Báo Công An Đà Nẵng

Taxi truyền thống tại Đà Nẵng tiếp tục "tố" Grab

Thứ ba, 09/05/2023 09:40
Chỉ cần đặt grab qua app, lập tức xuất hiện hàng chục xe.

Bức xúc kéo dài

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ngày 8-5, ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho biết: Hiện nay ước tính có tới gần 2.800 xe đang hoạt động Grab, trong khi đó, cả 7 hãng taxi của Đà Nẵng chỉ vẻn vẹn chừng 1.700 xe. Ông Tâm nói thẳng, cứ nhìn vào thực tế như hãng taxi Mai Linh với 390 xe, mỗi năm nộp thuế cho Nhà nước ngót ngét gần 30 tỷ đồng (VAT, thu nhập doanh nghiệp, phí trước bạ). Tương tự như Taxi Tiên Sa cũng đóng khoản tiền thuế khoảng gần 15 tỷ đồng với tổng số 200 xe thời điểm hiện tại (trước đây năm 2018 tới 450 đầu xe). Trong khi đó, Grab trốn một lượng thuế quá lớn, hoặc đóng chỉ là rất ít ỏi.

Theo lập luận của ông Tâm, vấn đề mấu chốt hiện nay mà Chính phủ, Bộ GTVT và các cấp ngành có liên quan cần phải làm rõ đó là định danh loại xe của Grab là gì? Họ là Cty công nghệ hay Cty kinh doanh vận tải? Nếu kinh doanh vận tải thì là xe hợp đồng hay taxi? Trong tất cả các cuộc họp liên quan từ TP đến Bộ GTVT, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cũng đã đối thoại và khẳng định rằng, Grab là Cty ứng dụng công nghệ để kinh doanh vận tải chứ không phải là Cty công nghệ. Ông Tâm dẫn chứng, trong kinh doanh, bản thân các Cty này có quy định giá, khuyến mãi và tuyển dụng lái xe. Riêng HTX chỉ là bình phong và cũng cần xem lại vai trò của các HTX, bởi thực chất, lái xe chỉ làm thủ tục và được HTX cấp phù hiệu là chấm hết. Chính vì vậy, lái xe có thể đăng ký vào HTX ở bất kỳ địa phương nào, sau đó đến Đà Nẵng đăng ký chạy Grab đều được.

Ở một góc độ khác, Grab kinh doanh vận tải nhưng chẳng có sự điều hành, cũng không có bộ phận quản lý, giải quyết các quyền lợi của khách hàng và lái xe. Điều đó cho thấy rõ, họ đang chối bỏ quyền lợi của khách. "Theo chúng tôi, cần làm rõ rằng, nếu Grab hợp đồng với khách hàng thì khách hàng ký với ai? Và ai chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra? Bởi nhìn trên mạng thì khách hàng đang đi Grab, nhưng khi xảy ra sự cố, Grab có chịu trách nhiệm không? Hay lại đổ lỗi cho HTX, rồi HTX lại đổ lỗi cho Grab? Thời gian qua, đã xảy ra những vụ lái xe cưỡng hiếp, cướp tài sản của hành khách gây bức xúc dư luận. Thậm chí có thời điểm, lái xe Grab còn vào hoạt động trong sân bay giành khách, náo loạn, lao xe húc, đánh cả nhân viên an ninh hàng không khi lực lượng này ra quân dẹp vấn nạn. Đại diện các hãng taxi cho rằng, tự do kinh doanh không ai cấm ai, nhưng phải công bằng, có sự quản lý chặt chẽ. Chứ Grab như "người tàng hình", server thì để tận nước ngoài, lái xe lại ở Đà Nẵng, không quản lý được, như vậy thì khi gặp sự cố, thiệt hại cuối cùng sẽ đổ đầu người dân.

