Tác động từ việc 3 quốc gia châu Âu công nhận Nhà nước Palestine
Mới đây, Na Uy - quốc gia đóng vai trò then chốt trong ngoại giao Trung Đông suốt nhiều năm qua, nước đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine vào đầu những năm 1990 đưa đến Hiệp định Oslo - tuyên bố cần phải công nhận nhà nước Palestine để ủng hộ những tiếng nói ôn hòa trong cuộc xung đột ở Gaza. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thực hiện vụ "thảm sát" ở Gaza và gây nguy hiểm cho giải pháp hai Nhà nước.
Thủ tướng Ireland Simon Harris cho biết ông kỳ vọng các quốc gia khác sẽ cùng Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy công nhận Nhà nước Palestine trong những tuần tới. Ông nói Ireland dứt khoát công nhận Israel và quyền tồn tại "an toàn và hòa bình với các nước láng giềng" của nước này. Đồng thời ông kêu gọi trả tự do cho tất cả các con tin ở Gaza ngay lập tức. Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland cho biết họ sẽ chính thức công nhận Palestine vào ngày 28-5 tới.
Tác động tới tiến trình hòa bình
Từ trước đến nay, nhiều quốc gia đã công nhận Palestine là một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, động thái công nhận này, đặc biệt là ở các nước châu Âu, sẽ có những tác động quan trọng. Thụy Điển, Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha từ lâu được coi là có thiện cảm với người Palestine. Anh cũng cho biết họ có thể xem xét công nhận Palestine trong bối cảnh thất vọng ngày càng sâu sắc về việc Israel từ chối tiến tới giải pháp hai Nhà nước, đặc biệt trong thời kỳ ông Netanyahu.
Ông Hugh Lovatt, chuyên gia về quan hệ Israel - Palestine tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định: "Việc công nhận Nhà nước Palestine là một bước đi hữu hình hướng tới con đường chính trị khả thi mang lại quyền tự quyết cho người dân Palestine. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự tham gia của Arab trong việc hỗ trợ lệnh ngừng bắn bền vững ở Gaza. Theo kế hoạch "tầm nhìn Arab" nhằm thực thi giải pháp hai Nhà nước, các quốc gia như Saudi Arabia đã kêu gọi Mỹ và châu Âu công nhận Palestine".
Tác động đến Israel
Việc Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy tuyên bố công nhận tư cách nhà nước của Palestine diễn ra trong bối cảnh hầu hết các chính phủ châu Âu đều đưa ra sự ủng hộ rõ ràng đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) trong tuần này, sau khi tòa yêu cầu lệnh bắt giữ Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cùng với ba nhà lãnh đạo của Hamas vì tội ác chiến tranh. Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu áp đặt chế độ trừng phạt đối với những người định cư bạo lực và các nhóm cực hữu ủng hộ Israel.
Trong khi đó, xã hội Israel đang có sự chia rẽ sâu sắc. Hơn nữa, sự quyết liệt của Israel trong các cuộc tấn công nhằm vào Gaza đã bị cộng đồng quốc tế lên án khi hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng trong các cuộc chiến dữ dội. Israel cũng đang bị cô lập hơn về mặt ngoại giao. Điều đó một phần đã thúc đẩy sự rạn nứt ngày càng gia tăng và rõ ràng hơn trong nội các của Chính phủ Thủ tướng Netanyahu.
Theo tờ New York Times, ở châu Âu, nơi từ lâu là nguồn hỗ trợ quan trọng cho Israel, trọng tâm chính trị đang rời xa chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Sự ủng hộ của châu Âu dành cho Israel đang suy yếu khi chiến sự Gaza vẫn tiếp diễn và diễn biến leo thang, tình hình nhân đạo ở Gaza trở nên tồi tệ hơn và Israel ngày càng không còn là nạn nhân. Nếu nhiều nước láng giềng theo chân Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy, Liên minh châu Âu có thể trở thành một đối trọng lớn đối với lập trường của Mỹ rằng tư cách nhà nước của Palestine chỉ có thể là kết quả của một thỏa thuận thương lượng với Israel. Điều đó sẽ làm sâu sắc thêm sự rạn nứt giữa châu Âu và Israel.
AN BÌNH