Báo Công An Đà Nẵng

Nạn đói đã lan rộng khắp Dải Gaza

Thứ năm, 11/07/2024 10:42
Người dân chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Ngày 9-7, các chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) khẳng định không thể phủ nhận nạn đói đang diễn ra ở Gaza. Cơ quan y tế Gaza thông báo ít nhất 33 trẻ em đã chết vì suy dinh dưỡng, hầu hết ở các khu vực phía Bắc - nơi gần đây phải đối mặt với chiến dịch quân sự mà Israel phát động sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7-10-2023 ở miền Nam Israel.

Các chuyên gia nói: "Với cái chết của những đứa trẻ này vì đói mặc dù được điều trị y tế ở miền Trung Gaza, không còn nghi ngờ gì nữa rằng nạn đói đã mở rộng từ miền Bắc Gaza đến miền Trung và miền Nam Gaza". Tuyên bố của nhóm chuyên gia nhân quyền - được các chuyên gia bao gồm Báo cáo viên đặc biệt Liên hợp quốc về quyền lương thực Michael Fakhri công nhận - đã lên án "chiến dịch bỏ đói có chủ đích của Israel đối với người dân Palestine".

Trong phản ứng của mình, phái đoàn Israel tại trụ sở LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ) bác bỏ cáo buộc về nạn đói tại Gaza, đồng thời nhấn mạnh đánh giá mới nhất theo thang bậc Xác định giai đoạn an ninh lương thực của LHQ cho thấy nạn đói đã không xảy ra sau khi khả năng tiếp cận viện trợ được cải thiện phần nào. Tuyên bố của Israel nêu rõ: "Israel đã liên tục tăng cường phối hợp và hỗ trợ trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo trên khắp Dải Gaza".

Khủng hoảng nhân đạo trầm trọng thêm

Trong gần 2 tháng qua, hàng trăm xe tải chở đầy thức ăn và nước uống đã bị mắc kẹt bên phía Ai Cập để đợi cấp phép đưa hàng viện trợ nhân đạo cần thiết vào Dải Gaza đang bị chiến tranh tàn phá. Cách biên giới Gaza khoảng 50 km, xe tải chở bột mì, nước và các mặt hàng viện trợ khác đang xếp hàng dài theo cả hai hướng. Các tài xế cho biết họ đã chờ đợi vài tuần ở đây trong cái nóng thiêu đốt của Ai Cập. Một số tài xế có xe tải đỗ ở ngoại ô thành phố al-Arish ở bán đảo Sinai của Ai Cập cho hay họ đã không thể cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo, kể từ khi Israel mở rộng chiến dịch quân sự tại khu vực biên giới Gaza-Ai Cập vào tháng 5. Nhiều xe đã đợi trong 50 ngày và sau đó phải đưa hàng trở về vì thực phẩm đã hết hạn.

Vào tháng 5, quân đội Israel bắt đầu tấn công thành phố Rafah, phía Nam của Gaza. Kể từ thời điểm đó, cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập, con đường huyết mạch nối Gaza với thế giới bên ngoài, cho phép việc cung cấp viện trợ và sơ tán bệnh nhân, đã bị đóng. Các cuộc đàm phán có sự tham gia của Ai Cập, Mỹ và Israel đã thất bại trong việc mở lại cửa khẩu Rafah.

Mặc dù hàng viện trợ và thương mại vẫn vào Gaza qua các cửa khẩu biên giới đất liền khác, bằng đường hàng không và đường biển, nhưng nguồn cung quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu. Việc phân phối hàng viện trợ tại Gaza vốn đã khó khăn từ trước khi Israel tấn công Rafah. Israel đã áp đặt các hạn chế đối với hàng hóa vào khu vực này nhằm ngăn phong trào Hamas tiếp cận. Một số đoàn xe viện trợ cũng bị nhầm lẫn thành mục tiêu trong các cuộc tấn công của Israel, khiến các nhân viên cứu trợ thiệt mạng.

Xe tăng Israel tiến sâu vào Gaza

Các quan chức Palestine cho biết quân đội Israel đang tăng cường không kích ở khu vực Nam Gaza và đưa xe tăng tiến sâu vào thành phố Gaza. Các cuộc không kích vào khu lều trại của các gia đình Palestine ở bên ngoài một trường học ở thị trấn Abassan, phía Đông Khan Younis, đã làm ít nhất 29 người Palestine thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, các nhân chứng cho biết xe tăng của Israel đã tiến sâu vào các khu vực Al-Hawa, Shejaia và Sabra của thành phố Gaza, buộc nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa.

Trong hai ngày 7 và 8-7, quân đội Israel yêu cầu hàng chục nghìn người dân ở 19 tòa nhà chung cư ở thành phố Gaza phải sơ tán khẩn cấp. Ngày 9-7, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Stephane Dujarric, cho biết các nhân viên cứu trợ nhân đạo của cơ quan này đã bày tỏ quan ngại về lệnh sơ tán của Israel. Trước đó, ngày 8-7, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) cho biết 90% dân số Gaza phải rời bỏ nhà cửa sau 9 tháng xung đột. Những người phải di tản nhiều lần sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả khi mất dần tài sản, khả năng tìm nơi trú ẩn mới và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.

AN BÌNH

Biểu tình phản đối chính phủ Israel lớn nhất từ trước đến nay

Ngày 22-6, khoảng 150.000 người Israel đã tập trung tại Tel Aviv, tổ chức biểu tình chống lại chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, yêu cầu tổ chức bầu cử sớm và trao trả các con tin bị giam giữ ở Gaza. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi xung đột Israel- Hamas bùng phát ở Gaza vào tháng 10-2023.

Mỹ lo ngại hệ thống Vòm Sắt của Israel sẽ bị Hezbollah áp đảo

Các quan chức Mỹ thực sự lo ngại rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Lebanon, lực lượng này có thể áp đảo hệ thống phòng không của Israel ở phía Bắc, kể cả hệ thống phòng không Vòm Sắt.