Quảng Nam nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt trong 3 tháng cuối năm

Thứ năm, 10/10/2024 06:30

Ngày 9-10, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý III và chỉ đạo công tác phòng chống bão, lụt năm 2024.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 9 tháng tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023; riêng quý III tăng 12,7%. Quy mô nền kinh tế tỉnh đạt gần 91 ngàn tỷ đồng, mở rộng gần 8 ngàn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng hơn 3,7 ngàn tỷ đồng; tiếp đến là khu vực dịch vụ 2,6 ngàn tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gần 971 tỷ đồng; thuế sản phẩm và trợ cấp sản phẩm 642 tỷ đồng. Cơ cấu GRDP 9 tháng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 31,8%; khu vực dịch vụ chiếm 34,8%.

Với mức tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 5,9% so với cùng kỳ năm trước, Quảng Nam xếp vị thứ 50/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Về quy mô GRDP, Quảng Nam xếp vị thứ 27/63 tỉnh, thành phố. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 8.884,283 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết kế hoạch năm 2024 cho các ngành và các địa phương là 6.614,403 tỷ đồng, đạt 94%. Tính đến ngày 30-9-2024, giải ngân 3.686,824 tỷ đồng, đạt 41,5%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (44,6%). Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 giải ngân 2.798,226 tỷ đồng, đạt 39,7% và kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân 888,599 tỷ đồng, đạt 48,6%...

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đầu năm đến nay, các địa phương Quảng Nam chịu ảnh hưởng của 8 đợt dông sét, mưa đá, gió giật mạnh gây thiệt hại tập trung trên địa bàn các huyện Hiệp Đức, Duy Xuyên, Đại Lộc, Nam Trà My, Tây Giang, Bắc Trà My. Từ ngày 17 đến 19-9, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới qua khu vực Trung Trung Bộ, có áp thấp nhiệt đới sau thành bão số 4, nên các địa phương Quảng Nam đã xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to gây thiệt hại ở nhiều địa phương. Từ đầu năm đến nay xảy ra 38 vụ/16 phương tiện/46 người dân bị nạn trên biển (mất tích 1 người, chết 5 người, bị thương 40 người).

Tại buổi làm việc, các sở ngành, địa phương báo cáo kết quả đạt được, đồng thời nêu lên những khó khăn dẫn đến nhiều chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đề ra như: hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công chậm; huy động và sử dụng các nguồn lực còn chưa thực sự hiệu quả... Nhiều địa phương kiến nghị cần tập trung bố trí quỹ đất tái định cư sắp xếp dân cư khu vực nguy cơ rủi ro sạt lở.

Biểu dương những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu, 3 tháng cuối năm 2024, các sở, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ hơn để hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt, các công trình phải “vượt nắng thắng mưa” khẩn trương hoàn thành tiến độ theo kế hoạch; rà soát các ngành tăng trưởng khá (công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, may mặc, du lịch) để có giải pháp hỗ trợ, đẩy mạnh để nâng cao tốc độ tăng trưởng, tạo ra sự đột phá. Đối với các ngành tăng trưởng chậm thì tìm nguyên nhân do đâu để có giải pháp khắc phục…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung giải ngân vốn đầu tư công, làm tốt công tác an sinh xã hội, giáo dục đào tạo; đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh, giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân... Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu, các sở, ngành, địa phương rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ.

LÊ VƯƠNG