Cần sự vào cuộc mạnh tay

Theo ý kiến của đại diện Cty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa, nếu Bộ GTVT cho thí điểm Grab hoạt động thì phải rõ ràng, cụ thể là số lượng xe bao nhiêu và trên xe phải có "tóc" có "tai" để nhận diện, chứ không thể để tồn tại kiểu ai sắm xe chạy cũng được. Đồng thời, phải có sự cạnh tranh công bằng, làm đủ thủ tục với Nhà nước về thuế và cam kết giải quyết quyền lợi cho lái xe, hành khách, vì điều kiện ràng buộc của taxi quá kỹ. "Chúng tôi nêu một vấn đề là, các hãng taxi khi muốn giảm giá, tăng giá dịp lễ, Tết thì phải đăng ký trước cả tuần với tài chính, thuế, sở GTVT và không giảm quá 50%. Còn Grab muốn khuyến mãi bao nhiêu tùy thích, không ai quản lý được. Điều đó rất bất công" - đại diện taxi Tiên Sa nói.

Cũng theo đại diện một số hãng taxi tại Đà Nẵng, liên quan đến chuyện quyền lợi của khách hàng đi Grab cũng có không ít chuyện đáng bàn. Như có sự cố xảy ra, hoặc hậu quả sẽ đổ hết lên đầu khách hàng, hoặc tài xế. Vì khi đăng ký vào HTX, theo các tài xế Grab, HTX chỉ biết thu triệu đồng/xe/năm là xong, chứ chẳng có trách nhiệm gì khác. HTX với Grab cũng chẳng có ràng buộc pháp lý trong hợp đồng ngoài chuyện cung cấp thông tin chủ xe, BKS, xe đã có phù hiệu cho nhau. Nói về lợi, thiệt của khách hàng, sau nhiều ngày thực tế, chúng tôi biết, do Grab tự quyết về giá, nên có thời điểm trong ngày giá cước thấp hơn taxi, nhưng lúc cao điểm, khách hàng cũng chịu thiệt vì giá quá cao. Chúng tôi thử nghiệm một ví dụ khi kích hoạt Grab giữa buổi sáng 8-5, tại khu vực phường Hòa Quý đi Bến xe Trung tâm, giá cước chuyến xe này là 141.000 đồng, nhưng thời điểm 15 giờ chiều lại báo giá là 192.000 đồng. Trong khi đó, chúng tôi di chuyển bằng taxi giá là 155.000 đồng. Rõ ràng, có lúc Grab giá thấp hơn, nhưng có thời điểm lại cao hơn taxi. Vậy câu hỏi đặt ra, nếu Grab bị thắt chặt quản lý như taxi, phải chịu các khoản thuế, giá đi xe của Grab sẽ thế nào?

Ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho rằng, taxi truyền thống đã chịu ấm ức rất nhiều năm rồi, nên cấp thiết lúc này các cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt hoạt động của Grab, không thể tồn tại mãi cái cảnh một ông bị "trói tay, trói chân", còn một ông thả nổi. Theo ông Tâm, như lái xe taxi trước khi tham gia hoạt động phải đào tạo, qua lớp huấn luyện của sở GTVT, Hiệp hội Taxi mới được cấp chứng chỉ hoạt động. Lái xe cũng phải qua đào tạo đạo đức nghề nghiệp, cung cách thái độ phục vụ, văn hóa trong kinh doanh, còn Grab lái xe ăn mặc kiểu gì cũng được, thậm chí là quần đùi, áo pull, rất phản cảm. "Nếu áp dụng công bằng trong kinh doanh như taxi, Grab sẽ thế nào?". Và nếu thực hiện đúng quy chế như taxi, chắc chắn Grab sẽ không thể tồn tại, bởi bản chất của Grab hiện tại là họ đang dùng chính sách giá (giảm giá, khuyến mãi) để "bóp" chết taxi truyền thống. Vì vậy, cần một sự vào cuộc mạnh tay của các cấp ngành.

Theo lãnh đạo Sở GTVT, đến thời điểm này, chủ trương, quan điểm của TP là vẫn không đồng ý cho khai thí điểm ứng dụng Grab. Đồng nghĩa với Grab đang hoạt động chui. Thực tế những năm qua, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính hàng trăm vụ, tước quyền sử dụng GPLX và thu hồi phù hiệu hàng trăm trường hợp xe hợp đồng là Grab. Và việc xe tham gia chạy Grab nhiều dẫn đến mật độ phương tiện của TP đang gia tăng chóng mặt. Điều này cũng là một trong những tác nhân dẫn đến ùn tắc giao thông và nhiều hệ lụy khác.

Công Hạnh - Nhật Huy