Nan giải bài toán di dời Làng nghề đá Non Nước
Bộc lộ nhiều bất cập ngay ở giai đoạn 1
Làng đá MNNN là làng nghề truyền thống lâu đời của quận Ngũ Hành Sơn, hiện có hơn 400 cơ sở sản xuất, đang giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đô thị, nỗi lo ô nhiễm từ làng nghề này theo đó cứ lớn dần lên. Bởi lẽ, trong quá trình sản xuất đá mỹ nghệ đã gây tiếng ồn lớn, gây bụi và ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân xung quanh cũng như môi trường du lịch nơi đây. Chính vì thế, gần 15 năm qua, chính quyền TP Đà Nẵng đã lên phương án di dời Làng nghề đá MNNN này…
Cụ thể, thời gian qua, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã thực hiện công tác quy hoạch giai đoạn 1 (từ năm 2008-2016), thực hiện bố trí, sắp xếp mặt bằng (theo quy hoạch- P.V) 35 ha và tiến hành di dời 384 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ nằm dọc tuyến đường Huyền Trân Công chúa cùng các vùng phụ cận vào điểm sản xuất tập trung; đồng thời phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 2 của làng đá MNNN nhằm hoàn thiện công tác quy hoạch, giải quyết dứt điểm công tác di dời, phân bố mặt bằng cho hơn 150 cơ sở sản xuất vẫn nằm trong khu dân cư. Cụ thể, sẽ mở rộng diện tích làng nghề về hướng Đông nam của phường Hòa Hải. Dự toán mức đầu tư cơ sở hạ tầng ở giai đoạn 2 từ khoảng 40 - 50 tỷ đồng (chưa kể chi phí giải tỏa, đền bù) từ nguồn ngân sách thành phố và nguồn vốn khuyến công của Bộ Công thương hỗ trợ cho việc gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống ở các địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch làng nghề đá MNNN giai đoạn 1 đã bộc lộ nhiều bất cập. Ông Nguyễn Văn Nho - chủ xưởng sản xuất Văn Nho cho biết, làng nghề được phân lô với diện tích chiều ngang 5 m, chiều dài khoảng 25 m. Vì diện tích quá nhỏ, không phù hợp với công việc sản xuất nên nhiều hộ phải để sản phẩm tràn ra vỉa hè. Hệ thống thoát nước của làng nghề cũng không đủ tải khiến nước đổ lênh láng ở mặt đường. Tương tự, gia đình bà Phạm Thị Hải - chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Sơn Hải cho hay: Sau 5 năm dời về đây, công việc sản xuất - kinh doanh của gia đình bà không mấy thuận lợi do diện tích đất chỉ có 100m2, quá chật hẹp nên gần như không thể sản xuất, thợ nghỉ việc dần vì môi trường quá chật chội cùng bụi đá mù mịt và việc trưng bày, vận chuyển sản phẩm đá gặp nhiều khó khăn… “Với diện tích phân lô như hiện nay (5m x 20m) chỉ phù hợp với các dự án tái định cư xây dựng nhà ở. Còn người kinh doanh nghề đá như chúng tôi, cần nhất là lô đất có bề ngang rộng từ 7,5m - 10m, bề sâu 15 - 20m mới đảm bảo việc sản xuất…”, một hộ dân trong làng nghề trao đổi.
Chính vì những bất cập đó đã dẫn đến tiến độ di dời làng nghề này rơi vào vòng luẩn quẩn…
Loay hoay bài toán di dời
Theo ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, vấn đề ô nhiễm tại làng nghề đá MNNN là vấn đề bức xúc nhất tại địa phương. Bên cạnh đó, chủ trương quy hoạch, mở rộng làng nghề đá MNNN tại địa bàn phường Hòa Hải (giai đoạn 2- P.V) đã mâu thuẫn với quy hoạch chung nhằm xây dựng Ngũ Hành Sơn trở thành khu đô thị Dịch vụ-Du lịch phía Đông nam Đà Nẵng giai đoạn 2025-2030. Do đó, phương án tốt nhất là di dời làng đá MNNN đến một địa điểm mới, cách xa khu dân cư nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Còn theo ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, việc di dời là cần thiết nhưng phương án tốt nhất là chia làng nghề đá MNNN thành 2 phần riêng biệt. Một là quy hoạch khu sản xuất phôi đá thành tượng bán thành phẩm tại địa điểm mới, xa khu dân cư để hạn chế việc tác động đến môi trường; hai là xây dựng làng nghề hiện tại thành khu hoàn thiện sản phẩm, không gian nghệ thuật để khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về làng đá MNNN.
Trong khi đó, ông Lưu Vạn Tâm Anh - Trưởng Ban Quản lý Làng nghề đá MNNN lại cho rằng, “chủ trương di dời làng nghề đã có từ lâu, đây là chủ trương đúng đắn nên chúng tôi thống nhất thực hiện”. Cũng theo ông Tâm Anh, ban đầu dự án này được UBND TP Đà Nẵng giao cho Sở Công thương chủ trì, di dời đến cụm công nghiệp tại xã Hòa Nhơn nhưng chưa được chấp nhận. Hiện tại thì được giao cho Phòng Kinh tế Ngũ Hành Sơn xây dựng phương án di dời đến địa điểm mới tại xã Hòa Ninh. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Tâm Anh, khi di dời Nhà nước cũng cần nghiên cứu đến quyền lợi của những cơ sở sản xuất. Vì giữa địa điểm sản xuất và nơi tiêu thụ cách nhau quá xa sẽ tiêu tốn thêm cước vận chuyển, làm giá thành sản phẩm tăng cao, rất khó để người tiêu dùng chấp nhận…
Việc di dời làng nghề đá MNNN là cần thiết nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như môi trường du lịch nơi đây. Theo đó, việc triển khai theo phương án nào và thời gian nào thực hiện cần sớm có lời giải để chủ những cơ sở sản xuất đá MNNN được “an cư, lạc nghiệp”, bảo tồn làng nghề và góp phần để ngành du lịch Đà Nẵng phát triển...
M.T