Mỹ áp đặt thuế 245% lên hàng hóa Trung Quốc
Theo tờ The Times of India, động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc yêu cầu các hãng hàng không trong nước ngừng mua máy bay Boeing mới - một đòn giáng trực tiếp vào ngành công nghiệp hàng không Mỹ. Trước đó, vào đầu tháng 4, Mỹ đã tăng thuế lên 145% đối với một số hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phản ứng bằng việc nâng thuế nhập khẩu từ Mỹ lên 125%, đồng thời siết chặt kiểm soát xuất khẩu với các khoáng sản công nghệ cao thiết yếu.
Theo Nhà Trắng, các biện pháp thuế mới là một phần trong cuộc rà soát an ninh quốc gia toàn diện đối với các mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Động thái này cũng phản ánh mối quan ngại của Washington trước việc Trung Quốc tạm ngừng xuất khẩu các nguyên liệu công nghệ cao chiến lược, bao gồm kim loại đất hiếm nặng và nam châm đất hiếm - những thành phần quan trọng trong lĩnh vực sản xuất ô-tô, hàng không vũ trụ, chất bán dẫn và thiết bị quốc phòng.
Trong tuyên bố chính thức, Nhà Trắng khẳng định: "Trung Quốc hiện đối mặt với mức thuế lên tới 245% đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ do các hành động trả đũa gần đây của nước này. Những biện pháp này được thực hiện vì lý do an ninh quốc gia". Tuyên bố cũng liệt kê hàng loạt hành động từ phía Trung Quốc - bao gồm lệnh cấm xuất khẩu gali, germani, antimon và nhiều vật liệu chiến lược có khả năng ứng dụng trong lĩnh vực quân sự. "Chỉ trong tuần này, Trung Quốc đã đình chỉ xuất khẩu 6 loại kim loại đất hiếm nặng và các loại nam châm đất hiếm, nhằm hạn chế nguồn cung toàn cầu", Nhà Trắng cho biết.
Nhà Trắng đồng thời nhắc lại định hướng thương mại "Nước Mỹ trên hết" do Tổng thống Donald Trump khởi xướng từ ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ. Chính sách này đặt mục tiêu phục hồi sức mạnh kinh tế và tự chủ quốc gia thông qua các biện pháp thuế quan cứng rắn, trong đó có việc áp mức thuế 10% lên hàng nhập khẩu từ tất cả các nước, và cao hơn đối với những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ.
Dù mức thuế chính xác với từng mặt hàng Trung Quốc chưa được công bố, các quan chức Mỹ cho biết con số có thể lên đến 245%, đánh dấu bước leo thang mạnh mẽ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong diễn biến có liên quan, Tổng thống Trump cùng ngày đã ký sắc lệnh yêu cầu điều tra khả năng áp thuế đối với tất cả các mặt hàng khoáng sản quan trọng nhập khẩu vào Mỹ. Reuters đưa tin, ông Trump đã ký lệnh chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick khởi động cuộc điều tra an ninh quốc gia theo Điều 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962. Đây chính là đạo luật mà ông từng sử dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên để áp thuế toàn cầu 25% đối với thép và nhôm, và phát động đánh giá khả năng áp thuế với đồng vào hồi tháng 2 vừa qua. Tháng 2 năm nay, ông Trump cũng viện dẫn điều luật này để mở cuộc điều tra về khả năng áp thuế đối với mặt hàng đồng nhập khẩu vào Mỹ. Cuộc điều tra mới sẽ xem xét toàn diện các động lực thị trường liên quan đối với các khoáng sản quan trọng như cobalt, nickel, 17 nguyên tố đất hiếm, uranium và các nguyên tố khác mà giới chức Mỹ xác định là thiết yếu đối với an ninh quốc gia. Sắc lệnh có đoạn nêu rõ: "Sự phụ thuộc của Mỹ đối với hàng nhập khẩu và tính dễ tổn thương của chuỗi cung ứng đã làm gia tăng rủi ro đối với an ninh quốc gia, khả năng phòng thủ, ổn định giá cả, thịnh vượng và khả năng phục hồi kinh tế của đất nước".
Cùng ngày, Tổng thống Trump đã lên tiếng bảo vệ chính sách thuế quan, cho biết giá của tất cả hàng hóa trên thị trường nước này, trong đó có giá xăng dầu và hàng tạp hóa đã giảm trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới có được khoản thu thuế "kỷ lục". Trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social, Tổng thống Trump cũng tuyên bố lạm phát ở Mỹ đang giảm. Tuy nhiên, ông không nêu dữ liệu cụ thể.
Tuần trước, Chính phủ Mỹ công bố dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 3 vừa qua tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm so với mức 2,8% của tháng 2. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 9-2024, cho thấy đà tăng giá tiêu dùng đang có dấu hiệu chững lại. Trước đó, trong một sự kiện tại Nhà Trắng ngày 8-4, ông Trump thông báo nước này đang thu về khoảng 2 tỷ USD mỗi ngày từ các khoản thuế quan.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ áp thuế trả đũa đối với giấy vệ sinh, đậu tương, mỹ phẩm mắt và hàng trăm mặt hàng khác của Mỹ nếu các cuộc đàm phán thương mại với Washington không đạt được kết quả. Khối 27 quốc gia này hôm 14-4 đã công bố danh sách dài các sản phẩm của Mỹ, phần lớn sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 25% nếu hai bên không đạt được thỏa thuận. Khoảng 400 sản phẩm của Mỹ trong danh sách có thể bị áp thuế cao hơn từ giữa tháng 7-2025. Khoảng 1.300 mặt hàng khác cũng có thể bị đánh thuế nhập khẩu cao vào cùng thời điểm hoặc sau đó. Động thái "ăn miếng trả miếng" này là một phần trong cuộc chiến thương mại rộng hơn, được châm ngòi bởi loạt thuế quan mạnh tay do Tổng thống Trump áp lên nhiều đối tác thương mại. Cuộc chiến này đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái không chỉ với kinh tế Mỹ mà cả toàn cầu.
AN BÌNH