Thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương: Còn nhiều thách thức

Thứ sáu, 01/11/2024 06:22

Thảo luận tại tổ sáng 31-10 về Đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, nhiều đại biểu cho rằng đây là điều kiện rất tốt cho Huế phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành một đô thị văn hóa - mảnh đất địa linh nhân kiệt, vùng đất cố đô - mang đúng tầm vóc lịch sử và văn hóa của Huế.

Song, không ít ý kiến còn băn khoăn khi các loại hình phát triển kinh tế của Huế chưa thực sự nổi bật, hiện thu ngân sách của địa phương chưa cao, so với các địa phương khác còn khiêm tốn. Đây là một khó khăn cho địa phương trong việc bố trí nguồn lực để xây dựng trung tâm đô thị.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tổ Tổ 12 (gồm các Đoàn ĐBQH: Bắc Kạn, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình) thảo luận về Đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tổ Tổ 12 (gồm các Đoàn ĐBQH: Bắc Kạn, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình) thảo luận về Đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.

Nhấn mạnh, TP trực thuộc Trung ương phải là cực tăng trưởng của khu vực, phải có triển vọng phát triển, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, cả nước hiện có 5 TP trực thuộc Trung ương tới đây có thêm TP Huế thì sẽ lên 6 TP... Tổng Bí thư cho rằng, phát triển phải bền vững, hài hòa, "nếu thành phố cứ phát triển vùn vụt còn nông thôn càng khó khăn là không được, rồi người dân cứ ùn ùn đổ về thành phố".

Trung ương đã bàn thảo về vấn đề thành lập TP Huế thuộc Trung ương và nhận thấy đủ tiêu chí, tuy nhiên vẫn còn những điểm hạn chế. Huế phải vượt qua tất cả những khó khăn phải đối mặt nếu lên TP. "Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước. Tôi thấy xứng đáng. Tuy nhiên, lên thành phố thì cần một giai đoạn, bước quá độ... Chúng ta hy vọng thời gian đó không quá dài", Tổng Bí thư nói.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) nêu các bài toán cần giải khi đưa Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương. Ông cho rằng, câu chuyện liên quan đến phát triển các vùng núi của Huế như A Lưới, Phong Điền, Nam Đông là vấn đề cần chú ý, đặc biệt A Lưới là địa bàn rất rộng, vùng núi cao hiểm trở, đồng bào dân tộc rất nhiều, gắn với đó là vấn đề bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng tuyến biên giới đoàn kết hữu nghị với Lào, là thách thức trong vấn đề nguồn lực và trong tổ chức các hoạt động liên quan đến chính quyền đô thị.

Bên cạnh đó là vấn đề lao động, việc làm, giải quyết bài toán di cư từ khu vực nông thôn ra TP và di cư trong những khu vực cần phải bảo tồn; sắp xếp các tổ chức bộ máy chính quyền; kiện toàn, sắp xếp, bố trí đào tạo đội ngũ cán bộ khi chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn sang mô hình chính quyền đô thị.

"Chúng ta đi theo hướng là đô thị về văn hóa, các trung tâm về y tế, giáo dục lớn. Đây là một định hướng rất phù hợp với Huế. Tuy nhiên, để so với gia tăng tốc độ phát triển đối với các tỉnh, các đô thị xung quanh, chẳng hạn Đà Nẵng phát triển theo hướng công nghiệp, thì vấn đề việc làm sẽ khó hơn, đây là bài toán cần phải tính toán", đại biểu Nguyễn Lâm Thành lưu ý.

"Rõ ràng Thừa Thiên - Huế còn rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, mặc dù chúng ta áp dụng theo tiêu chí của thành phố đô thị nhưng còn rất nhiều thách thức", nêu quan điểm này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phân tích, số đơn vị hành chính cấp huyện là nông thôn còn nhiều, còn những huyện bãi ngang, nhiều xã. Khi rà soát sắp xếp lại, vẫn còn 78 xã, có 48 phường, thị trấn, tốc độ đô thị hóa đến thời điểm này mới đạt tỷ lệ khoảng 63%.

Làm sao để thay đổi tư duy từ vùng nông thôn trở thành tư duy, nhận thức và tư tưởng của một đô thị lớn không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà phải nỗ lực rất lớn. Bên cạnh đó là những giải pháp để tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế và tới đây là TP Huế trực thuộc Trung ương.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, tới đây sẽ đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết 38, đề nghị với Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng cho yêu cầu phát triển của TP Huế thời gian tới để đảm bảo cho Huế "một cái áo đầy đặn, toàn diện, đủ sức để có thể hội nhập, mang tính dẫn dắt không phải chỉ cho miền Trung mà dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước, đồng thời dẫn dắt cho sự phát triển của hệ thống đô thị".

"Không phải riêng gì Trung ương quan tâm, mà cả nước quan tâm cho người dân Huế. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế phải nhận thức được đầy đủ vấn đề này để thấy mình phải thay đổi, phải vươn lên để giải phóng tư tưởng, thay đổi nhận thức, cố gắng đáp ứng được yêu cầu phát triển của đô thị; đồng thời có nhiều giải pháp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay và đặc biệt là TP Huế trực thuộc Trung ương khi được Quốc hội thông qua", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

B.T – TTXVN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương

Sáng 28/9, tiếp tục Phiên họp thứ 37, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 theo thẩm quyền.

Kiến nghị giao Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp

Chiều 25/6, theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cắt bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết

Chiều 14-11, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ (gọi tắt là BCĐ) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Phiên họp thứ sáu của BCĐ dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng BCĐ. Tại điểm cầu TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh chủ trì với sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành hữu quan...