Sau Bình Dương, Quảng Ninh trở thành tỉnh thứ 2 của cả nước có đến 5 thành phố
Theo đó, Đông Triều sẽ có 19 đơn vị hành chính trực thuộc thành phố, trong đó có 13 phường và 6 xã. Đến hết năm 2024 này, Đông Triều phấn đấu 100% các xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Trong giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đông Triều đạt 13,6%. Riêng năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 163 triệu đồng/ người/năm, gấp 1,6 lần trung bình cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 65,7%, dịch vụ chiếm 29%, nông nghiệp chỉ chiếm 5,4%. Đây thực sự là những con số ấn tượng và là minh chứng cho sự phát triển bền vững của địa phương này.
Được biết, địa danh Đông Triều xuất hiện cách đây trên 700 trăm, vào nửa thế kỷ thứ XIV, do vị vua thứ 7 triều Trần là Trần Dụ Tông đổi tên Yên Sinh thành Đông Triều thuộc Châu Đông Triều. Tháng 10-1961 Đông Triều thuộc Đặc khu Hồng Quảng, ngày 30-10-1963 khi đặc khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh được sáp nhập thành tỉnh Quảng Ninh, Đông Triều chính thức trở thành đơn vị cấp huyện của tỉnh Quảng Ninh.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Đông Triều trực thuộc nhiều đơn vị hành chính cấp trên khác nhau và địa giới hành chính cũng thay đổi nhiều, nhưng tên gọi Đông Triều hầu như không thay đổi và từ lâu đã đi vào lịch sử đất nước. Đây là một địa bàn có tầm chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quân sự, là quê gốc nhà Trần, nơi đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật, thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm.
Trước ngày 1-11-2024, Bình Dương là tỉnh có nhiều thành phố nhất của Việt Nam với 5 thành phố gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát.
B.T (tổng hợp)