Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới

Thứ ba, 08/08/2023 09:22
Thực tế cho thấy, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) thời gian qua đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Dân làng Túy Loan (xã Hòa Phong) trình diễn các công đoạn sản xuất bánh tráng truyền thống để du khách tham quan lễ hội trải nghiệm.
Nhân dân thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến) tổ chức rước Bằng công nhận Đình làng Cẩm Nê là Di tích lịch sử cấp thành phố vào tháng 7-2023.

Hòa Vang là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc và là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa truyền thống. Làng quê nào cũng có đình, miếu cổ tôn thờ các anh hùng dân tộc và những người có công với nước, với dân. Đến nay, 34 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn huyện đã được xếp hạng cấp quốc gia, thành phố đều có tổ chức lễ hội định kỳ như đình làng Túy Loan, Bồ Bản (xã Hòa Phong), Vân Dương, Hưởng Phước (xã Hòa Liên), Thái Lai, Phước Thuận (xã Hòa Nhơn)… Nội dung lễ hội luôn gắn liền với các hoạt động mang đậm tính nhân văn sâu sắc: trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ gia đình khó khăn, đoàn kết các tộc họ. Đặc biệt, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng, nhất là việc sưu tầm phổ biến các loại hình văn học - nghệ thuật dân ca, Bài Chòi, hò khoan đối đáp; phối hợp với các cơ quan chuyên môn khôi phục lại các lễ hội có nguy cơ mai một như: Mục đồng đình Thần nông làng Phong Lệ (xã Hòa Châu); văn hóa phi vật thể và nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu các xã Hòa Bắc, Hòa Phú… đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân. Vì vậy, khi xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, người dân không thể tách rời nền tảng văn hóa lâu đời của địa phương.

Dân làng Túy Loan (xã Hòa Phong) trình diễn các công đoạn sản xuất bánh tráng truyền thống để du khách tham quan lễ hội trải nghiệm.

Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, các phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, đời sống văn hóa, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc được nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tích cực tham gia. Nổi bật nhất phải kể đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã làm khởi sắc bộ mặt nông thôn, cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó. Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, phong trào xây dựng nông thôn mới cũng đã tạo ra diện mạo nông thôn hiện đại, văn minh nhưng không vì thế mà mất đi bản sắc văn hóa lâu đời ở từng gia đình, dòng tộc. Việc thực hiện tiêu chí văn hóa đã thực sự đi vào cuộc sống và được các tầng lớp nhân dân đón nhận tích cực. Các tộc họ xã Hòa Tiến chủ động vận động con cháu đầu tư, xây mới các ngôi đình An Trạch, Lệ Sơn, La Bông đã bị chiến tranh, thiên tai tàn phá để có chỗ hương khói cho các bậc tiền nhân…

Điều đó cho thấy, một khi người dân được quán triệt sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thì ý thức được nâng lên rõ rệt. Đối với chính quyền cơ sở lo sao để việc quản lý di sản, quản lý lễ hội theo trách nhiệm của mình và biết tôn trọng dân, định hướng cho dân, để cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là việc làm của dân, do dân và vì dân. Việc trùng tu, sửa chữa các di tích đình làng, miếu cổ đã được nhân dân đồng thuận vì mục đích giữ gìn giá trị văn hóa lịch sử của tiền nhân để lại, góp phần giáo dục truyền thống nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp ở làng quê.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, một nội dung cũng hết sức cần thiết là các địa phương luôn chú trọng đến việc xây dựng đời sống người dân gắn với đời sống văn hóa mới để vừa tiếp thu khoa học - kỹ thuật xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, vừa không ngừng học tập nâng cao kiến thức văn hóa, có khả năng làm chủ xã hội nông thôn. Họ chính là người phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, kết hợp với những giá trị văn hóa tiên tiến của thời đại… “Nếu biết khai thác, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, giúp cho mỗi làng, xã có thể tập hợp được sự đoàn kết cộng đồng để bảo vệ, tu sửa, tôn tạo các di tích, phục hồi và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, quảng bá hình ảnh của làng quê để phát triển du lịch. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, gìn giữ bền vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới” - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong Nguyễn Thanh Quảng kỳ vọng.

Vy Hậu