Báo Công An Đà Nẵng

Người dân sống khổ vì bị 3 nhà máy "tra tấn"

Thứ năm, 25/05/2023 14:49
Người dân gửi hàng trăm lá đơn cho bà Huyền kiến nghị sớm di dời 3 nhà máy ra khỏi khu dân cư.

Khu dân cư "gánh" 3 nhà máy

Từ phản ánh của người dân, sáng 23-5, phóng viên đến tìm hiểu nhận thấy tại tổ 1 (thôn Hòa Mỹ) có 3 nhà máy trên nằm cạnh nhau và sát khu dân cư. Thời điểm đến, có nhiều xe tải chở đất sét, gạch, than, xe trộn bê-tông ra vào tuyến đường dân sinh duy nhất của thôn rộng khoảng 4m gây cản trở phương tiện lưu thông. Những đoạn đường không được tưới nước, phương tiện lưu thông gây bụi bặm.

Nhà nằm trên con đường, bà Nguyễn Thị Tuyết (54 tuổi) phải đóng kín cửa để bụi không bay vào nhà. Bà Tuyết chia sẻ, 3 nhà máy này xây dựng, hoạt động gần 20 năm nay, phương tiện tải trọng lớn vào nhà máy đều lưu thông trên con đường này. Các phương tiện làm rơi vãi đất, than, bột bê-tông khô trên đường gây bụi bặm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Chưa hết, mỗi này có rất đông phương tiện lưu thông trên con đường này gây ùn tắc giao thông, người dân rất bức xúc. Nghiêm trọng nhất là trong quá trình hoạt động, khói thải trong quá trình nung gạch chứa than đá phát tán ra ngoài không ai chịu nổi.

"Bức xúc trước tình trạng xe chạy trên đường gây bụi, người dân đã nhiều lần chặn xe không cho lưu thông. Sau đó, chủ 3 nhà máy cam kết thay phiên tưới nước trên đường, nhưng họ làm nghiêm túc được mấy hôm. Sau đó, họ đặt ống nước xả chảy tràn từ đầu đường được 1 đoạn ngắn có nước, còn những đoạn khác không tưới thường xuyên đường khô xe chạy gây bụi", bà Tuyết nói.

Căn nhà ông Nguyễn Minh Tường (67 tuổi) nằm cách 2 nhà máy gạch và trộn bê-tông vài bước chân nên hằng ngày phải sống chung với khói bụi ô nhiễm. Ông Tường bức xúc nói: "Nhà máy gạch đốt lò nung gạch cả ngày, trong gạch có than đá nên khói thải ra ngoài có mùi khét. Theo hướng gió, mỗi ngày người dân nơi đây hít chất thải ô nhiễm này. Nhiều lúc đang ngồi ăn cơm, khí thải này xộc vào nhà không thể nuốt trôi cơm. Ngoài ra, trong quá trình trộn bê-tông, bụi xi-măng bay ra ngoài ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh. Người dân nơi đây mong muốn chính quyền địa phương sớm di dời 3 nhà máy này, trả lại môi trường trong sạch cho dân sinh sống".

Sớm có biện pháp di dời

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Tổ phó tổ 1 (thôn Hòa Mỹ) cho hay, có hơn 100 hộ dân cả thôn bị ảnh hưởng của 3 nhà máy này, trong đó chịu ảnh hưởng trực tiếp là 60 hộ dân của tổ 1. Từ năm 2015, các nhà máy này hoạt động mạnh khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể, nhà máy gạch trộn than đá để nung gạch làm phát sinh khí thải có mùi khét; nhà máy trộn bê-tông làm bột xi-măng bay ra ngoài; xí nghiệp than hoạt động làm bụi than phát tán ra môi trường. Ngoài ra, trời mưa nước thải chứa hóa chất trong quá trình trộn bê-tông, nước than chảy ra ngoài mương gây ô nhiễm. Nhiều gia súc của người dân uống nguồn nước này bị ngộ độc chết, ruộng lúa bị ô nhiễm mất mùa. Sống trong môi trường bị ô nhiễm, có rất nhiều người dân ở đây chết vì bệnh ung thư phổi, thực quản, hiện tại đang có hàng chục người mắc căn bệnh nan y này. Gần 3 nhà máy có 1 trường tiểu học và 4 nhà trẻ, tình trạng ô nhiễm này làm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của các em.

Quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm do 3 nhà máy gây ra, 9 năm nay, người dân đã viết đơn phản ánh lên cấp xã đến tỉnh. Theo quy định, tôi và ông Châu Ngọc Đúc - Tổ trưởng tổ 1 tiếp nhận đơn phản ánh của người dân rồi trình lên cấp trên có hướng xử lý. Hầu như năm nào người dân cũng viết đơn phản ánh, Phòng TN-MT huyện đến kiểm tra nhưng đều kết luận các thông số về môi trường của 3 nhà máy đều đạt chuẩn cho phép, yêu cầu có biện pháp khắc phục việc phát sinh ô nhiễm theo phản ánh của người dân. Tại các buổi tiếp xúc cử tri ở huyện, HĐND tỉnh, đại diện tổ dân cư và người dân đều kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp di dời 3 nhà máy này ra khỏi khu dân cư, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

"Trước khi đi kiểm tra, Phòng TN-MT huyện gửi thông báo cho chủ 3 nhà máy trên nắm thời gian kiểm tra cụ thể. Do đó, họ tập trung khắc phục tình trạng phát sinh ô nhiễm, như vậy thì đi kiểm tra làm gì. Mới đây, tiếp nhận phản ánh của người dân về việc 3 nhà máy hoạt động gây ô nhiễm, Phòng TN-MT huyện phối hợp UBND xã thành lập đoàn kiểm tra và ra thông báo cụ thể gửi 3 nhà máy sẽ kiểm tra ngay trong 2 ngày 18 và 19-5. Nhận được thông báo, các nhà máy cho công nhân dọn dẹp, hạn chế hoạt động, cào đất trên đường và tưới nước thường xuyên. Do đó, đoàn kiểm tra đã kết luận rằng 3 nhà máy hoạt động đảm bảo các điều kiện về môi trường", bà Huyền nói.

Nhiều phương tiện thường xuyên lưu thông trên con đường dân sinh gây bụi và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Liên quan đến việc người dân phản ánh, ông Trần Đình Minh - Trưởng phòng TN-MT huyện Núi Thành cho biết, việc 3 nhà máy xây dựng gần khu dân cư là không đúng quy định, quá trình hoạt động khiến người dân bức xúc. Sau khi nhận phản ánh của người dân, UBND huyện Núi Thành đã báo cáo lên UBND tỉnh thống nhất di dời 3 nhà máy này vào Khu công nghiệp Chu Lai đang mở rộng giai đoạn 2. Tuy nhiên, đến nay Khu công nghiệp vẫn chưa hoàn thiện nên chưa thể thực hiện các thủ tục di dời. Mặt khác, 3 nhà máy này cũng có nguyện vọng muốn di dời đi do hoạt động bị người dân phản đối mạnh và không thể mở rộng quy mô sản xuất. Từ phản ánh của người dân, đoàn kiểm tra ghi nhận các thông số về môi trường của 3 nhà máy đều đạt chuẩn cho phép.

Về việc bà Huyền cho rằng, Phòng thông báo trước cho các nhà máy thời gian đi kiểm tra là không khách quan, ông Minh thông tin: "Chúng tôi là đơn vị nhà nước, làm việc phải có kế hoạch, thông báo rõ ràng, không phải như lực lượng Cảnh sát môi trường đi kiểm tra bất ngờ. Do đó, việc Phòng thông báo trước cho các nhà máy thời gian kiểm tra là đúng theo quy định".

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Quảng Nam cần sớm có biện pháp di dời 3 nhà máy này ra khu dân cư để trả lại môi trường trong sạch, cuộc sống bình yên cho người dân nơi đây.

LÊ VƯƠNG