Chính quyền Tổng thống Trump bị kiện vì áp đặt thuế quan mới

Thứ tư, 16/04/2025 10:29

Ngày 14-4, Trung tâm Tự do tư pháp (LJC) - một tổ chức vận động pháp lý phi đảng phái - đã đệ đơn lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ yêu cầu ngăn chặn Tổng thống Donald Trump áp đặt các mức thuế quan mới lên các đối tác thương mại nước ngoài, viện dẫn rằng Tổng thống Mỹ đã vượt quá thẩm quyền.

Tổng thống Donald Trump và một sắc lệnh hành pháp.
Tổng thống Donald Trump và một sắc lệnh hành pháp.

LJC đại diện 5 doanh nghiệp nhỏ của Mỹ chuyên nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan. Đơn kiện nhằm phản đối mức thuế quan được Tổng thống Trump công bố ngày 2-4, cũng như các mức thuế riêng biệt áp lên Trung Quốc. Sắc lệnh hành pháp của ông Trump viện dẫn Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) - vốn trao cho tổng thống đặc quyền để đối phó với các mối đe dọa “bất thường hoặc phi thường” đối với Mỹ. Tuy nhiên, theo luật sư cấp cao Jeffrey Schwab của LJC, Hiến pháp Mỹ trao quyền thiết lập thuế suất, bao gồm cả thuế quan, cho Quốc hội chứ không phải cho Tổng thống, do đó, không ai có quyền đơn phương áp đặt các loại thuế có tác động kinh tế toàn cầu sâu rộng như vậy.

Trước đó, chính quyền của ông Trump cũng đang phải đối mặt với vụ kiện tương tự tại Tòa án liên bang ở Florida, nơi một chủ doanh nghiệp nhỏ đã yêu cầu thẩm phán ngăn chặn việc áp thuế quan đối với Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Harrison Fields đã lên tiếng bảo vệ các mức thuế của ông Trump. "Những người chống ông Trump sẽ luôn phản đối ông ấy. Nhưng Tổng thống Trump đang bảo vệ Phố Wall bằng cách chấm dứt tình trạng các đối tác thương mại của chúng ta - đặc biệt là Trung Quốc - lợi dụng Mỹ. Kế hoạch của ông ấy tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp và người lao động, nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia về thâm hụt thương mại lâu năm của đất nước chúng ta", ông Fields cho biết.

Trong một động thái liên quan, ngày 14-4, Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng tạm ngừng áp thuế đối với ngành ô-tô nhằm tạo điều kiện để các nhà sản xuất có thêm thời gian điều chỉnh và tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Trả lời báo giới tại Phòng Bầu dục, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết: “Tôi đang cân nhắc một số biện pháp hỗ trợ các nhà sản xuất ô-tô”. Tổng thống Trump giải thích rằng các hãng ô-tô cần thời gian để chuyển dịch sản xuất khỏi Canada, Mexico và các quốc gia khác. Ông Matt Blunt, Chủ tịch Hội đồng chính sách ô-tô Mỹ cho rằng mục tiêu của chính sách thuế quan của ông Trump sẽ giúp thúc đẩy sản xuất nội địa nhưng cũng nhấn mạnh răng điều này có thể làm suy yếu mục tiêu chung là xây dựng một ngành công nghiệp ô-tô Mỹ phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên trái ngược với động thái trên, chính quyền Tổng thống Trump lại đang xúc tiến các cuộc điều tra đối với việc nhập khẩu dược phẩm và chất bán dẫn nhằm chuẩn bị cho việc áp thuế đối với hai lĩnh vực này. Phía Mỹ viện dẫn rằng phụ thuộc quá mức vào sản xuất nước ngoài trong các ngành trọng yếu có thể đe dọa an ninh quốc gia. Theo thông báo trên Công báo Liên bang Mỹ ngày 14-4, các cuộc điều tra sẽ kéo dài 270 ngày.

Trong khi đó, giới chức Mỹ cho biết các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và đối tác đang diễn ra nhanh chóng. Ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Trump, ngày 15-4 cho biết, Mỹ đang tiến gần thỏa thuận thương mại với hơn 10 đối tác thương mại.

* Washington Post ngày 14-4 trích dẫn một tài liệu nội bộ, đưa tin: Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho đang lên kế hoạch cắt giảm mạnh ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó bao gồm việc ngừng gần như toàn bộ tài trợ cho NATO, Liên hợp quốc và hơn 20 tổ chức quốc tế khác.

Theo kế hoạch, tổng ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao Mỹ trong năm tài khóa tới sẽ chỉ còn 28,4 tỷ USD, giảm 48% so với mức được Quốc hội phê duyệt cho năm 2025. Việc tài trợ sẽ chỉ được duy trì ở mức tối thiểu cho một số ít cơ quan như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Politico cho biết, ngân sách dành cho "các tổ chức quốc tế" nhiều khả năng bao gồm cả các cơ quan của Liên hợp quốc, sẽ bị cắt giảm từ 1,5 tỷ USD xuống chỉ còn 169 triệu USD. Mỹ chưa bình luận về thông tin nói trên.

B.N

Đằng sau quyết định hoãn áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ

Tổng thống Donald Trump bất ngờ đảo ngược kế hoạch áp thuế đối ứng toàn diện khi tuyên bố tạm hoãn ba tháng. Có một số yếu tố chính khiến ông Trump đưa ra quyết định này.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ làm Trưởng đoàn đàm phán thương mại với Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 10/4 (giờ địa phương), tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã có các cuộc làm việc với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick.

Việt Nam - Hoa Kỳ nhất trí khởi động đàm phán một thoả thuận thương mại đối ứng

Chiều 9/4 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer.