Tổng thống Iran tử nạn trong vụ rơi trực thăng

Thứ ba, 21/05/2024 08:35
Ngày 20-5, Iran xác nhận Tổng thống nước này Ebrahim Raisi đã thiệt mạng sau khi chiếc trực thăng chở ông gặp nạn ở vùng núi gần biên giới Azerbaijan.

Ngày 20-5, đại diện Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ của Iran (IRCS) cho biết đã tìm thấy thi thể của Tổng thống nước này Ebrahim Raisi và những quan chức tháp tùng trong vụ rơi máy bay một ngày trước đó, đồng thời tuyên bố công tác tìm kiếm đã kết thúc. Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước, Giám đốc IRCS Pirhossein Koolivand cho biết tổ chức này đang chuyển thi thể các nạn nhân đến khu vực Tabriz, Tây Bắc Iran.

Cùng ngày, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố 5 ngày quốc tang Tổng thống Raisi và một số quan chức khác tử nạn trong vụ rơi trực thăng tại tỉnh Đông Azerbaijan.

Trực thăng gặp nạn do thời tiết xấu

Vào ngày 19-5, trực thăng chở Tổng thống Raisi và phái đoàn tháp tùng đã gặp sự cố và "hạ cánh cứng" ở tỉnh Đông Azarbaijan. Đoàn máy bay trực thăng gặp nạn khi đang trên đường di chuyển từ Khoda Afarin, nơi ông Raisi đã tham dự lễ khánh thành một đập nước cùng với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev trước đó cùng ngày 19-5, đến thủ phủ tỉnh Tabriz để dự lễ khánh thành một khu liên hợp hóa dầu.

Phó Tổng thống Iran Mohsen Mansouri cho biết phái đoàn tháp tùng ông Raisi di chuyển trên ba chiếc máy bay trực thăng. Khoảng 30 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay chở ông Raisi mất liên lạc với hai chiếc còn lại. Các máy bay trực thăng ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm xung quanh khu vực trong khoảng 20 phút, nhưng buộc phải hạ cánh khẩn cấp do điều kiện thời tiết xấu và sương mù dày đặc.

Chiếc trực thăng chở Tổng thống Raisi đã rơi ở Khu vực Bảo tồn Dizmar - một khu vực rừng núi khá hiểm trở nằm gần biên giới Azerbaijan. Truyền hình nhà nước ban đầu cho biết chiếc trực thăng rơi gần Jolfa, một thành phố ở biên giới với Azerbaijan nhưng sau đó cho biết nó nằm xa hơn về phía Đông gần làng Uzi. Theo kênh này, điều kiện thời tiết xấu bất thường của Dizmar đã dẫn đến vụ tai nạn trên.

Mảnh vỡ cháy đen của chiếc trực thăng đã được tìm thấy vào sáng sớm 20-5 (theo giờ địa phương) sau cuộc tìm kiếm suốt đêm trong bão tuyết.

Chiếc trực thăng chở Tổng thống Raisi là trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất. Theo nhà phân tích quân sự Cedric Leighton, Bell 212 bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối những năm 1960. Mẫu trực thăng này lần đầu tiên được sản xuất tại Mỹ và sau đó ở Canada. Ông Leighton - một thượng tá không quân Mỹ đã nghỉ hưu - chỉ ra khó khăn trong việc tìm kiếm phụ tùng thay thế có thể là một nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. "Phụ tùng thay thế chắc chắn là một vấn đề đối với Iran. Trong tình huống này, tôi nghĩ việc thiếu các phụ tùng thay thế do các lệnh trừng phạt, cộng với thời tiết rất xấu trong vài ngày qua ở khu vực phía Tây Bắc Iran. Những yếu tố đó có thể tạo ra một loạt sự cố dẫn tới vụ tai nạn", ông Leighton nhận định.

Hiện trường vụ rơi máy bay trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: CNN

Tác động với Iran sau sự cố

Nội các Iran ngày 20-5 tuyên bố chính phủ nước này sẽ tiếp tục hoạt động mà không có sự gián đoạn dù là nhỏ nhất sau vụ tai nạn. Tuyên bố cho biết: "Chúng tôi đảm bảo rằng hoạt động của chính phủ sẽ tiếp tục với tinh thần không mệt mỏi của Ngài Raisi," đồng thời nhấn mạnh rằng công việc của chính phủ sẽ tiếp tục "mà không bị gián đoạn dù là nhỏ nhất".

Ông Raisi, 63 tuổi, người có đường lối cứng rắn, từng lãnh đạo cơ quan tư pháp, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 của Iran. Ông Raisi cũng tiếp tục chính sách "hướng Đông" của người tiền nhiệm Hassan Rouhani. Để đạt được mục tiêu này, ông và chính quyền đã theo đuổi mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đã tăng nhập khẩu dầu của Iran và làm trung gian cho một thỏa thuận ngoại giao lịch sử giữa Iran và Saudi Arabia vào tháng 3-2023.

Kể từ khi cuộc xung đột Israel - Hamas ở Gaza nổ ra, dưới sự lãnh đạo của ông Raisi, Iran đã duy trì cân bằng giữa ủng hộ các lực lượng thân Iran trong khu vực chống Israel và Mỹ, đồng thời tránh đối đầu trực tiếp với cả hai nước. Thế cân bằng này đã bị phá vỡ trong thời gian ngắn khi Iran tấn công trực tiếp Israel bằng máy bay không người lái và tên lửa lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 4 vừa qua để trả đũa cuộc tấn công vào tòa nhà đại sứ quán Iran ở Damascus.

Tổng thống Raisi thiệt mạng xảy ra trong bối cảnh ông được coi là người kế nhiệm tiềm năng của lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ông Khamenei, người nắm quyền lực tối cao và có tiếng nói cuối cùng về chính sách đối ngoại và chương trình hạt nhân của Iran, đã tìm cách trấn an người dân Iran, nói rằng các vấn đề quốc gia sẽ không bị gián đoạn vì sự cố rơi trực thăng.

Tuy nhiên, nhận định với tờ The Conversation, ông Eric Lob, Phó Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Florida, cho rằng vụ tai nạn của ông Raisi sẽ khiến lãnh tụ tối cao Khamenei mất đi một người trung thành lâu năm và một người kế nhiệm tương lai. Về phần mình, Tiến sĩ Meir Javedanfar, Giảng viên người Iran tại Đại học Reichman ở Israel, cho biết trên tờ Jerusalem Post rằng, điều này không có tác động lớn đối với chế độ ở Tehran cũng như ảnh hưởng đến cuộc đối đầu giữa Iran và Israel, hay sự hỗ trợ của Iran đối với các nhóm thân Iran như Hamas và Hezbollah, hoặc chương trình hạt nhân của nước này.

Ngày 20-5, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thông qua việc chỉ định Phó Tổng thống Mohammad Mokhber tạm thời tiếp quản vị trí của ông Raisi. Theo Điều 131 của Hiến pháp, ông Mokhber sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo cơ quan hành pháp. Ông Mokhber sẽ cần phối hợp với những người đứng đầu cơ quan lập pháp và tư pháp để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống tối đa trong 50 ngày. Nội các Iran cũng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ali Bagheri Kani làm quyền Bộ trưởng sau khi Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian tử nạn trong vụ rơi trực thăng.

Nhiều nước chia buồn với Iran

Nga, Liên minh châu Âu (EU) cùng một loạt các quốc gia Trung Đông đã bày tỏ thương tiếc và chia sẻ nỗi buồn tới Iran sau khi Tổng thống Raisi tử nạn trong vụ rơi trực thăng.

Trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga ngày 20-5, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết: "Moscow vô cùng đau buồn trước thông tin về cái chết của Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Iran trong vụ tai nạn trực thăng. Nga chân thành chia buồn với gia đình và bạn bè của các nạn nhân cũng như với tất cả người dân Iran". Cũng trong tuyên bố, Ngoại trưởng Nga ca ngợi Tổng thống Raisi và người đồng cấp Hossein Amirabdollahian là những người bạn thực sự, đáng tin cậy đối với Moscow. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi lời chia buồn về sự ra đi của Tổng thống Iran Raisi.

Lực lượng cứu hộ được triển khai tìm kiếm trực thăng chở Tổng thống Iran ở vùng núi tỉnh Đông Azerbaijan ngày 19-5. Ảnh: AFP

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết EU gửi lời chia buồn về cái chết của Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Abdollahian, cũng như các thành viên khác trong đoàn tùy tùng và phi hành đoàn trong vụ tai nạn trực thăng.

Cùng ngày, bày tỏ trên trang X, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho hay ông thực sự đau buồn và sốc trước cái chết của Tổng thống Raisi. "Đóng góp của ông trong tăng cường mối quan hệ song phương Ấn Độ - Iran sẽ luôn được nhớ mãi. Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình ông và người dân Iran. Ấn Độ sẽ sát cánh cùng Iran trong thời điểm đau buồn này", Thủ tướng Modi nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia' Al Sudani gửi lời chia buồn tới nhà Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei và chính phủ Iran trên một bài đăng trên X. Ông nói: "Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với những người anh em Iran trong bi kịch đau đớn này". Pakistan và Lebanon tuyên bố sẽ tổ chức ngày tang và treo cờ rủ để bày tỏ sự thành kính tới Tổng thống đã khuất Raisi. Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed Al Nahyan cho biết UAE luôn đoàn kết với Iran vào thời điểm khó khăn này, gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình những người thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Trong khi đó, cùng ngày, một quan chức Israel tuyên bố nước này không liên quan tới cái chết của Tổng thống Raisi trong vụ tai nạn trực thăng. Quan chức giấu tên nêu rõ: "Không phải chúng tôi gây ra vụ tai nạn trực thăng chở Tổng thống Raisi".

AN BÌNH