mở rộng sản xuất, kinh doanh, rất cần sự tư vấn, hỗ trợ của chính quyền thành phố. Để phát triển ngành cơ khí TP Đà Nẵng trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội, ông Phạm Thanh Hòa kiến nghị: Cùng với nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố, Sở Công Thương và các ngành chức năng sớm nghiên cứu, ban hành chính sách đồng bộ về quy hoạch, đất đai, nguồn vốn, thị trường và nguồn nhân lực. Đồng thời, những chính sách này cần tham vấn chuyên sâu các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp ngành cơ khí nhằm đảm bảo tính khả thi, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.